Những 'nốt trầm' trên bài ca 'thay áo mới'

Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được ví von như một cuộc 'cách mạng', 'thay áo mới' cho khu vực nông thôn. Thế nhưng, cũng giống như một bản nhạc, bên cạnh những đoạn điệp khúc hân hoan, vẫn còn đó những 'nốt trầm', còn những ngổn ngang, khó khăn ở một số thôn, bản dù xã đã 'về đích' từ lâu.

Một ngày nắng, trời trong không một gợn mây sau một đợt mưa lớn, tôi cùng chiếc xe máy quen thuộc chạy một mạch từ thành phố Lào Cai đến xã Gia Phú (Bảo Thắng). Tuyến đường rải nhựa phẳng tăm tắp như dải lụa nên tôi chỉ mất chưa tới 20 phút đã tới trung tâm xã. Sau buổi làm việc, trao đổi về 2 thôn khó khăn của xã, ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã tiễn tôi ra trước sân trụ sở. Nhìn chiếc xe máy tay ga của tôi đậu dưới tán cây, đồng chí liền ngăn lại: Phóng viên đi xe này thì không lên Nậm Trà, Nậm Phảng được đâu. Đường lên 2 thôn đó rất khó đi, mấy hôm vừa rồi còn mưa nữa. Muốn lên thôn phải đi xe số, chạy xe ga thì nặng… không khiêng được!

Nhiều hộ dân thôn Khe Dùng (Thái Niên) sống rải rác, biệt lập nên khó khăn để đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ.

Tôi đành ngậm ngùi trở về thành phố, hẹn Nậm Trà, Nậm Phảng trong chuyến đi hôm sau, khi đã đổi sang chiếc xe số. Chạy xe trên con đường cấp phối lổn nhổn đá lớn đá nhỏ tôi mới hiểu lý do các đồng chí tại xã gàn tôi lại khi tôi có ý định đi xe ga lên thôn. Sau trận mưa lớn, có những đoạn đường trơ trụi chỉ còn nền đường, những hòn đá nhỏ bị nước mưa dồn sang một góc, đá lớn nhô ra từng mỏm. Tuyến đường này cũng được coi là “nút thắt”, khiến Nậm Trà, Nậm Phảng là 2 thôn khó khăn nhất của xã Gia Phú, nằm trong danh sách 130 thôn, bản khó khăn của tỉnh.

Anh Tẩn Ồng Phin, Trưởng thôn Nậm Trà tâm sự: Kinh tế của người dân trong thôn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt, làm nghề rừng và chăn nuôi gia súc lớn. Tuyến đường từ thôn xuống xã còn khó đi, thường chỉ đàn ông có tay lái chắc mới tự tin chạy xe trên tuyến này. Đường đi khó nên người dân làm ra các loại nông sản rất khó bán, chăn nuôi đến thời điểm xuất bán, gọi thợ lên mua thì bị trả giá thấp, thậm chí đường xấu nên chẳng mấy ai lên mua.

Theo anh Phin, thôn Nậm Trà, Nậm Phảng có 100% là người Dao. Người dân rất chăm chỉ làm ăn nên không bao giờ lo đói. Thế nhưng thôn vẫn khó khăn, vẫn là thôn nghèo, vẫn giống như một nốt trầm lạc lõng “thôn vùng 3 trong xã vùng 1”, dù Gia Phú đã “về đích” nông thôn mới từ lâu.

Tuyến đường ấy đã chứng kiến biết bao kỷ niệm, cả niềm vui lẫn nước mắt của người Dao trên chỏm núi chon von này. Anh Phin nhớ lại: Cách đây khoảng 5 năm, khi chưa thuê được máy xúc san, sửa đường thì đường lên thôn giống như một con đường mòn. Trong thôn có một sản phụ chuyển dạ, đường xa, khó đi, để sản phụ sinh tại nhà thì không an toàn. Người dân trong thôn đã bố trí những người khỏe mạnh, làm một chiếc võng để khiêng sản phụ xuống Trạm Y tế xã sinh con. Một lần khác, người trong thôn gặp tai nạn tại thành phố Lào Cai, không may tử vong. Xe đưa linh cữu đến được lối rẽ vào thôn thì không đi được nữa vì đường khó, hơn 20 người khỏe mạnh trong thôn phải mất một buổi chiều để đưa người xấu số về gia đình làm thủ tục mai táng. Thế nên, niềm mong mỏi lớn nhất của người dân trong thôn vẫn là một con đường có thể đi lại thuận tiện, có thể chạy xe tải bon bon đến tận thôn thu mua nông sản, để vận chuyển gỗ rừng trồng, để kết nối giao thương.

Theo ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã Gia Phú, Nậm Trà và Nậm Phảng là 2 thôn khó khăn nhất của xã Gia Phú, nằm trong danh sách 130 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 433 của Ủy ban Dân tộc. Những năm qua, địa phương rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cũng như có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.

Không riêng Gia Phú, trong danh sách 130 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Lào Cai, không ít trong số đó nằm trong danh sách các xã đã “về đích” nông thôn mới. Đơn cử như tại xã Thái Niên, xã cuối cùng “về đích” nông thôn mới của huyện Bảo Thắng (năm 2020) nhưng vẫn có tới 5 thôn: Khe Dùng, Khe Đền 1, Khe Đền 2, Mom Đào 1, Mom Đào là thôn đặc biệt khó khăn.

Ông Đặng Văn Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Dùng cho biết: Thôn Khe Dùng 100% là người Dao. Với tập quán canh tác, sinh sống nên nhiều hộ trong thôn vẫn sống rải rác, có những nơi mỗi hộ sống ở một mỏm đồi. Vì sinh sống không tập trung nên có tới 20 hộ chưa có điện (không thể kéo điện). Đường giao thông trong thôn rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế. Người dân Khe Dùng sống bằng nông, lâm nghiệp. Có những hộ giàu, khá giả, thoát nghèo bền vững nhưng vẫn còn đó rất nhiều hộ khó khăn. Nguyên nhân của sự khó khăn thì có thể cho rằng người dân họ sống biệt lập, không tiếp cận, va chạm nhiều với cuộc sống bên ngoài, bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên không có tư duy phát triển kinh tế. Nhìn theo hướng tích cực thì đời sống của người dân trong thôn những năm gần đây đã khá hơn rất nhiều, không còn đói nghèo, lạc hậu, nhưng nếu so với mặt bằng chung của xã Thái Niên, với các địa phương khác thì Khe Dùng vẫn là thôn đặc biệt khó khăn.

Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, những con đường nhầy nhụa bùn đất được đổ bê tông phẳng phiu, những nhà văn hóa được xây dựng, nhà tạm được hỗ trợ để xóa bỏ, người dân cùng nhau phát triển kinh tế, cùng nhau thoát nghèo… Chương trình xây dựng nông thôn mới giống như một cuộc cách mạng, mang diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Khi đã đạt chuẩn nông thôn mới thì những xã đó trở thành xã vùng I. Thế nhưng, với đặc thù vùng miền núi, dân cư phân tán, sự phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều nên vẫn còn những “thôn vùng 3 trong xã vùng I”, giống như một nốt trầm lặng lẽ trong bản nhạc reo vui về sự đổi thay đầy tích cực. Thế nhưng, xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài, hành trình không có điểm dừng, với những quyết tâm, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, chính quyền các địa phương vẫn “ưu ái”, dành nhiều nguồn lực đầu tư để đưa những thôn đặc biệt khó khăn phát triển hơn trong thời gian tới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347387-nhung-not-tram-tren-bai-ca-thay-ao-moi