Những nhà giáo làm Văn

Bắc Giang có một đội ngũ đông đảo làm văn chương. Trong tổng số gần năm chục hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có tới ba chục thầy, cô giáo là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình. Điều ấy chẳng có gì lạ vì hầu hết các thầy, cô giảng dạy văn chương nên hiểu và cảm cái hay, cái đẹp của thơ văn, vì thế dễ có ý định sáng tác hoặc phê bình.

Đương nhiên các thầy, cô ấy vốn có năng khiếu từ nhỏ hoặc chịu khó học hỏi, lao động chữ nghĩa cật lực. Cũng đương nhiên từ năng khiếu đến sáng tạo nghệ thuật phải qua một chặng đường gian nan, vất vả. Giá trị văn chương không tỷ lệ thuận với bằng cấp.

Một số tác phẩm của nhà giáo - nhà văn Đỗ Nhật Minh.

Thầy giáo cấp III, cử nhân, tiến sĩ không chắc có tác phẩm hay hơn các thầy giáo dạy cấp I, cấp II dù học vấn vô cùng lợi thế. Cũng hoàn toàn không có chuyện người già viết tốt và hay hơn lớp trẻ dẫu tuổi già có những điều lớp trẻ phải ra sức học hỏi. Giống như khoa học, nghệ thuật không có tôn ti mà chỉ có chân lý và giá trị.

Nói dài dòng đôi chút để lần nữa khẳng định nhà giáo làm văn chương là lẽ thường tình. Do khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ xin nêu một số nhà giáo đã có thành tựu nhất định.

Ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch vốn giảng dạy một trường Đại học ở Thủ đô là nhà nghiên cứu văn hóa uy tín, có rất nhiều tác phẩm xuất bản ở T.Ư và địa phương, thời gian ngắn là Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh nhà. Thầy giáo Đặng Tiến Huy nhiều năm dạy học, từng là Phó Chủ tịch rồi Quyền Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh. Ông có hơn hai chục đầu sách, cả văn lẫn thơ. Trong đó có tiểu thuyết “Chủ quán phù vân” đã gây xôn xao trong và ngoài giới văn đàn những năm 90 của thế kỷ trước.

Thầy giáo Đỗ Nhật Minh dạy học suốt 18 năm rồi chuyển công tác về Hội VH-NT tỉnh. Ông đã có 20 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn. Anh Vũ (tên thật là Vũ Công Ứng) vốn là thầy giáo dạy họa là người đa tài cả về văn học (văn, thơ) lẫn mỹ thuật (điêu khắc). Thầy giáo Đỗ Vinh dạy THPT ở Tân Yên, Yên Thế có thơ đăng trên báo T.Ư địa phương từ rất lâu, đã đạt nhiều giải thưởng cao. Nguyễn Thị Mai Phương trước khi về Hội VH-NT tỉnh là cô giáo dạy ở Lục Ngạn, một cây bút trẻ sung sức, đầy nữ tính, một trong những nhà văn chủ lực tỉnh nhà...

Còn rất nhiều nhà giáo là nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu, phê bình, đã tạo lập tên tuổi mình qua tác phẩm như: Duy Phi, Tế Nhị Cẩn, Nguyễn Thị Minh Bắc, Vũ Hoàng Nam, Chu Ngọc Phan, Nguyễn Duy Đam, Trần Thị Thanh Thủy, Quách Đăng Khoa, Vũ Kim Loan, Nguyễn Đạo Đảm, Kim Ô…. Trong những nhà văn, nhà thơ kể trên nhiều người đã mất như Đỗ Vinh, Anh Vũ, Duy Phi, Quách Đăng Khoa, Kim Ô, Nguyễn Đạo Đảm... nhưng nhiều tác phẩm của họ vẫn sống trong lòng bạn đọc.

Ngành Giáo dục tỉnh nhà phấn khởi, tự hào đã có một đội ngũ nhà giáo là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình, dịch thuật. Rất mong ngành khai thác, chăm chút, cổ vũ vốn quý ấy, đồng thời cũng mong muốn các cây bút nhà giáo sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về mái trường, về chính thầy cô, học trò... khi ngành giáo dục tỉnh ta đã và đang gặt hái nhiều thành tựu lớn.

Giang Kế Nhân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/415181/nhung-nha-giao-lam-van.html