Những người thầm lặng phía sau

Để có tác phẩm báo chí chỉn chu về nội dung và hình thức đến độc giả, khán giả, ngoài tác giả thì phía sau đó có sự đóng góp rất lớn của cả ê kíp biên tập, dàn trang, kỹ thuật viên, morasse, đội ngũ sản xuất hậu kỳ…

PHÍA SAU TRANG BÁO

Gần 20 giờ, Phòng Thư ký tòa soạn Báo Kiên Giang vẫn sáng đèn. Ban Biên tập, lãnh đạo phòng và viên chức dàn trang, morasse vẫn đang hoàn tất những khâu cuối cho số báo ngày mai. Thông thường, tin, bài, ảnh phóng viên gửi về sẽ được lãnh đạo phòng biên tập, sau đó chuyển đến nhân viên dàn trang để trình bày trang báo. Trang báo được dàn sẽ chuyển đến bộ phận morasse dò lỗi… Mỗi tin, bài, ảnh qua từng khâu sẽ được chăm chút để hay hơn, hấp dẫn hơn. Công việc biên tập, dàn trang và morasse là mắt xích không thể thiếu của quy trình xuất bản báo.

Viên chức Phòng Thư ký tòa soạn Báo Kiên Giang dàn trang báo in.

Nhà báo Đỗ Hương Giang - Phó trưởng Phòng Thư ký tòa soạn chia sẻ: “Việc biên tập để tin, bài của phóng viên, cộng tác viên hay hơn cũng giống như chế biến, nêm nếm món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn. Vì thế, khi làm công tác biên tập, chúng tôi chăm chút và nâng niu từng tác phẩm, vận dụng kiến thức chuyên môn, xã hội để tác phẩm hay, chính xác hơn”.

Làm báo thời hiện đại, báo in phải có những đổi mới về nội dung, sáng tạo về hình thức để nâng sức cạnh tranh với các loại hình báo chí và yêu cầu ngày càng cao của độc giả. Đây cũng là áp lực không nhỏ đối với bộ phận dàn trang. Trước yêu cầu phải đổi mới, viên chức dàn trang Báo Kiên Giang không ngừng học hỏi để dàn những trang báo đẹp, thu hút độc giả.

“Việc dàn trang cũng giống như bày biện món ăn lên một mâm cơm sao cho hấp dẫn, bắt mắt để thu hút người đọc. Ngoài sự hiểu biết nhất định về mỹ thuật, trình bày thì người dàn trang cần có nhãn quan chính trị tốt, nhất là đối với báo Đảng. Tôi thường nghiên cứu, cập nhật xu hướng trình bày báo hiện đại qua internet, những tờ báo khác, xem lại các số báo trước, tìm những chỗ thiếu sót, chưa ưng ý để khắc phục, trình bày trang báo hợp lý hơn, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm và bạn đọc dễ theo dõi hơn”, đồng chí Trần Thị Mai Phương - viên chức dàn trang Báo Kiên Giang chia sẻ.

SẢN XUẤT HẬU KỲ

Đối với quy trình sản xuất tại Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, ngoài biên tập viên, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường, những nhân viên kỹ thuật sản xuất hậu kỳ đóng góp không nhỏ vào sự thành công của mỗi tác phẩm truyền hình.

Đồng chí Nguyễn Tấn Hoàng - Trưởng Phòng Biên tập chương trình truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang cho biết: “Nhân viên Phòng Biên tập chương trình truyền hình thường phải chịu áp lực lớn về mặt thời gian và độ chính xác của từng hình ảnh. Cả ê kíp đạo diễn, phát thanh viên, kỹ thuật viên… phải phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo chương trình lên sóng kịp thời, không sai sót”.

Kỹ thuật viên Phòng Biên tập chương trình truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang dựng chương trình thời sự.

Kỹ thuật dựng được xem là người thực hiện khâu hậu kỳ quan trọng trong sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình. Từ những hình ảnh thô sơ, tiếng động hiện trường được phóng viên thu thập về, qua bàn tay kỹ thuật viên dựng hình sẽ trở thành những thước phim sinh động và hấp dẫn, chân thực.

Đồng chí Phạm Quang Thiều - kỹ thuật viên Phòng Biên tập chương trình truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang cho biết: “Phòng có 10 người thực hiện công tác kỹ thuật dựng hình. Thực tế việc dựng hình không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, kết hợp âm thanh, hình ảnh vào mỗi tác phẩm sao cho hợp lý; xử lý màu, sáng - tối, dò chữ…”.

Thầm lặng sau trang báo, sau cánh sóng, những biên tập, dàn trang, kỹ thuật viên, morasse, phát thanh viên, đạo diễn… vẫn đang miệt mài, nghiêm túc và luôn tâm huyết với nghề.

Bài và ảnh: HUỲNH ANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/nhung-nguoi-tham-lang-phia-sau-14322.html