Những nguyên nhân không ngờ từ ăn uống, lối sống dẫn tới bệnh ung thư vòm họng

Bệnh ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Bệnh ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ

Bệnh đang dần trẻ hóa

Theo bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng Trần Quốc Khánh, ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng cùng với những biến đổi lớn về khí hậu khiến thời tiết thay đổi thất thường là những nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh về tai mũi họng, trong đó có bệnh ung thư vòm họng.

Bệnh ung thư vòm họng (NPC - Nasopharyngeal Carcinoma) ở nước ta có tỷ lệ cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ, đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung.

Nhưng các triệu chứng bệnh lại không điển hình, hầu hết là các triệu chứng ‘mượn’ của các cơ quan lân cận như: tai, mũi, thần kinh, hạch… do đó việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng Trần Quốc Khánh

Tuy nhiên, bệnh ung thư vòm họng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Và với việc làm xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm ung thư vòm họng.

Trước đây, bệnh ung thư vòm họng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 tới 65 tuổi, sau 65 tuổi tỷ lệ bệnh giảm dần.

Tuy nhiên, thực tế thăm khám ở Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, các bác sĩ cũng đã gặp nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị ung thư vòm họng.

Bệnh ung thư vòm họng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm

PGS Lê Minh Kỳ - Trưởng khoa Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, bệnh ung thư vòm họng đang dần trẻ hóa. Bản thân bác sĩ Lê Minh Kỳ đã gặp những bệnh nhi bị ung thư vòm mũi họng chỉ mới 21 tháng tuổi, 3 tuổi, 6 tuổi…

Môi trường ô nhiễm làm bệnh gia tăng

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư vòm họng, trong đó có yếu tố môi trường và virus.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết, yếu tố môi trường, bao gồm điều kiện vi khí hậu, bụi khói, tình trạng ô nhiễm và tập quán ăn uống… có thể gây bệnh ung thư vòm họng.

Bởi, trong không khí ô nhiễm và những đồ ăn như cá muối, tương, cà và những chất mốc... có chứa Nitrosamine - chất gây ung thư.

Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm họng

Bên cạnh đó, virus Epstein Barr (EBV) cũng là một trong những thủ phạm gây bệnh. Đây là loại virus ở người thuộc nhóm Herpès là nguyên nhân gây bệnh u lympho Burkitt ở trẻ em Châu Phi.

Những năm gần đây người ta hay nói đến sự liên quan giữa ung thư vòm họng với EBV, do phát hiện được bộ gen của EBV trong tế bào khối u vòm họng và trong huyết thanh người bệnh ung thư vòm họng, hiệu giá kháng thể IgA kháng VCA-EBV rất cao, trong khi đó lại rất thấp hoặc không có ở huyết thanh người bình thường hoặc bị các bệnh ung thư khác.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Bệnh ung thư vòm họng thường có các triệu chứng âm thầm nên rất khó phát hiện. Trong đó, đau đầu là triệu chứng sớm, thường đau nửa đầu, từng cơn hoặc âm ỉ. Dùng các thuốc giảm đau ít có tác dụng.

Triệu chứng hay gặp nhất khi bị ung thư vòm họng là đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau sâu trong hốc mắt, vùng thái dương.

Chảy máu mũi, xuất hiện hạch cổ và hạch dưới hàm là những dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư vòm họng

Những biểu hiện ở mũi xoang cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Điển hình là ngạt mũi một bên, cùng với bên đau đầu, lúc đầu ngạt không thường xuyên sau ngạt liên tục.

Hay gặp nhất là chảy mũi nhầy, có thể chảy mũi mủ do viêm xoang phối hợp, thỉnh thoảng có xì ra nhầy lẫn máu.

Ngoài ra, người bị bệnh ung thư vòm họng cũng có những cảm giác tức ở tai, ù tai, nghe kém, kèm theo đau đầu. Có thể gặp viêm tai giữa cùng bên do bội nhiễm. Xuất hiện hạch cổ và hạch dưới hàm.

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm ung thư vòm họng

Phòng bệnh ung thư vòm mũi họng

70 % nguyên nhân ung thư do yếu tố ngoại lai, còn 30% do yếu tố nội tại và do yếu tố di truyền cho nên, phải có chế độ ăn hợp lý, giảm mỡ động vật, ít ăn thịt thay bằng rau hoa quả có nhiều vitamin C, E và một lối sống lành mạnh giúp phòng bệnh hiệu quả.

- Không hút thuốc lá: nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây lên ung thư vòm họng.

Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.

- Hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.

- Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…

- Không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.

- Luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

- Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh, nhất là những người có nguy cơ cao như: Có tiền sử gia đình mắc ung thư mũi - họng, hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, ăn nhiều cá khô, thực phẩm đông lạnh hoặc thức ăn được ướp muối lâu ngày (như dưa muối, cà muối, mơ muối, chanh muối), làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi hoặc hóa chất độc hại.

Linh Ly

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/nhung-nguyen-nhan-khong-ngo-tu-an-uong-loi-song-dan-toi-benh-ung-thu-vom-hong-d1413.html