Những phận đời 'mơ' về tấm thẻ căn cước

Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện tại, với nhiều người dân sống ở bãi giữa sông Hồng (xóm Phao, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), niềm mơ ước được cầm trên tay thẻ căn cước, thứ công cụ xác minh danh tính và quyền lợi của công dân, vẫn là điều gì đó xa vời.

Xóm Phao hiện có nhiều người chưa được cấp thẻ căn cước công dân

Có bệnh mà không dám đi bệnh viện…

Bà Bùi Thị Phương (68 tuổi) sinh sống ở xóm Phao đến nay đã gần 20 năm. Không có sức khỏe nên thu nhập chính của bà Phương đến từ việc đi thu nhặt những cây rau tầm bóp mọc dại quanh bãi giữa sông Hồng để bán lại cho những quán lẩu. Bà Phương tâm sự, tuy thu nhập chẳng đáng là bao nhưng nếu chi tiêu tằn tiện thì số tiền thu được từ việc này cũng đủ để bà rau cháo qua ngày.

Ở xóm Phao, bà Phương là một trong những người chưa được cấp căn cước dù được sinh ra và lớn lên ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tuổi trẻ lang bạt để mưu sinh, đến khi trở về quê quán, bà mới biết mình đã bị cắt khẩu. Không chốn dung thân, bà ra bãi giữa sông Hồng và sinh sống từ đó cho đến nay. "Bố mẹ mất hết, người thân, anh em còn nhưng họ không cho tôi nhập khẩu vào", bà Phương chua chát nói.

Bà Đào Thị Tân chưa thể làm được căn cước vì không có giấy tờ tùy thân

Không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc bà Phương không đủ điều kiện để được làm thẻ căn cước, từ đó cũng kéo theo mong ước được làm thẻ bảo hiểm y tế để "phòng thân" mỗi khi "trái gió trở trời" cũng không thể thành hiện thực. Tuổi già, sức khỏe yếu nhưng mỗi khi bệnh tật ập đến, bà Phương không dám nghĩ đến chuyện đi bệnh viện.

"Nếu có bảo hiểm, chúng tôi sẽ đỡ đi được phần nào chi phí khám bệnh nhưng giờ tôi không có nên nếu có ốm đau cũng chỉ ra hiệu thuốc để nhờ họ kê đơn", bà Phương chia sẻ.

Bà Đào Thị Tân (67 tuổi, trú tại xóm Phao) cũng là một trong những trường hợp chưa được làm căn cước vì không có giấy tờ tùy thân. Sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) nhưng thời điểm hiện tại, người thân không còn ai nên bà Tân chẳng còn cách gì để hợp pháp hóa hộ khẩu của mình.

Cuối năm 2022, khi biết thông tin UBND phường Ngọc Thụy tổ chức làm thẻ căn cước cho người dân, bà Tân cùng 15 trường hợp khác ở xóm Phao lên phường để xin làm thẻ. "Chúng tôi được cán bộ chụp hình, lăn tay nhưng sau đó, họ thông báo lại rằng trường hợp như của chúng tôi phải chờ xem xét, xin ý kiến vì liên quan đến giấy tờ tùy thân", bà Tân chia sẻ.

Bà Bùi Thị Phương mong muốn được cấp thẻ căn cước để làm thẻ bảo hiểm y tế

Sinh sống tạm bợ ở bãi giữa sông Hồng đến nay đã tròn 26 năm, lại mang trong mình căn bệnh viêm đường tiết niệu, bàng quang nên bà Tân mong muốn làm được tấm thẻ căn cước để giảm chi phí mỗi khi nhập viện chữa bệnh.

Vài năm trước, bà Tân phát hiện mình mắc bệnh nhưng do không có tiền để vào bệnh viện chữa trị dứt điểm mà chỉ mua thuốc uống nên bệnh ngày càng nặng. Đến thời điểm hiện tại, căn bệnh khiến bà Tân không thể làm chủ được việc đi vệ sinh của bản thân.

Để giảm ảnh hưởng tới sinh hoạt, bà Tân buộc phải đóng bỉm cả ngày. Bà Tân chua chát kể rằng, 26 năm sinh sống ở khu vực bãi giữa sông Hồng, duy nhất một lần bà được nhập viện để điều trị bệnh.

"Đó là khi bệnh của tôi biến chuyển nặng, người dân đưa tôi đến bệnh viện nhưng do tôi không có tiền làm thủ tục nhập viện nên các bác sĩ đã kêu gọi một tổ chức từ thiện đứng ra giúp tôi chi trả số tiền khám chữa bệnh", bà Tân nhớ lại.

Gặp khó khăn trong tìm việc làm

Xóm Phao là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Họ đều là những người tứ xứ đến đây gặp đất thì dừng chân. Trong số những người chưa có thẻ căn cước ở đây, người ít tuổi nhất năm nay gần 40 tuổi trong khi người nhiều tuổi nhất cũng đã bước qua tuổi 70. Bà Đinh Thị Mai năm nay bước sang tuổi 70.

Ở độ tuổi mà nhiều người đã được nghỉ ngơi nhưng hàng ngày, bà Mai vẫn phải nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ từ việc làm thuê để lo cho cuộc sống. Theo bà Mai, công việc dọn cỏ thuê, nhặt ve chai đã gắn bó với bà từ khi bà xuống bãi giữa sông Hồng để sinh sống (24 năm).

Bà Mai cho biết, thời còn sức khỏe, vốn dĩ bà có thể làm được nhiều việc nhàn hạ với mức lương cao hơn như phụ quán ăn, trông trẻ nhưng do bà không có giấy tờ tùy thân nên người ta cũng ngại thuê.

"Mặc dù mình có chăm chỉ đến mấy nhưng phải những công việc làm tại gia đình họ, mình không có giấy tờ gì để chứng minh nhân thân thì họ cũng khó nhận. Nhiều người còn nghĩ tôi vướng tù tội nên mới không có giấy tờ, vì vậy họ rất e ngại", bà Mai chia sẻ.

Không có giấy tờ, không tìm được việc làm nên bà Mai buộc phải gắn bó với những công việc không đòi hỏi giấy tờ tùy thân. Khi còn trẻ, bà đi bán sức lao động ở chợ đầu mối Long Biên. Khi sức đã yếu, không kéo xe, đẩy hàng được nữa, bà Mai chọn những công việc như làm cỏ, nhặt đồng nát để mưu sinh qua ngày.

Ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm Phao, cho biết, hiện tại, toàn xóm có 16 người chưa được làm căn cước. Tất cả các trường hợp này, theo ông Được, đều không có giấy tờ tùy thân. Theo vị trưởng xóm Phao, việc không có thẻ căn cước bên cạnh ảnh hưởng đến đời sống còn tác động trực tiếp đến nhiều đứa trẻ sinh ra tại đây, khiến trẻ không được khai sinh, từ đó cơ hội đến trường gần như bị đóng lại.

"Trước đó, cán bộ UBND phường Ngọc Thụy có hướng dẫn người dân kê khai tên tuổi, quê quán… để phục vụ việc cấp xác minh cư trú trên địa bàn. Khi có giấy này rồi, người dân có thể về đăng ký hộ khẩu để làm căn cước nhưng việc này rất khó bởi có nhiều người gần như đã mất hết người thân, không có quê quán. Người dân xóm Phao cũng mong muốn được tạo điều kiện cấp thẻ căn cước", ông Được chia sẻ.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 6/2023), phát biểu thảo luận tại tổ về dự án luật căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, việc quản lý với một số nhóm dân cư "rất vất vả", đặc biệt là những trường hợp không thể tìm được thân nhân, không mang giấy tờ tùy thân nên không thể xác định danh tính. Ngay tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hàng trăm nghìn người không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, thường trú. Đó là những người bán hàng rong, thợ đánh giày, những người làm thuê, làm mướn… cuộc sống tạm bợ, ngủ ở khu trọ, gầm cầu. Khi họ lập gia đình, sinh con đẻ cái cũng không có giấy khai sinh, không được đi học và lớn lên cuộc sống lại khó khăn như vậy.

"Chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng thực tế vẫn đang còn tình trạng này. Có tới hàng triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-phan-doi-mo-ve-tam-the-can-cuoc-20240129171720785.htm