Những ồn ào 'khó đỡ' trong các lễ trao giải Oscar

c đánh giá là chương trình tuân theo kịch bản một cách chặt chẽ, nhưng Oscar sau gần 90 mùa lại có những điều tiếng ồn ào khó quên xung quanh hoạt động trao giải này.

Được xem như sự kiện lớn và danh giá nhất mà các nghệ sĩ hoạt động trong giới nghệ thuật thứ 7 đều ao ước góp mặt, lễ trao giải Oscar thỉnh thoảng vẫn gây sốc khi xuất hiện nhiều sự cố bất ngờ và trở nên “hợm hĩnh” với quy mô của một lễ trao giải hàng đầu thế giới.

Lễ trao giải Oscar đã từng có nhiều sự cố sân khấu gây mất hình ảnh nghiêm trọng - Ảnh: internet

Đánh MC ngay trên sân khấu

Sau hai năm vắng bóng vì Covid-19, lễ trao giải Oscar 2022 đã quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng đến tham dự, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thông và “cơn khát” thông tin liên tục được cập nhật trên nhiều nền tảng.

Với gần 40 năm hoạt động nghệ thuật miệt mài, tài tử Will Smith đã khẳng định được nỗ lực của mình với hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc" của Oscar năm nay.

Tuy nhiên, trong lễ trao giải Oscar 2022, sau trò đùa không mấy vui vẻ của người dẫn chương trình Chris Rock, Will Smith bất ngờ đã có hành động đi thẳng lên sân khấu và tát vào mặt MC khi anh chàng có màn đùa kém duyên về vợ của nam tài tử trên sóng trực tiếp không được kiểm duyệt.

Hình ảnh Smith đánh Chris Rock nhanh chóng được lan truyền trên toàn thế giới ngày 28/3/2022 - Ảnh: Getty

Sự cố bất ngờ này nhanh chóng trở thành hiện tượng trên các trang mạng xã hội và vô tình trở thành một trend ‘nổi bần bật’ hơn cả lễ trao giải. Hành động này được cho là khá bốc đồng và có nguy cơ bị xử lý trước pháp luật về hành vi hành hung người khác của nam tài tử.

Theo Independent, căng thẳng giữa Will Smith và Chris Rock không phải mới đây mà đã xuất phát từ năm 2016, khi nam diễn viên hài Chris Rock buông lời trêu chọc với lời lẽ khá nhạy cảm với Pinkett Smith về việc cô biểu tình chống “Oscar So White” (Oscar toàn người da trắng).

Phong trào #OscarsSoWhite

Bùng nổ từ tháng 1/2016 sau phát ngôn mang tính thúc đẩy của đạo diễn da đen Spike Lee: "Hai năm liên tiếp, không người Mỹ gốc Phi nào được đề cử Oscar". Trong dòng chảy lên án nạn phân biệt chủng tộc, Will Smith đã đứng lên kêu gọi tẩy chay giải thưởng, trong khi đông đảo diễn viên da màu khác giận dữ, chỉ trích Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ.

Phong trào #OscarsSoWhite rộ lên bởi những khúc mắc về hoạt động trao giải của Oscar - Ảnh: internet

Theo Hollywood Reporter, trong hai năm liên tiếp, những cái tên được đề cử cho các hạng mục diễn xuất năm ấy đều thuộc về diễn viên người da trắng. Will Smith tỏ thái độ bức xúc: "Tôi cho rằng nước Mỹ trở nên xinh xắn là do có sự đóng góp của người dân ở nhiều chủng tộc khác nhau. Hollywood là nơi đại diện rõ nhất cho sự đóng góp này, nhưng Oscar không cho thấy điều đó".

Trao nhầm giải thưởng Oscar

Những tưởng màn cởi vương miện và đội lại cho người đẹp Philippines ở Miss Universe 2015 là sự cố giải thưởng gây ồn ào nhất thập kỷ, thì đến năm 2017, Oscar mắc sai lầm nghiêm trọng chẳng kém.

Ở hạng mục Phim xuất sắc của năm, thay vì xướng tên bộ phim đoạt giải là Moonlight, Faye Dunaway và Warren Beatty đã bị cầm nhầm phong bì và gọi tên La La Land. Khoảnh khắc "đăng quang hụt" của tác phẩm do Emma Stone đóng chính gây thất vọng tràn trề cho người xem. Và đây chắc chắn là sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử giải thưởng điện ảnh này.

Sự cố kém duyên này khiến cho cả hai nhà sản xuất đều vô cùng khó xử trên sân khấu Oscar 2017 - Ảnh: internet

Sự cố đọc nhầm giải thưởng trở thành bê bối tai tiếng nhất trong lịch sử Lễ trao giải Oscar. Ban tổ chức bị chỉ trích làm việc thiếu chuyên nghiệp. Một làn sóng giận dữ gây áp lực lớp tới ban tổ chức lễ trao giải. Nhiều người còn cho rằng, đây là chiêu trò của chương trình nhằm tạo sự thu hút sự chú ý của khán giả.

Khỏa thân trên sân khấu Oscar 1974

Trong mùa lễ Oscar năm 1974, khi mà nam tài tử David Niven đang giới thiệu minh tinh Elizabeth Taylor thì nhà hoạt động xã hội Robert Opel đã tạo ra một tình huống éo le không thể đỡ nổi khi trở thành người đầu tiên và duy nhất từng khỏa thân trên sóng phát trực tiếp.

Hình ảnh khiếm nhã về nhà hoạt động xã hội tại sân khấu Oscar 1974 - Ảnh: internet

Robert Opel là một nhà hoạt động xã hội và không có vé mời tham dự sự kiện. Ông đã lọt vào được hậu trường và ung dung khỏa thân trên sân khấu của một sự kiện có quy mô toàn cầu và được cả thế giới quan tâm.

Hình ảnh có phần khiếm nhã và dung tục của Robert Opel khiến đám đông phía dưới đều hoảng hốt. Đến nay, hành động này vẫn được xem là sự cố “khó đỡ” nhất trong lịch sử giải Oscar.

Phùng Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-on-ao-kho-do-trong-cac-le-trao-giai-oscar-post187606.html