Những 'nữ tướng' vùng cao

Bài 1: Người ta không dám làm, mình phải làm

Bài 2: Muốn dân vận tốt thì phải hiểu dân

LCĐT - Đó là phương châm làm việc của chị Tráng Min Hoa, nữ đảng viên người Bố Y, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình.

Chị Tráng Min Hoa, sinh năm 1983, tại thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương. Ngày ấy, dân tộc Bố Y chiếm tỷ lệ đông nhất xã, tuy nhiên đa số không được đi học và biết tiếng phổ thông. Chị Hoa được bố mẹ cho học hết lớp 12 tại Trường Nội trú huyện Mường Khương. Năm 2007 chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Xã đoàn. Ngay từ những ngày hoạt động đoàn, chị đã năng nổ và tham gia Ban Tuyên vận xã.

Chị Hoa bảo: Làm dân vận đã khó, làm dân vận ở xã vùng cao, có nhiều dân tộc sinh sống lại khó gấp nhiều lần.

Nhớ lại những ngày đầu làm Bí thư Xã đoàn, chị cùng cán bộ xã tới vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Trong những câu chuyện, đan xen giữa những câu tiếng phổ thông lại là những câu nói bằng tiếng Tày, tiếng Mông, rồi tiếng Bố Y, Phù Lá khiến cả cán bộ lẫn dân không hiểu được hết ý nhau. Chị Hoa nghĩ rằng, phải học được tiếng nói của bà con, giao tiếp được với bà con thì tuyên truyền, vận động mới hiệu quả.

Chị Hoa trao đổi công việc cùng các trưởng thôn.

“Thanh Bình có 5 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một tiếng nói, đặc trưng văn hóa khác nhau. Để hiểu được bà con, vận động được bà con thì mỗi cán bộ xã phải thường xuyên tự học tiếng, rồi tìm hiểu văn hóa của từng dân tộc, có thế mới tạo được sự gần gũi để bà con tin tưởng, từ đó công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, bà con nắm và thực hiện đúng, đủ các chủ trương. Tôi luôn xác định, mỗi cán bộ đi tuyên truyền, vận động cũng như đi làm dâu trăm họ vậy. Không phải ngày một ngày hai là dân nghe, phải mưa dầm thấm lâu, gần gũi với dân thì mới tạo được sự đồng thuận. Cán bộ gần dân, phải lo cho cái lo của người dân và vui với cái vui của người dân” - chị Hoa tâm sự.

Với vốn ngôn ngữ phong phú của mình, đến thôn nào chị cũng vanh vách tuyên truyền theo tiếng địa phương đó. Nhờ vậy, người dân các thôn coi chị như người nhà, dễ dàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

Năm 2017, chị Hoa được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình và trở thành niềm tự hào của người Bố Y nơi đây. Chị cho biết: Giờ đường sá đi lại đã thuận lợi, chứ trước đây Thanh Bình còn nghèo và lạc hậu, xã toàn đường đất, ngay cả đi bộ có khi còn không dám!

Những ngày đầu đi tuyên truyền, vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới, chị Hoa phải kiên trì thuyết phục, giải thích bằng thực tế là có đường bê tông, bà con sẽ đi lại, buôn bán thuận lợi hơn, đời sống khá hơn, con em đến trường cũng an toàn hơn. Khi hiểu rồi, bà con đồng thuận hiến đất, hỗ trợ làm đường. Trong tổng số hơn 133 tỷ đồng huy động xây dựng nông thôn mới, người dân xã Thanh Bình đã đóng góp 6,7 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, trường học. Bên cạnh ủng hộ tiền, người dân Thanh Bình cũng đóng góp gần 8.000 ngày công, hiến hơn 22.000 m2 đất xây dựng nông thôn mới.

Là người dân tộc thiểu số, chị Hoa luôn quan tâm nắm tình hình, tạo điều kiện giúp đỡ các đoàn viên, quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng. Riêng thôn Lao Hầu đến nay đã có 5 đảng viên là người dân tộc Bố Y, họ đều là những nhân tố quan trọng, cánh tay nối dài để công tác dân vận tại cơ sở hiệu quả hơn. Là lãnh đạo xã, chị luôn mong muốn người dân xã mình thoát nghèo. Được giao nhiệm vụ phụ trách Cán Hồ, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã, người dân quanh năm chỉ sống nhờ cây ngô, cây lúa, chị đã cố gắng thuyết phục các hộ chuyển đổi sang trồng chè. Nói mà không làm thì không ai tin tưởng, chị đích thân đưa người dân trong thôn đến các địa phương lân cận học tập kinh nghiệm trồng chè. Chị cũng mời những người dân đã thành công nhờ loại cây này đến các buổi họp thôn nói chuyện xây dựng thêm lòng tin, để bà con nghe theo, làm theo. Sau 1 năm, thôn Cán Hồ đã có hơn 20 hộ trồng chè, với hơn 10 ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ tuyên truyền, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, chị còn vận động bà con trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cho con em đến trường, xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang…
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động quần chúng, chị Hoa cho biết, trước hết bản thân phải tự học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời phải gần dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của từng hộ, từ đó đóng vai trò làm cầu nối của dân với Đảng, để dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng.

Những nỗ lực của chị Hoa đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Nhiều năm liền, chị được nhận Giấy khen của huyện, Bằng khen của tỉnh về những thành tích xuất sắc trong xây dựng hệ thống chính trị; giải thưởng 15/10 của Trung ương Đoàn… Hoàn thành trọng trách của Phó Bí thư Đảng ủy xã với đầy ắp công việc đối với đàn ông đã khó, với phụ nữ như chị Hoa lại khó hơn nhiều. “Vừa làm cán bộ, lại phải tròn phận gia đình, nên muốn toàn vẹn công - tư thì mình phải cố gắng. Để bà con tin và làm theo thì mình phải là người đi đầu trong mọi hoạt động, nói phải đi đôi với làm. Trong công tác vận động quần chúng, muốn đạt kết quả cao thì phải luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của bà con”. Nhờ sự đoàn kết, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Thanh Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, từ 284 hộ (năm 2017) xuống còn 85 hộ (năm 2018). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 11,7%.

“Nhìn lại những đổi thay trên quê hương mình ngày hôm nay, những người làm dân vận như chúng tôi hiểu, niềm vui, kết quả đạt được chính là động lực để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận ở những bản vùng cao nơi đây” - chị Hoa chia sẻ.

Thanh Huệ - Thy Khanh - Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/nhung-nu-tuong-vung-cao-z1n20190720083153027.htm