Những người 'khai sơn phá thạch', mở đường cao tốc

Không quá khi nói rằng, mỗi đường hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc hành trình thiên lý Bắc-Nam đều là một công trình kỳ vĩ. Giữa trùng trùng đồi núi, nơi dấu chân người đi vào còn khó khăn, vậy mà công trường quy mô lớn đang mở ra từng ngày, những mũi khoan đi sâu vào lòng núi, đưa những tuyến đường vươn xa khắp chiều dài đất nước.

Để làm nên những công trình đó là biết bao mồ hôi, công sức, ý chí, quyết tâm vượt khó của cán bộ, kỹ sư, người lao động. Điều đặc biệt, từ thiết kế, thi công, hoàn thiện, nghiệm thu hầm đường bộ hiện nay đều hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ.

Đường công vụ đi qua, cổng nhà cũng không tiếc

Con đường dẫn vào công trường thi công hầm Tuy An (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) những ngày mùa mưa lầy lội như ruộng mới cày. Hàng dài xe tải hạng nặng lầm lũi chở vật liệu vào công trường và đưa đất đá về bãi tập kết. Là một trong những công trình quan trọng nhất của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn Chí Thạnh-Vân Phong, tiến độ hầm Tuy An ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch thực hiện của cả dự án. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị được triển khai sớm, trong đó, công việc đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là mở đường công vụ để vào được vị trí cửa hầm. Chia sẻ về những ngày đầu khi tìm hướng mở đường công vụ, Đại tá Nguyễn Văn Huynh, Phó trưởng ban điều hành dự án hầm Tuy An của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) nhắc đi nhắc lại, nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ của người dân thì dự án không thể đạt được những bước tiến như hiện nay. "Đi khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy có tuyến đường dân sinh có thể tận dụng làm đường công vụ, chỉ cần gia cố thêm, cộng với một số đoạn được mở mới. Quan trọng nhất là đường công vụ phải đáp ứng được cho xe tải trọng lớn lưu thông vì khối lượng máy móc, thiết bị phục vụ khoan hầm rất nhiều. Nếu không sớm mở đường sẽ khó bảo đảm tiến độ", Đại tá Nguyễn Văn Huynh bày tỏ. Nhà thầu đã chủ động khắc phục khó khăn, sửa chữa, gia cố từng đoạn đường mòn cùng với làm tốt công tác dân vận, được sự ủng hộ của người dân, chính quyền địa phương để hình thành nên tuyến đường công vụ, mở đầu cho nhiệm vụ đào hầm xuyên núi.

Lực lượng thi công của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) tham gia thi công hầm Tuy An (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) trên tuyến cao tốc Bắc-Nam.

Anh em trên công trường vẫn nhắc đến kỷ niệm khi xe đầu kéo chở thiết bị lớn đi vào khu vực dự án nhưng gặp trở ngại vì cổng vào nhà xưởng của một hộ dân lại nằm ngay trên tuyến đường công vụ. Trước tình huống đó, anh Đoàn Đình Dương (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) là chủ nhà đã không ngần ngại cho phá cổng để xe có thể đi qua. Có hai cây dừa án ngữ trên đường đã trồng lâu năm, vẫn đều đặn cho quả sai trĩu nhưng người dân sẵn sàng cưa đổ, giúp xe qua lại dễ dàng hơn. Mang câu chuyện này nhắc lại với anh Đoàn Đình Dương, anh chỉ nói đến những tình cảm, sự hỗ trợ của đơn vị thi công dành cho địa phương và người dân. "Đường cao tốc là dự án trọng điểm của cả nước, càng hoàn thành sớm càng có lợi cho dân. Việc hy sinh phần nhỏ lợi ích cá nhân để tạo thuận lợi cho công việc chung là điều rất nên làm. Một số người dân chưa thấu hiểu hết, còn có ý kiến chưa đồng thuận, tôi không ngần ngại đứng ra bảo lãnh với bà con để đơn vị thi công vào làm. Đường dân sinh tôi tự đầu tư nhưng khi cần, tôi đồng ý cho đơn vị thi công cải tạo thành đường công vụ, sau này dự án hoàn thành sẽ hoàn trả lại đường cho dân", anh Đoàn Đình Dương bộc bạch.

Không chùn bước trước thử thách

Khi được hỏi về điểm đặc biệt của công việc thi công hầm, anh Hồ Đức Trường, công nhân Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô suy nghĩ một lúc rồi nói, ở trong hầm không phân biệt được đêm với ngày, nguồn ánh sáng đều từ hệ thống đèn cao áp. Vì thế mà với những người lao động trực tiếp tham gia thi công như anh Hồ Đức Trường, làm ca đêm hay ca ngày cũng không có nhiều khác biệt. "Đặc thù của thi công hầm là làm liên tục 3 ca không nghỉ, từng kíp công nhân thay phiên nhau, chúng tôi vẫn thường nói với nhau là công trường không ngủ, luôn giữ nhịp độ làm việc tích cực, khẩn trương", anh Hồ Đức Trường chia sẻ. Một trong những công việc vất vả nhất của thợ làm hầm theo anh Trường là khoan neo để giữ cho hệ thống khung của vỏ hầm ổn định. Người công nhân được nâng lên cao, bằng sự khéo léo, kỹ năng, kinh nghiệm đưa mũi khoan neo đi sâu 6m vào lớp đất đá với mật độ mỗi mét vuông có 1 neo, giúp phần hầm mới đào được kiên cố, chắc chắn.

Hầm Tuy An có hai ống hầm, mỗi ống dài hơn 1.000m, địa chất rất phức tạp, đặc biệt từ cửa hầm phía Bắc. Địa chất yếu lại có mạch nước thường xuyên đổ xuống từ đỉnh hầm đặt ra không ít thách thức đối với đơn vị thi công. Hệ thống khoan hầm phải từ từ, từng bước tiến sâu vào lòng núi. Vì địa chất yếu nên không thể nổ mìn, phá đá. Những người lính thợ sử dụng máy móc cỡ lớn đào, đục từng mét. Đào đến đâu lại tiếp tục gia cố bằng hệ thống vòm chống, neo, phun bê tông. Từng ống hầm ngày một vươn xa cũng chính là thành quả của biết bao cán bộ, kỹ sư, người lao động trên công trường. Họ vẫn ngày ngày nỗ lực không ngừng nghỉ cho mục tiêu thông hầm, một trong những dấu mốc quan trọng nhất của dự án. Đó cũng là tiền đề để cao tốc Bắc-Nam nối thông toàn tuyến, hình thành trục xương sống cho mạng lưới giao thông của đất nước.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-nguoi-khai-son-pha-thach-mo-duong-cao-toc-759021