Những người thợ điện bỏ việc nhà khi mưa lũ

Những ngày qua, thợ điện vùng “rốn lũ” các tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh căng sức khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm cấp điện trở lại cho người dân. Vì thế, nhiều người chưa kịp dọn dẹp ngôi nhà của chính mình vẫn còn ngập đầy bùn đất sau mưa lũ…

Gần một tuần sau cơn lũ lịch sử, người dân huyện Hương Khê đang nỗ lực quay trở lại với cuộc sống thường nhật.

Đến thời điểm này, những thôn xóm cuối cùng đang được cấp điện trở lại. Ông Trần Sỹ Bưởi - Giám đốc Điện lực Hương Khê (thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng lên rất cao, nhiều vùng ngập đến nóc nhà như Phương Mỹ, Phương Điền.

Đại diện Công ty Điện lực Hà Tĩnh đến tặng quà hỗ trợ người dân xã Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh sau cơn lũ lịch sử (nguồn ảnh: PC Hà Tĩnh).

Trên toàn huyện, hệ thống lưới điện cũng hư hỏng nghiêm trọng, hàng trăm cột điện bị gãy, đổ, xói lở, nhiều đường dây bị đứt, hơn 3.000 công tơ bị hỏng do nước ngập,...

Để đảm bảo cấp điện tạm thời, đáp ứng nhu cầu vệ sinh nhà cửa và khôi phục sản xuất sau lũ, Điện lực Hương Khê đã phối hợp với chính quyền địa phương dùng cọc tre tạm thời chống đỡ những cột đổ, gẫy, nối lại các dây đứt, thay thế các công tơ hỏng.

“Đến sáng 20.10, Điện lực đã cấp điện cơ bản trên toàn huyện. Hiện, còn một số tuyến bị cuốn trôi chưa khôi phục được thì chúng tôi dự kiến đến hết ngày 22.10 sẽ hoàn thành” – ông Bưởi cho hay.

Cũng giống những người dân ở thị trấn Hương Khê, gia đình anh Hoàng Giang Châu (Tổ treo tháo công tơ Điện lực Hương Khê, thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh) cũng bị ngập sâu tới 2 m trong cơn lũ vừa qua. Đêm trước đó, trong cơn mưa ầm ào trút xuống không dứt, anh Châu cùng các đồng nghiệp vẫn đang ứng trực tại Điện lực theo lệnh điều động. Những ngày tiếp theo, cha mẹ và người vợ trẻ phải trú trên gác xép sát mái nhà để tránh lũ còn anh Châu cùng các đồng nghiệp vẫn túc trực ngoài lưới để nếu nước rút là triển khai công việc ngay.

“Bốn bề nước trắng xóa. Người dân, trong đó có cả những người thân của mình, phải tránh lũ trên mái nhà, đồ ăn nước uống đều thiếu thốn, xót xa lắm!” – giọng anh Châu chùng xuống.

Với chủ trương nước rút đến đâu thì khôi phục cấp điện ngay nếu đảm bảo an toàn, mấy ngày qua, anh Châu cùng các đồng nghiệp Điện lực đều đi làm từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới về. Cả ngày, bộ quần áo bảo hộ ướt sũng vì mồ hôi lẫn nước lũ. Bữa trưa, anh em ăn tạm gói mì rồi lại tiếp tục công việc. “Khắc phục sự cố mùa mưa bão thì không cần biết là thứ bảy hay Chủ nhật, làm "giờ nhà nước" hay ngoài giờ, miễn sao có thể xử lý nhanh nhất mà thôi” – người công nhân của Điện lực Hương Khê chia sẻ như thế. Ngôi nhà của anh, bùn đất vẫn đặc sánh từ trong nhà ra ngoài ngõ nhưng đành “phó mặc” cho người thân vậy.

Ở vùng “rốn lũ” Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, không chỉ mưa lớn mà còn xảy ra lốc xoáy khiến hàng trăm cột điện hạ thế gãy đổ ngổn ngang, các tuyến đường dây hạ thế đều bị ảnh hưởng và không đảm bảo an toàn cấp điện, đường giao thông bị chia cắt và cô lập nên rất khó khăn cho việc kiểm tra, khôi phục.

Thợ điện Điện lực Lệ Thủy được người dân giúp sức khắc phục sự cố sau mưa lũ (nguồn ảnh: PC Quảng Bình).

Anh Lê Gia Phú - Tổ trưởng Tổ quản lý điện khu vực Nam Lệ Thủy, Điện lực Lệ Thủy (thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình) cho biết, Tổ của anh có 14 người thì 13 người cũng bị ngập nhà trong nước từ 1 - 2m. Dù vậy, anh em động viên nhau “cứ để đấy đã” để ưu tiên công việc vì “sau lũ, việc cấp bách là đường điện thông suốt trở lại để người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định đời sống".

Với tinh thần ấy, đúng 7h sáng ngày 15.10, cả tổ đã tập trung đầy đủ để bắt tay ngay vào công tác khắc phục ở những khu vực ít bị ngập hơn.

Cả ngày kéo dây dựng cột mệt rã rời nhưng buổi tối về đến nhà vẫn cố gắng phụ vợ con dọn dẹp để "trong lòng đỡ áy náy" - anh Lê Gia Phú chia sẻ đầy mộc mạc. Đó là tâm trạng chung của những người thợ chịu trách nhiệm quản lý hệ thống lưới điện trong tâm lũ nhưng cũng là trụ cột trong gia đình khi thiên tai đi qua. Hơn thế, đối với anh Phú, anh Châu, trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" ấy, làm tốt công việc của mình không chỉ là trách nhiệm với khách hàng mà còn là cái nghĩa tình của những người đồng hương đã cùng sống, cùng vượt qua bao mùa bão lũ...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nhung-nguoi-tho-dien-bo-viec-nha-khi-mua-lu-717406.html