Những phận đời trên sông Hồng ngày cận Tết

Bất chấp những cơn mưa phùn mang theo cái rét tê tái, những con thuyền bé nhỏ của người dân xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn ngày đêm rẽ nước sông Hồng để đánh bắt tôm, cá khi Tết đang cận kề.

Đánh cá ở gần bờ nên bà Nguyện thường chỉ bắt được cá nhỏ

U70 dầm mình đánh cá

3h chiều, bà Nguyễn Thị Nguyện (67 tuổi) ướt sũng người trở về trên chiếc thuyền gỗ nhỏ cùng 10kg cá rô. Số cá trên nhanh chóng được lái buôn chờ trên bờ mua hết. Ngày công hôm nay của bà Nguyện được 100 nghìn đồng. "Hôm nay như vậy cũng tạm được, 2 hôm trước tôi chỉ được 50-60 nghìn. Mấy hôm nay mưa phùn, gió lớn, đánh cá khó lắm", bà Nguyện run rẩy nhưng vẫn cảm thấy vui vì đánh được nhiều cá.

Bà Nguyện và chồng là ông Trần Văn Phải (67 tuổi) quê ở xóm Vạn Vỹ, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Cả 2 ông bà đều theo bố mẹ dạy đánh cá từ lúc 7-8 tuổi. Lớn lên trên sông nước, đến tuổi trưởng thành, họ yêu nhau rồi nên nghĩa vợ chồng và tiếp tục gắn bó với nghề cha ông. Không có lấy một tấc đất nên chiếc thuyền xi măng chính là "nhà" của họ.

Theo ông Nguyện, gia đình ông không ở một chỗ cố định mà nay đây mai đó dọc trên sông Hồng. Thấy chỗ nào lặng gió là họ neo thuyền, một thời gian lại chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, 10 năm nay, do sức khỏe yếu, chiếc thuyền xi măng được mua từ năm 1988 cũng đã xuống cấp nên vợ chồng ông buộc phải tấp vào con lạch thuộc xóm Vạn Thắng Lợi, xã Hồng Hà, ở với những người cùng nghề tại đây.

Một góc xóm vạn chài

Trước đây, xóm vạn chài có cả trăm hộ ở dưới sông nhưng được Nhà nước hỗ trợ, hiện có hơn 100 hộ đã lên bờ. Dù lên bờ nhưng các hộ dân này vẫn sống bằng nghề đánh cá trên sông Hồng. Với vợ chồng bà Nguyện-ông Phải, họ cũng được cấp cho một suất đất ở xã Trung Châu nhưng chưa có tiền để lên bờ xây nhà.

"Có lẽ hết đời này, vợ chồng tôi vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ lên bờ. Kiếm ăn hàng ngày còn khó nói gì đến tích cóp tiền để xây nhà", bà Nguyện nói.

Vợ chồng bà Nguyện có 3 người con, cả 3 đều sinh ra và lớn lên trên sông Hồng. Con trai cả của ông bà mù chữ. Con gái thứ 2 cũng chỉ học đến lớp 2 và hiện lấy chồng ở Sơn La. Con trai út học đến lớp 7 rồi bỏ dở chuyện học hành để vào miền Nam làm công nhân. Trên chiếc thuyền xi măng cũ nát của nhà bà Nguyện đang có đến 6 người thường xuyên sinh sống.

"Chật chội, bất tiện nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Cả nhà vẫn mơ mua được chiếc xe máy thỉnh thoảng lên bờ dạo chơi nhưng cũng chưa mua nổi. Mấy năm nay tôi bệnh tật, đau ốm nên chỉ ở nhà trông thuyền, một mình vợ chèo thuyền đi đánh cá từ sáng đến chiều mới về", ông Phải chia sẻ.

Đánh cá trên sông Hồng bất kể ngày đêm nhưng do bà Nguyện tuổi cao, sức yếu, không thể đương đầu với những con sóng dữ, đánh gần bờ nên chỉ bắt được cá nhỏ, với giá rất thấp. Bà Nguyện chỉ mong bản thân không ốm đau để ngày ngày còn "có rau cháo". Cũng vì nghèo nên hàng ngày vợ chồng bà vẫn phải lấy nước trên sông Hồng lọc qua phèn để dùng.

Bà Nguyện cho biết: "Ở xóm chài, các gia đình khấm khá hơn mua nước bình về ăn uống, lọc nước sông để sinh hoạt nhưng nhà tôi dùng nước sông 100%. Thậm chí nước sông cũng phải tằn tiện vì để lấy được nước phải chèo thuyền ra giữa dòng vì nước cạnh bờ rất bẩn".

Giấc mơ chưa trọn vẹn

Cách thuyền của gia đình bà Nguyện chừng 1 km là thuyền của vợ chồng bà Trần Thị Hiền (55 tuổi) và ông Nguyễn Văn Việt (60 tuổi). Vợ chồng bà Hiền chọn bờ sông Hồng làm nơi neo đậu. Nơi đây dù sóng to, gió lớn hơn nhưng việc đánh bắt thuận lợi. Cũng như bà Nguyện, chồng bà Hiền mắc nhiều bệnh.

Bà Hiền một mình đánh cá trong đêm trên sông Hồng

Năm vừa rồi ông Việt mổ 2 lần, hết mổ tay rồi đến mổ chân, tiền dành dụm được đều tiêu cạn. Cũng vì khó khăn nên mấy lần chính quyền địa phương bán đất tái định cư nhưng vợ chồng bà Hiền không đủ tiền mua. Kể từ ngày chồng bệnh, bà Hiền trở thành lao động chính trong nhà.

Mùa này ít cá, ban ngày khó đánh bắt nên bà Hiền thường đánh vào ban đêm. Khoảng 23h, khi không gian trở nên tĩnh mịch, bà Hiền mang đồ nghề gồm chiếc đèn, điện thoại, lưới đánh cá lên chiếc thuyền nhỏ và bắt đầu rẽ sóng ngược lên phía thượng nguồn khoảng 3km đánh bắt.

Hôm nào may mắn, bà kiếm được khoảng hai trăm nghìn đồng, đủ chi phí sinh hoạt và thuốc thang cho chồng mỗi ngày. Nhiều hôm, gặp nước thủy triều dâng, lưới không trôi được, bà trở về tay không. Thả lưới đêm nguy hiểm nhất là khi những chiếc sà lan ngang qua.

Xóm chài Vạn Thắng Lợi có từ lâu đời và từng có cả trăm hộ sống lênh đênh trên thuyền. Hiện tại hầu hết các hộ đã được Nhà nước hỗ trợ lên bờ làm nhà và sinh sống ổn định, chỉ có một số ít hộ như nhà bà Hiền, bà Nguyện, ông Lợi, ông Hạnh, ông Dương… vẫn chưa có nhà và đối diện với nhiều khó khăn. Mong rằng sắp tới, những hộ còn lại sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Nhìn cuộc sống của nhiều người dân xóm vạn chài thay đổi sau khi lên bờ, chúng tôi rất mừng và tin rằng, đó cũng là động lực cho những gia đình còn lại cố gắng”.

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội)

Xóm chài Vạn Thắng Lợi từng xảy ra vụ sà lan đâm vào thuyền đánh cá của một gia đình khiến 2 mẹ con thiệt mạng nên bà Hiền rất cẩn thận, thỉnh thoảng lại phải đánh đèn báo hiệu. Bà Hiền bảo, làm nghề này cũng nhiều may rủi, có hôm chỉ thả mẻ lưới đầu tiền đã "trúng" được con cá lớn, bán mấy trăm nghìn nhưng có khi thả cả đêm cũng chỉ được ít "cá vặt".

Nhắc đến chuyện lên bờ định cư, mắt bà Hiền như chùng xuống: "Nhà tôi có 4 con gái, 3 đứa đã lấy chồng, con gái út cũng đi làm, chỉ 2 ông bà ở với nhau. Có ngôi nhà trên đất liền là ước mơ cháy bỏng nhưng không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Ở trên sông nguy hiểm nhất là những ngày bão gió, cả gia đình phải sơ tán trên bờ, có lúc phải ngủ lại ở hội trường thôn. Đầu năm nay, vợ chồng anh ruột tôi đang đánh cá đêm thì thuyền bị lật, chồng bơi được vào bờ, vợ thì bị đuối nước, 4 ngày sau mới mò thấy xác", bà Hiền buồn bã kể.

Khác với hoàn cảnh bà Hiền, hơn 100 gia đình xóm vạn chài này đã thực hiện được giấc mơ lên bờ, xây nhà và sống quần tụ tại xóm Vạn Thắng Lợi. "Cuộc sống của gia đình tôi và cả xóm chài Vạn Thắng Lợi đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi lên bờ. Hiện tại vẫn còn khoảng 50 gia đình làm nghề sông nước nhưng không ai còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Đặc biệt, con cái được học hành đến nơi đến chốn", anh Nguyễn Văn Hoa, một người dân xóm chài, chia sẻ.

Anh Hoa cho biết, bản thân anh không được đi học nên mù chữ, vợ anh - chị Tạ Thị Liễu -cũng chỉ học đến lớp 3. "Tôi có 2 đứa con nhưng tuyệt đối không cho theo nghề bố mẹ. Cuộc sống trên sông nước quá nhiều hiểm nguy.

Có người bị sà lan tông chết, có cháu bé rơi xuống sông tử vong… Cả làng chài ai cũng đau xót và ám ảnh bởi những câu chuyện thương tâm như thế. Mong rằng, thời gian tới, những hộ còn lại cũng sẽ được lên bờ", anh Hoa nói.

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-phan-doi-tren-song-hong-ngay-can-tet-20240119160231192.htm