Những người mưu sinh ở bệnh viện

Một bệnh nhân vào viện là cả “hệ thống” thân nhân đều phải quay cuồng theo, người ta bỗng dưng phải tập quen với những thao tác nâng đỡ, vệ sinh, theo dõi, thức đêm ứng trực...

Một bệnh nhân vào viện là cả “hệ thống” thân nhân đều phải quay cuồng theo, người ta bỗng dưng phải tập quen với những thao tác nâng đỡ, vệ sinh, theo dõi, thức đêm ứng trực... Những nhà đông người và sắp xếp được thời gian thì chả bàn, nhưng hầu hết lại vướng công việc, yếu tố sức khỏe hoặc “quân số ít”, lúc này, người ôsin chăm bệnh ở các bệnh viện là giải pháp duy nhất.

Vất vả chăm bẵm người xa lạ, họ đã trợ giúp nhiều gia đình trong lúc nguy khó.

Khác với sự manh nha nhiều năm trước, nay đội ngũ chăm bệnh đã gom góp được những kinh nghiệm để thạo nghề hơn cả trong kỹ năng lẫn dịch vụ. Có khá nhiều tổ chức ra đời chuyên để cung ứng người chăm bệnh với cái từ rất thân thuộc là “ôsin bệnh viện”. Cũng bởi được lăn lộn khắp các giường bệnh trong thời gian dài, những người chăm bệnh (hành nghề tự do) thành thạo về các thao tác, xử lý sự cố và đặc biệt là sự bình tĩnh gấp nhiều lần những thân nhân người bệnh vốn chẳng mấy khi tiếp xúc tình huống này.

Cho ăn và uống thuốc theo chỉ định là một phần việc thường xuyên của người chăm bệnh.

Đặc biệt là những “ôsin” chăm bệnh tại các khoa nội hoặc sau phẫu thuật ở bệnh viện, nhiều người tỏ ra thông thạo từ theo dõi các chỉ số trên máy để biết bất thường, bơm thức ăn qua ống thông dạ dày,... Những việc vặt vãnh như mua, nấu thức ăn riêng chế độ, vệ sinh, tắm rửa, thay đồ, hay xoa bóp vùng đau nhức, vỗ rung lưu thông khí huyết cho bệnh nhân... đều đã được họ thuộc nằm lòng. Thậm chí có những “ôsin” trình độ cao còn kiêm thêm các việc giám sát lịch uống thuốc, cho người bệnh uống thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ; đọc sách, trò chuyện, tâm sự, đi dạo với bệnh nhân...

Lãnh đạo các bệnh viện lớn đều thừa nhận, lực lượng điều dưỡng của bệnh viện là chưa đủ, việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân chỉ áp dụng cho các khoa săn sóc đặc biệt, cho người bệnh nặng, nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải nằm bất động. Có những bệnh viện lớn một điều dưỡng phải chăm sóc trên 10 bệnh nhân thì rất khó đáp ứng đầy đủ và đúng quy trình chuyên môn, đôi khi sơ suất, lơ là từ đó gây ra những nhìn nhận không hay từ thân nhân người bệnh.

Những người thạo việc còn nắm vững một số thao tác, theo dõi các chỉ số máy móc.

Cho nên vì muôn nẻo mưu sinh mà những “ôsin bệnh viện” vẫn hàng ngày tất tả lăn lộn khắp các giường bệnh để nâng đỡ, chăm bẵm những người không phải thân nhân, ruột già. Cái nghề của họ dẫu chẳng cần ai phải công nhận và vẫn còn gặp những cái nhìn ở góc độ thiếu thiện cảm thì vẫn lặng lẽ trợ giúp cho rất nhiều người bệnh, nhiều gia đình cần họ.

Dịch vụ có giá từ 200-300 ngàn 1 ngày nhưng không ổn định.

Đa phần người chăm bệnh hoạt động tự do, tự phát qua giới thiệu lẫn nhau, cũng vì vậy mà không tránh khỏi sự xô bồ, phức tạp, không ít người gặp phải tình trạng buộc bị “bảo kê” bởi những kẻ giấu mặt. Sẽ là tốt hơn nếu có nhiều tổ chức hơn đứng ra quản lý một cách công khai, chuyên nghiệp từ hồ sơ, đào tạo kỹ năng và tư cách, giúp họ ổn định và trở thành một nghề nghiệp hẳn hoi. Đổi lại là thu nhập ổn định, được xã hội nhìn nhận đúng đắn và mang lại nhiều sự yên tâm cho các gia đình có người thân nằm viện.

Rất cần những tổ chức chuyên nghiệp để họ được có cuộc sống ổn định và được xã hội ghi nhận.

Bình An

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-nguoi-muu-sinh-o-benh-vien-n124305.html