Những nông dân triệu phú

BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế mới và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương... Nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc HTX thanh niên Phương Tiến, xã Phong Quang (Vị Xuyên) ứng dụng KHKT trồng dưa trong nhà lưới cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc HTX thanh niên Phương Tiến, xã Phong Quang (Vị Xuyên) ứng dụng KHKT trồng dưa trong nhà lưới cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Là tỉnh miền núi khó khăn, địa hình chia cắt, quỹ đất sản xuất hạn chế, thiếu nước, khí hậu khắc nghiệt, nhưng bằng quyết tâm, tinh thần vượt khó, sự năng động, sáng tạo, nhiều nông dân biến vùng đất cằn thành vườn cây ăn quả, vườn rừng trù phú, trang trại chăn nuôi mang lại thu nhập cao. Tỷ phú Nguyễn Đức Nghĩa, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) là một ví dụ điển hình. Năm 2012, nhận thấy đất đai trong vùng rộng lớn, thuận lợi và phù hợp phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam Sành, gia đình ông đã đầu tư, phát triển kinh tế từ trồng cam. Nhờ chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào các khâu trồng và chăm sóc nên vườn cam của ông sinh trưởng, phát triển tốt. Có sản phẩm, ông thành lập tổ sản xuất cam VietGAP; tham gia các hoạt động hội chợ, xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành trong và ngoài tỉnh. Đến nay, gia đình ông có 18 ha cam các loại, trong đó 12 ha cho thu hoạch. Ngoài ra ông còn đầu tư phát triển chăn nuôi gà, cá, trồng rừng kinh tế. Gọi ông là tỷ phú, bởi doanh thu của gia đình đạt 2,3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ tại địa phương.

Ngược lên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi thiếu đất, thiếu nước, nhưng người dân đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển; trong đó anh Sùng Mí Di, dân tộc Mông, thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn) là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu. Phát huy lợi thế từ cây Bạc hà mọc tự nhiên, anh Di đi khắp vùng Cao nguyên đá học hỏi kinh nghiệm nuôi ong. Năm 2017, anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đầu tư nuôi 600 đàn ong. Năm 2018, anh thành lập HTX Hà An, xây dựng thương hiệu mật ong Bạc hà Hà An, mở rộng quy mô lên 1.000 đàn ong, mỗi năm khai thác khoảng 3 nghìn lít mật, lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển du lịch, chăn nuôi bò, lợn, dê. Tổng thu nhập của gia đình đạt trên 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 10 lao động địa phương.

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017 - 2022, trung bình hàng năm, số lượng nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi tăng 25%. Đến nay, toàn tỉnh có 12.926 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 453 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, phát triển kinh tế, trở thành điển hình tiêu biểu như: Ông Nguyễn Công Cương, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) với mô hình chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm; Lê Văn Bảy, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; Sùng Diu Sì, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) trồng cam, chăn nuôi, thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm; Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng... thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Ông Lê Kim Lĩnh, xã Trung Thành (Vị Xuyên) chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm.

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Tỉnh ta có 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về “Tam nông”, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, giúp nông dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi và KHKT vươn lên làm giàu như: Các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; cải tạo vườn tạp; phát triển bền vững cam Sành. Các nghị quyết của HĐND tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển đại gia súc hàng hóa; phát triển cây có múi; sản phẩm Ocop; xây dựng Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững.

Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; phát triển và quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 1 nghìn tỷ đồng, cho 23.036 hộ vay; phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 36,5 tỷ đồng, hỗ trợ 3.889 hộ vay; triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả như: Thâm canh cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bắc Quang, Quang Bình; trồng na phường Quang Trung (thành phố Hà Giang); phát triển homestay tại Đồng Văn; chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại Bắc Mê. Trung bình các hộ tham gia mô hình có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm.

Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, giúp nông dân kịp thời nắm bắt xu thế và lợi thế của chuyển đổi số. Hội Nông dân các cấp đổi mới phương thức hoạt động và phong trào thi đua, tập trung tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, KHKT, đào tạo nghề, kết nối cung - cầu; tập huấn khuyến nông, khuyến công cho trên 10 nghìn lượt hội viên; hướng dẫn xây dựng trên 100 mô hình trình diễn, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Oganic.

Với sự giúp sức từ các cấp, ngành đã tạo động lực để nông dân đầu tư, phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các mô hình kinh tế mới, các trang trại quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 631 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 685 nhóm cùng sở thích, 447 HTX và 1.416 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 16.897 hộ sản xuất cá thể hình thành cơ sở sản xuất nông nghiệp có tổ chức với 15 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP); 4 cơ sở sơ chế, chế biến được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn chất lượng thực phẩm; trên 21 nghìn nông dân được tập huấn, chuyển giao kiến thức theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt; 193 sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đạt sao OCop cấp tỉnh; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả.

Những nông dân triệu phú không chỉ tự mình làm giàu mà còn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp người dân địa phương cùng phát triển; khơi dậy ý chí, tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, vươn lên làm chủ kinh tế.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202211/nhung-nong-dan-trieu-phu-9ef4077/