Những người hùng thầm lặng giữa biển khơi

Bất kể mưa gió bão bùng, khi nhận được tín hiệu cứu hộ, cứu nạn, những thủy thủ lại sẵn sàng lên đường. Với họ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là phút giây cứu được những người gặp nạn giữa biển khơi.

SAR 411 và SAR 273 – hai trong số 6 tàu cứu hộ,

cứu nạn chuyên dụng ở nước ta hiện nay

Chỉ mong... thất nghiệp

Trung tâm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (TKCHCN) hàng hải khu vực 1 nằm ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, là một tổ chức chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ủy ban quốc gia TKCN. Đây cũng là nơi phối hợp với các lực lượng, đơn vị thuộc ngành hàng hải Việt Nam trong việc TKCN chuyên ngành, đồng thời, tham gia, phối hợp với các lực lượng liên quan trong và ngoài ngành để tiến hành TKCN trên biển.

Vào những ngày cuối năm con Rồng, tiếp chúng tôi, ông Trần Văn Độ - GĐ Trung tâm cho biết: Năm nay hoạt động cứu hộ không gặp vụ nào nghiêm trọng. "Bác Hồ nói "Cứu hộ cứu nạn thì thất nghiệp là tốt nhất”, nên cứ bình an như thế này là mừng rồi” – ông Độ chia sẻ. Trước đây, Trung tâm chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ phối hợp, báo nạn cho các đơn vị khác để cứu nạn khi có thông tin. Từ năm 2006, Trung tâm mới đảm nhận nhiệm vụ cứu nạn trực tiếp với 2 tàu cứu nạn SAR 411 và SAR 273, có chiều dài 41m và 27m. Đây là 2 trong số 6 tàu CHCN chuyên dụng ở nước ta hiện nay, được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ tiên tiến theo tiêu chuẩn Hà Lan. Trên tàu có các thiết bị cứu vớt người gặp nạn trên biển, đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, cả 2 chiếc tàu này đều có kích thước khá nhỏ bé so với các tàu vận tải biển của Việt Nam chứ chưa so sánh với tàu nước ngoài. Cũng bởi thế, mỗi khi mưa bão xảy ra, công tác cứu hộ lại đối diện vô vàn khó khăn. "Cứu hộ không được xa. Tàu chạy hết tốc độ thì chỉ khoảng một ngày là hết dầu. Trong điều kiện thời tiết bình thường, bán kính tàu là 500 hải lý, đi quá thì rất nguy hiểm” – ông Độ cho biết.

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng trên khoang lái tàu cứu nạn SAR 411

Quy trình CHCN hiện nay được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Thông qua các đài duyên hải ven biển, trạm thu tín hiệu vệ tinh, đồn biên phòng, ngư dân, chủ tàu báo về... Trung tâm sẽ nhận được các tín hiệu báo nạn. Sau khi nhận tín hiệu, Trung tâm sẽ tiến hành xác định tín hiệu thật hay giả. Với tàu gặp nạn, nếu thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định, trang bị đầy đủ trang thiết bị thông tin thì rất dễ để xác định vị trí. Với các trường hợp ngư dân trên biển, họ phát ra tín hiệu cứu nạn nhưng do phải đảm bảo bí mật ngư trường, bí mật tần số, tọa độ phát... nên công tác xác định gặp khó khăn hơn. Nhiều trường hợp người bị nạn kiên quyết kéo tàu về, cũng thêm áp lực cho đội ngũ cứu hộ. Việc tuyển chọn thủy thủ cho tàu vì thế cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn so với đi tàu biển thường. Khi có báo động, toàn bộ thủy thủ phải có mặt trong vòng 20 phút. Những người có công việc đi xa phải báo trước và sẽ có người thay thế.

Không quản hiểm nguy

Gắn bó với tàu SAR 441 từ những ngày đầu tiên, 6 năm qua với bao kỷ niệm cùng công tác cứu nạn trên biển, Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ: Do tính chất địa lý nên khu vực phía Bắc (khu vực 1) thường ít xảy ra các vụ việc so với khu vực 2 và 3. Mỗi năm trung bình có khoảng 3 - 4 vụ việc báo nạn thật. Cũng có nhiều trường hợp báo nạn giả, hoặc tàu chạy nửa đường thì có đơn vị, lực lượng khác cứu trợ kịp thời. Vì thế, những sự việc tầm lớn không có nhiều. Tuy nhiên, vụ việc nào cũng có những khó khăn, nguy hiểm của nó. Đã lên tàu đi cứu nạn là xác định sẽ đối diện nhiều khó khăn.

Ngay từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Dũng đã gắn bó với sóng gió biển khơi. Thời gian đầu, anh chỉ là thuyền viên đi theo các tàu hàng, công việc vất vả và luôn phải xa gia đình, song lại biết được thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Còn theo nghiệp cứu nạn, người thủy thủ không biết lúc nào sẽ được trở về. Kỷ niệm gần đây nhất của anh Dũng là lần tàu Hoàng Thịnh 08 mang số hiệu NĐ2222, có trọng tải hơn 2.000 tấn, tàu rời bến từ Trực Ninh (Nam Định) đi Vũng Đục (Quảng Ninh) để lấy hàng theo hợp đồng. Khi chạy đến khu vực biển cách đảo Long Châu khoảng 13 hải lý (vùng biển Cát Hải - Hải Phòng) thì bị đắm do sóng to gió lớn, lúc này trên tàu có 9 thuyền viên. Khi tàu đến, ngư dân đã cứu được 3 thuyền viên. Việc tìm kiếm người mất tích được triển khai nhanh chóng song do người mất tích bị kẹt trong tàu không ra được nên công tác cứu nạn thất bại.

Giữa sóng gió biển khơi, khi luôn phải đối diện với ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết, nếu không có thần kinh thép, một bản lĩnh vững vàng thì có lẽ ít ai theo được nghề. "Có những lần vớt được người gặp nạn, khi đưa nạn nhân về bờ, do thiếu phương tiện giữ gìn thi thể, chỉ có thể lấy bút dạ ghi lên ngực để phân biệt nạn nhân. Bởi thế không ai mong có tai nạn để cứu” – anh Dũng tâm sự.

Đặc biệt, từ tháng 9 đổ đi, càng về cuối năm, áp lực công việc càng lớn. Theo anh Dũng, đáng buồn là có tới 95% tai nạn trên biển thuộc về lỗi bất cẩn của con người, chỉ có 5% lỗi thiết bị. Người đi biển, do sự chủ quan thời tiết, coi thường công tác duy tu, bảo dưỡng tàu, trình độ thuyền viên không đáp ứng nên dễ xảy ra sự cố. Hiện nay, công tác dự đoán bão được thực hiện khá tốt, kêu gọi tàu thuyền tránh bão kịp thời nên không có nhiều trường hợp gặp nguy hiểm. Song, không thiếu những trường hợp chủ tàu bất chấp bão, chạy cố dẫn đến tai nạn. Trong năm 2011, tàu Hoàng Anh 268, xuất phát từ Đà Nẵng về cảng Hải Phòng, gặp siêu bão và cố vượt qua do tâm lý sẽ "chạy thoát” bão nhưng không kịp. Cũng may khi bão đổ về, nhiệt độ lạnh nên cường độ giảm, giúp tàu trụ qua vùng nguy hiểm.

"Sau bao năm lăn lộn với nghề, cũng thành quen. Niềm vui của chúng tôi đơn giản lắm, chỉ mong sau khi tàu rời bến, công việc sớm hoàn thành. Kết thúc một vụ việc là cảm thấy nhẹ nhàng, người dân được ứng cứu kịp thời hoặc được lực lượng khác cứu, trở về an toàn, giảm một phần thiệt hại về con người, tài sản vật chất” – anh Dũng mỉm cười tâm sự.

Nguyễn Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60361&menu=1437&style=1