Những nhân vật thầm lặng đứng sau thành công của một vận động viên đỉnh cao

'Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân'. Câu nói đó cũng đúng với thành tích của một vận động viên (VĐV) đỉnh cao tại sân chơi quốc tế. Đằng sau tấm huy chương trao cho mỗi VĐV là thành quả của một tập thể. Ở đó, huấn luyện viên (HLV) chỉ đơn thuần đóng vai trò như một mắt xích giữa vô số chuyên gia.

Những người làm việc không tên

Câu chuyện "HLV, quan chức tham dự Đại hội Thể thao nhiều hơn VĐV" có thể là một đề tài gây tranh cãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên phạm vi quốc tế, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Những nền thể thao hàng đầu thế giới luôn mang đến mỗi giải đấu quan trọng số lượng VĐV hùng hậu, nhưng HLV còn đông hơn thế.

Một đội tuyển thể thao mạnh luôn có huấn luyện viên nhiều hơn vận động viên.

Trước thềm Olympic Tokyo, đoàn thể thao Vương quốc Anh cho biết họ sẽ dự Thế vận hội với 900 thành viên. Tuy nhiên, chỉ có 375 người trong số đó là vận động viên. 500 thành viên còn lại của đoàn là những huấn luyện viên, tình nguyện viên và những nhân viên chuyên trách. Họ chính là những người đứng sau thành công của các VĐV.

Một trong những đội ngũ nhân viên hùng hậu nhất của Vương quốc Anh tại Olympic Tokyo đảm nhiệm công tác hậu cần. Việc này nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng lại hàm chứa những khó khăn bậc nhất chỉ người trong cuộc mới nắm rõ. Vì thế, đội hậu cần Vương quốc Anh có tới 50 người phụ trách, nhưng quản lý đội cho rằng như thế là quá ít.

"Chúng tôi có VĐV cạnh tranh huy chương ở hơn 30 môn thể thao, và mỗi môn lại có những vật dụng chuyên biệt cần mang theo", ông Mark England, Tổng thư ký Hiệp hội Olympic Anh chia sẻ. Nhân vật này cũng tiết lộ một thống kê thú vị về những thứ họ mang đến Nhật Bản: 13.000 băng đạn, 12 con ngựa, 132 ghế sô pha và 40.000 túi lọc trà.

Công tác hậu cần của một đội tuyển thể thao luôn cần có nhiều người phụ trách.

Những vật dụng thông thường như ghế sô pha, túi lọc trà có thủ tục thông quan tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, súng và đạn thể thao để tập luyện, thi đấu tại Olympic lại là một câu chuyện khác. Những hàng hóa đặc biệt như ngựa, được sử dụng trong môn Cưỡi ngựa, lại càng yêu cầu trình độ rất cao trong công tác hậu cần.

Cưỡi ngựa được xem như một trong những môn thể thao quý tộc, vậy nên, ngựa thi đấu tại Olympic cũng rất khác biệt. Chúng được làm giấy tờ, căn cước, sổ y tế và hộ chiếu như người. Trước khi đưa ngựa lên máy bay, các chuyên viên hậu cần sẽ kiểm tra thông số cần thiết để đảm bảo, những chú ngựa không gặp vấn đề về sức khỏe trong hành trình.

Dấu ấn của một đội ngũ làm nên thành công cho VĐV có thể được thấy rõ ràng từ câu chuyện của Michael Phelps tại Olympic 2008. Năm đó, Phelps đến Bắc Kinh với mục tiêu giành toàn bộ HCV ở 8 nội dung mình tham dự. Mục tiêu táo bạo đó của Phelps đã trở thành sự thật, và đương nhiên, anh không làm việc đó một mình.

Kỳ tích 8 Huy chương Vàng Olympic Bắc Kinh của Phelps đến từ những cộng sự thầm lặng.

Đi cùng Phelps đến Olympic Bắc Kinh 15 năm trước là một đội ngũ hùng hậu trên dưới 10 người hỗ trợ cho anh. Mỗi nhân vật trong số họ lại đảm nhiệm một công việc khác nhau: HLV riêng, săn sóc viên, đầu bếp, bác sĩ tâm lý, chuyên viên trị liệu, nhân viên hậu cần. Họ chính là những nhân vật thầm lặng làm nên kỳ tích của Phelps.

Câu chuyện Việt Nam

Năm 2016, người hâm mộ thể thao Việt Nam đã chứng kiến câu chuyện tình lãng mạn của 2 tay Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang tại Olympic Rio. Khi một người vào sân thi đấu, người còn lại ngồi trong khu huấn luyện quan sát và đưa ra đấu pháp cụ thể. Vũ Thị Trang không ngần ngại xưng "vợ", gọi Tiến Minh là "chồng".

Qua sóng truyền hình, Tiến Minh và Vũ Thị Trang đã vô tình công khai chuyện hẹn hò đến toàn thế giới. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện hai tay vợt hàng đầu Việt Nam huấn luyện lẫn nhau thuở ấy, là một bài học đắt giá trong công tác quản lý thể thao đỉnh cao. Năm 2016, Tiến Minh và Vũ Thị Trang đến Olympic mà không có HLV cầu lông nào đi cùng.

Chẳng ai rõ vì sao môn cầu lông của Việt Nam có tới 2 VĐV dự Olympic Rio, nhưng không có HLV đi cùng đội đến Brazil. Trong trận đấu đầu tiên của Tiến Minh, đoàn thể thao Việt Nam xếp một HLV có chuyên môn trong môn điền kinh để hỗ trợ. Người này đương nhiên không thể giúp Tiến Minh về mặt chuyên môn, nên anh mới phải nhờ đến bạn gái mình giúp sức.

Khác với câu chuyện Thùy Linh không có HLV đi cùng tại các giải quốc tế thời gian gần đây, việc đội tuyển cầu lông Việt Nam không cử HLV đi cùng VĐV ở Olympic Rio là một sự cố nghiêm trọng. Chuyện tình cảm của Minh - Trang, trên thực tế, cũng chỉ làm dịu bớt tình hình một chút. Những vấn đề vẫn tồn tại và không có hướng giải quyết.

Bóng đá nữ Việt Nam là một trong những đội tuyển thể thao thường xuyên tập huấn ở nước ngoài và có kết quả tốt.

Tiến Minh từng nói, anh có thể đã tiến xa hơn nhiều nếu như có người đồng hành, cạnh tranh trong 20 năm qua. Việc có HLV đi cùng hay không chỉ cho thấy một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể. Xuyên suốt 2 thập niên thi đấu, Tiến Minh không gặp chấn thương nào quá nghiêm trọng, nhưng nhiều đồng đội của anh lại không may mắn như vậy.

Khác với Tiến Minh, một người được ví như cây trường sinh của thể thao Việt Nam, sự nghiệp của một VĐV thường không dài. Phần lớn trong số họ nghỉ thi đấu để chuyển sang công việc khác trước tuổi 26. Thành tích không thể cải thiện, cũng như chấn thương đã ngăn cản không ít tài năng của thể thao Việt Nam tiến xa.

Huấn luyện viên "5 trong 1"

Trong hoàn cảnh hiện tại của thể thao Việt Nam, thật khó để yêu cầu một VĐV có tới 5-6 HLV và trợ lý đi cùng. Vì thế, toàn bộ phần việc chuyên trách thường đặt nặng lên vai của HLV. Họ được ví như "chuyên viên 5 trong 1" khi phải học mọi thứ có thể giúp cho VĐV nâng cao thành tích thi đấu.

"Công việc của một HLV tại Việt Nam không đơn thuần là đưa ra giáo án tập, đồng thời hướng dẫn VĐV tập luyện mỗi ngày. Chúng tôi còn phải chăm lo cho các em đến từng miếng ăn, giấc ngủ theo đúng nghĩa đen. Đó mới thực sự là công việc của một người thầy". Đó là chia sẻ rất thật của ông Nguyễn Đình Cương, HLV Boxing Hải Phòng.

HLV Nguyễn Đình Cương nói tiếp, trong những chuyến tập huấn xa nhà của đội, ông thường trực tiếp vào bếp nấu cơm cho học trò. Điều này diễn ra thường xuyên hơn mỗi khi đội ra nước ngoài tập huấn. Thật khó để tìm thấy một cửa hàng có đồ ăn chuẩn Việt Nam tại Thái Lan, thế nên nhiều HLV thường chọn phương án tự vào bếp nấu cơm cho đội.

Sau giờ ăn, HLV có thể thức trắng đêm để canh giấc ngủ cho học trò. HLV Nguyễn Đình Cương từng chia sẻ, nhiều VĐV mới xa nhà lên đội thường khó ngủ tròn giấc khi về đêm. Điều này diễn ra thường xuyên hơn trong mùa hè, khi các em trở mình và nhiễm lạnh trước quạt gió. HLV sẽ phải quan sát để vỗ vai, kéo chăn cho VĐV không bị tỉnh giấc đêm.

Điều kiện tập luyện, lưu trú tại nước ngoài không phải lúc nào cũng hoàn hảo như mọi người vẫn nghĩ. Vì thế, HLV cũng phải rành ngoại ngữ để đặt khách sạn khi cần thiết. Trong quá trình chuẩn bị trước thềm giải vô địch Boxing châu Á 2022, ba thầy trò đội Boxing nữ Hà Nội từng phải chuyển nơi ở ngay trong đêm vì khách sạn ban tổ chức bố trí quá tệ.

Công tác trị liệu cũng là một điều được nhiều HLV quan tâm, tự tìm tòi và học hỏi. Một số HLV cho biết họ đã tự trang bị cho mình kiến thức về Đông y, cũng như vật lý trị liệu nhằm xử lý nhanh những trường hợp VĐV bị sai khớp, đau cơ trong tập luyện. Tuy nhiên, một chuyên viên trị liệu tay ngang khó có thể làm việc tốt, nhất là trong trường hợp tế nhị.

"Khi tôi làm việc tại đội tuyển bóng đá nữ, tôi không bao giờ ở một - trong phòng riêng với cầu thủ nào cả. Trong một số trường hợp, các HLV nữ sẽ làm với cầu thủ nữ tốt hơn HLV nam". HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ như vậy về cuộc sống của một HLV nam nhưng huấn luyện đội thể thao nữ. Điều tương tự cũng diễn ra với nhiều môn thể thao khác.

Khác biệt giới tính khiến HLV cần có thêm những cộng sự hỗ trợ trên hành trình tiến ra thế giới. Nhưng trong bối cảnh thực tế của thể thao Việt Nam, HLV và VĐV vẫn sẽ phải lựa cơm gắp mắm, để hướng đến những kết quả tốt nhất trong điều kiện hỗ trợ còn khiêm tốn.

Tiền trạm và trinh sát

Một số đội tuyển thể thao Việt Nam có xu hướng hạn chế tiếp xúc truyền thông. Việc này xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, họ sợ những thông tin về đội tuyển bị tiết lộ ra có thể được đối phương tiếp nhận, khai thác triệt để. Điều này khá phổ biến trong môn bóng đá, nơi truyền thông tiếp cận được thông tin tương đối dễ dàng.

Thứ hai, các đội tuyển lo ngại thông tin về tình hình tập luyện trước mỗi giải đấu lớn có thể bị hiểu sai. Trong trường hợp câu chuyện bị đưa lên mạng xã hội, VĐV có thể gặp áp lực không đáng có, dẫn tới thành tích thi đấu không như kỳ vọng. Vì thế, những thông tin về tình hình sức khỏe của các tuyển thủ thường được giữ bí mật tối đa.

Với công tác tiền trạm, trước mỗi giải thể thao lớn, đoàn Việt Nam luôn có cán bộ đến thực địa để quan sát, đánh giá điều kiện tập luyện, lưu trú. Trên cơ sở đó, đoàn có thể lựa chọn một số khách sạn có mức giá phải chăng và chất lượng phục vụ tốt để sử dụng. Điều đó cũng đúng với những giải thể thao trong nước.

"Trong quá trình tập huấn nước ngoài, chúng tôi không muốn thay đổi địa điểm tập quá nhiều theo từng năm. Nếu một nơi tập huấn có điều kiện ăn ở, tập luyện tốt, chúng tôi sẽ quay lại trong năm tiếp theo. Việc đó cũng giúp đội giảm bớt chi phí không cần thiết, bao gồm chi phí tiền trạm", một HLV chia sẻ.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhung-nhan-vat-tham-lang-dung-sau-thanh-cong-cua-mot-van-dong-vien-dinh-cao-i713804/