Những nhân vật tầm cỡ ra đi trong năm 2022

Nhìn lại năm 2022, có thể nói đây là một năm đánh dấu sự ra đi của nhiều nhân vật tên tuổi có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Nhắc lại đến những nhân vật tên tuổi ra đi trong năm 2022 phải kể đến sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nữ hoàng Anh qua đời lúc 15h10 (giờ địa phương) ngày 8/9, ở tuổi 96 khép lại 70 năm trị vì nước Anh.

Theo nhận định của ông Robin Oakley, cựu biên tập viên chính trị của BBC, Times và CNN, “nữ hoàng Elizabeth có thể được nhớ đến nhiều nhất với tư cách là một nhà lãnh đạo lớn, người đã trở thành hình mẫu về sự kiên định trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Bà được những người theo chủ nghĩa quân chủ cũng như những người cộng hòa ngưỡng mộ vì sự tận tâm không lay chuyển đối với nhiệm vụ của bản thân và bà ấy không chịu khuất phục trước những người chỉ trích.”

Cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng Anh đã giúp hiện đại hóa chế độ quân chủ, vượt qua nhiều thập kỷ thay đổi xã hội to lớn, là người đứng đầu hoàng gia được rất nhiều người Anh mến mộ, là "pháo đài" bảo vệ các giá trị truyền thống, đóng góp lớn cho chính sách đối nội, đối ngoại của nước Anh.

Bà trải qua 15 đời thủ tướng, bắt đầu từ ông Winston Churchill, sinh năm 1874, và cho đến bà Liz Truss, sinh năm 1975. Bà đã chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn trong suốt triều đại của mình, trải qua thời kỳ hậu chiến, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung (CHOGM), kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu (EU) rồi rời đi sau đó.

Dù không nắm thực quyền trong chế độ quân chủ lập hiến, nhưng trong suốt hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành một biểu tượng quốc gia. Với hầu hết người dân Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương duy nhất mà họ biết, một hình tượng không thể thay đổi trên tem, tiền giấy và tiền xu.

Nữ hoàng Elizabeth II được coi là biểu tượng của văn hóa đại chúng, một phần của văn hóa Anh. Bà đã trở thành một sự hiện diện thường xuyên trong mọi khía cạnh của đời sống – từ người gửi thông điệp Giáng sinh hàng năm, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph…

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Tại Nhật, năm 2022 đánh dấu sự mất mát của một chính trị gia kỳ cựu, một người có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới chính trị nước Nhật đó là ông Shinzo Abe – một sự ra đi đầy bàng hoàng.

Theo đánh giá của thành viên cấp cao về châu Á tại Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ Tobias Harris trên trang Foreign Policy, việc ông Shinzo Abe bị một người đàn ông cầm súng tự chế ám sát tại sự kiện công khai giữa ban ngày, trong một sự kiện vận động chính trị đã trở thành một cú sốc lớn đối với Nhật Bản - quốc gia có luật quản lý súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới và tỷ lệ tội phạm thấp nhất.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Không chỉ Nhật Bản, thế giới cũng không thể ngờ rằng cuộc đời của một chính trị gia có ảnh hưởng và là một chính khách tầm cỡ toàn cầu lại đột ngột qua đời vì bạo lực. Ông Abe mới chỉ rời cương vị thủ tướng Nhật Bản hai năm trước.

Theo ông Tobias Harris, ông Abe đã đảm nhiệm vị trí thủ tướng Nhật Bản 7 năm 8 tháng trước khi từ chức vào tháng 9/2020 vì lý do sức khỏe. Trong thời gian đó, ông Abe đã chuyển đổi nền kinh tế Nhật Bản thông qua một loạt các chính sách được gọi chung là “Abenomics”, đảo ngược tình trạng tiền lương trì trệ trong nhiều năm, thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, doanh thu thuế và đưa lưu lượng khách du lịch lên mức cao kỷ lục trong khi giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục.

Ông Abe cũng đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng nhằm diễn giải lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này tham gia vào hoạt động tự vệ tập thể và theo đuổi “một chính sách đối ngoại lớn, không chỉ củng cố mối quan hệ Mỹ-Nhật mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước đối tác trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ và Australia - đặt nền móng cho Đối thoại An ninh Tứ giác, cùng với các nước Đông Nam Á.”

Ở thời điểm ông qua đời, mặc dù ông Abe không còn là thủ tướng nhưng ông vẫn “đứng ở đỉnh cao quyền lực ở Nhật Bản”, nơi “sự lãnh đạo của ông đối với chính đảng lớn nhất Nhật Bản (Đảng Dân chủ Tự do) và danh tiếng của ông với tư cách là một chính khách hàng đầu thế giới vẫn giúp ông Abe có ảnh hưởng lớn đến sự chỉ đạo của chính phủ Nhật Bản”, theo chuyên gia Harris.

Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân

Năm 2022, cựu Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời vào tháng 11, ở tuổi 96 vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng, theo Tân Hoa Xã.

Theo Japan Times, ông Giang Trạch Dân đã lãnh đạo Trung Quốc trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, để lại ảnh hưởng lâu dài đến chính trị và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Ông sẽ được nhớ đến với tư cách là một nhà lãnh đạo mở đường cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu.

Ông Giang Trạch Dân cũng có tính cách lôi cuốn – điều hiếm có trong các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Tờ Japan Times cũng điểm lại ba thành tựu nổi bật có thể kể đến trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 là ông Giang Trạch Dân thúc đẩy đà cải cách và mở cửa, nỗ lực cùng Thủ tướng Chu Dung Cơ đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua cải cách các doanh nghiệp nhà nước và hàn gắn quan hệ với Mỹ và thứ ba, lý thuyết “Ba đại diện” của ông đã mở rộng thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay đổi cơ bản cấu trúc của đảng đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh ở Trung Quốc.

Bắt đầu từ cuối năm 2002, ông Giang Trạch Dân không còn là Tổng Bí thư nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho đến năm 2005 và ngay cả sau khi chính thức nghỉ hưu, ông vẫn có ảnh hưởng chính trị đáng kể.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev

Sự ra đi của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev vào cuối tháng 8 được các nhà sử gia đánh giá giống như nhiệm kỳ tổng thống Liên Xô của ông - đó là xảy ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Nga. Theo Vladislav M. Zubok, giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Kinh tế London, sự kiện này là một lời nhắc nhở sâu sắc về thời kỳ cũ đã qua.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Nói về ông Gorbachev, nhà lịch sử học Zubok đánh giá cao tính cách ấm áp, lạc quan và hài hước của nhà lãnh đạo này và cho biết ông Gorbachev đã thúc đẩy một số cải cách hệ thống kinh tế của Liên Xô, với mục tiêu mang lại nhiều quyền lợi cho người dân hơn. Những nét tính cách này có lẽ đã dẫn đến việc ông Gorbachev chính là người đưa đến một kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh - di sản lớn nhất của ông.

Mặt khác, ông Zubok lưu ý rằng, ở Nga, di sản của Gorbachev không đơn giản như vậy và cũng không đồng tình với nhận định trên. Ông Zubok viết: “Nhiều người Nga kiên định với trật tự cũ không chia sẻ với cách làm của Gorbachev và coi ông là người dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô”.

An Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-nhan-vat-tam-co-ra-di-trong-nam-2022-d577556.html