Những nơi ghi dấu chân Người

Sinh thời, dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào, chiến sỹ cả nước, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Trong kháng chiến, Bác Hồ đã 3 lần thăm tỉnh Lạng Sơn. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Lạng Sơn.

Bác Hồ nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh ngày 23/2/1960 – Ảnh tư liệu

Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, trong không khí kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới chào mừng 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933-15/6/2023), chúng tôi có chuyến công tác về với huyện Tràng Định – mảnh đất 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 2 lần vinh dự được Bác Hồ tới thăm và thành phố Lạng Sơn – nơi Bác nói chuyện với đồng bào, cán bộ của tỉnh.

Tràng Định – mảnh đất 2 lần đón Bác về thăm

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về những nơi đã ghi dấu chân Bác ở nơi đây bằng cuộc gặp gỡ với bà Nông Thị Sìu, sinh năm 1944 – người cao tuổi của xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Mặc dù đã bước vào tuổi 80 nhưng bà còn khỏe và minh mẫn, thấy chúng tôi hỏi chuyện về Bác Hồ đến thăm Tràng Định, bà vui mừng kể: Ngày Bác Hồ về thăm Tràng Định lần đầu tiên thì tôi còn nhỏ lắm, nhưng lần thứ hai năm 1961 thì khi ấy tôi 17 tuổi và đang học ở thị trấn Thất Khê. Nghe tin Bác về thăm tôi cùng chúng bạn nô nức kéo nhau ra địa điểm Người đến thăm và nói chuyện với Nhân dân. Tuy chỉ nhìn thấy Bác ở xa nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào. Những câu chuyện, lời căn dặn của Bác với cán bộ, Nhân dân huyện Tràng Định đã luôn thôi thúc, trở thành động lực cho tôi phấn đấu học tập, cống hiến cho quê hương, đất nước. Sau này tôi đã theo học ngành y, cống hiến cho ngành để góp sức chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân…

Câu chuyện kể của bà Sìu đã đưa chúng tôi lần giở lại những trang sử để tìm hiểu rõ bối cảnh, tình hình đất nước thời điểm đó. Theo lịch sử ghi chép, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới nhằm mục đích tiêu diệt một phần sinh lực địch, khai thông biên giới Việt – Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Để chỉ đạo chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra mặt trận.

Ngày 10/10/1950, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định được giải phóng. Tối cùng ngày, Bác Hồ đến thăm Đại đoàn 308 lúc này đang dừng chân ở Kéo Quang, thuộc xã Chi Lăng, đây là lần thứ nhất Bác đến thăm Tràng Định. Tại đây, Bác thay mặt Đảng, Chính phủ khen ngợi bộ đội đã chấp hành mệnh lệnh tốt, vượt nhiều khó khăn, chiến đấu dũng cảm, chiến đấu tốt. Bác còn căn dặn bộ đội: Cố gắng luôn luôn để khi Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh thắng!

Ngày 21/2/1961 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 1961), sau khi kết thúc chuyến làm việc ở tỉnh Cao Bằng, Bác Hồ cùng đoàn công tác từ Cao Bằng xuống Thất Khê thăm và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định (tại Trạm Khí tượng Thủy văn huyện). Trong cuộc nói chuyện, Bác chúc đồng bào và các cháu bước sang năm mới mạnh khỏe, công tác, sản xuất thắng lợi, học tập tốt và tiến bộ. Bác ân cần căn dặn: “Bác nghe nói ở đây hợp tác xã còn nhỏ, còn ít. Đồng bào phải vào hợp tác xã, đoàn kết các dân tộc, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, làm ăn tốt để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Tiếp đó, Bác hỏi rất kỹ tình hình của huyện, tình hình Nhân dân vào hợp tác xã ra sao, trồng màu, sản xuất thế nào. Bác căn dặn cán bộ: “Các chú nhớ là phải vận động, đưa nông dân vào hợp tác xã thật nhiều, cán bộ làm việc phải sâu sát dân, hiểu dân và vận động dân vào hợp tác xã sản xuất tốt mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được”…

Với 2 lần được đón Bác Hồ về thăm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, quân và dân Tràng Định luôn khắc ghi những lời Bác đã căn dặn và nỗ lực làm theo. Đồng chí Đặng Thị Kiều Vân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tràng Định cho biết: Tình cảm của Bác dành cho Tràng Định là nguồn cổ vũ, động viên, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn luôn nỗ lực trong mọi công việc, gương mẫu đi đầu, đi sâu đi sát, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Đặc biệt, nhớ lời Bác dặn, cùng với công tác cán bộ, cấp ủy, chính quyền trong huyện quan tâm phát triển hợp tác xã (HTX), các mô hình chuỗi liên kết sản xuất trong nông – lâm – nghiệp, nhằm đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực, lợi thế của huyện cho người nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn… Đến nay, toàn huyện có 49 HTX đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; có 5 chuỗi liên kết sản phẩm liên quan đến lúa, gạo, cây có múi, quế, hồi; hiện toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Năm 2019, với sự quan tâm của tỉnh, huyện Tràng Định đã tập trung đầu tư xây dựng công trình Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên diện tích hơn 160 m², nằm cạnh Trạm Khí tượng Thủy văn huyện – nơi Bác từng đến thăm và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân huyện Tràng Định. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác 19/5/2020.

Bà Lục Thị Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Từ khi khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân địa phương và khách du lịch gần xa. Qua đó, bồi đắp thêm lòng yêu nước trong Nhân dân, đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo gương Bác trên địa bàn…

Các đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định

Sân vận động Đông Kinh – Nơi Bác nói chuyện với người dân và cán bộ Lạng Sơn

Ngày 23/2/1960, Lạng Sơn vinh dự đón Bác về thăm – Bác nói chuyện với hàng ngàn đồng bào các dân tộc tại sân vận động Đông Kinh, thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn). Tại buổi nói chuyện, Bác biểu dương: “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”. Trong không khí xúc động, đầm ấm và thân thiết, Bác đã ân cần căn dặn đồng bào: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành. Muốn như vậy thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hiểu rõ và làm cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước…”.

Cũng trong buổi nói chuyện, Bác nhắc nhở những mặt mà Lạng Sơn làm chưa tốt như: tiểu thủy nông, phân bón, cải tiến nông cụ, bảo vệ trâu bò. Đặc biệt, Bác nhấn mạnh phải chú ý đến đặc điểm của Lạng Sơn là một tỉnh miền núi gồm nhiều dân tộc sinh sống, là tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, vì vậy phải chú ý làm tốt công tác dân vận, động viên đồng bào các dân tộc “phải hiểu thấu, phải nhớ kỹ, phải làm đúng”…

Sau buổi mít tinh, Bác đi thăm Bệnh viện tỉnh, Trường Văn hóa quân đội, Trường Thiếu nhi rẻo cao… Tới đâu Bác cũng đặc biệt chú ý nơi ăn chốn ở, công tác chăm sóc bệnh nhân của các y, bác sĩ. Bác còn tới tận giường bệnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân hay thăm các cháu thiếu nhi; hỏi thăm tình hình tăng gia sản xuất để đảm bảo đời sống của mọi người dân trong vùng…

Tại thành phố Lạng Sơn, Khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (phường Vĩnh Trại) đã được xây dựng gần sân vận động Đông Kinh để ghi dấu sự kiện Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Lạng Sơn. Bà Hoàng Minh Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Để đáp ứng tình cảm của Nhân dân dành cho Bác, năm 2007, khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 550 m2, trong đó, nhà tưởng niệm được xây dựng theo kiến trúc thủy đình với diện tích 50 m2. Từ khi xây dựng đến nay, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể dâng hương, báo công với Bác nhân các sự kiện; là nơi Nhân dân dâng hương, hoa bày tỏ sự tôn kính, tưởng nhớ tới Bác.

Khắc ghi và làm theo lời Bác, những năm qua, đồng bào các dân tộc của tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết, vượt khó khăn, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ nội lực và tiềm năng sẵn có, tỉnh Lạng Sơn đã có những bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư vào tỉnh, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, phát triển kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp… Qua đó tỉnh đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Đó cũng chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân Xứ Lạng để thực hiện lời dạy của Bác là đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp.

PHONG LINH - ĐINH HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/589828-nhung-noi-ghi-dau-chan-nguoi.html