Những người 'đón bão, đo mưa'

Đang vào mùa mưa bão, cũng là khoảng thời gian những người làm công tác thủy văn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Dù trong điều kiện thời tiết như thế nào, gió bão càn quét hay lũ lụt hoành hành thì họ vẫn phải hoạt động liên tục để có những số liệu chính xác phục vụ cho công tác dự báo khí tượng thủy văn, giúp người dân có kế hoạch chủ động phòng tránh thiên tai. Là những người 'đón bão, đo mưa' với hiểm nguy rình rập, nhưng vượt lên tất cả, trong họ tràn ngập lòng yêu nghề và sự hy sinh vì nghề...

 Anh Nguyễn Đình Nghị quan trắc thời tiết hải văn trên đảo Cồn Cỏ -Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Đình Nghị quan trắc thời tiết hải văn trên đảo Cồn Cỏ -Ảnh: NVCC

Trực 24/24 giờ trong mưa, bão

“Mực nước lúc 23 giờ ngày 17/10/2020 trên các sông Hiếu tại trạm Đông Hà là 5,16m, trên báo động 3 là 1,16 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 7,38 m, trên báo động 3 là 1,38 m... Các sông khác ở Quảng Trị lên mức báo động 3 và trên báo động 3”...

Những bản tin cảnh báo về tình hình mưa lũ trong ngày 17/10 (cũng như trước và sau đó) được phát đi liên tục. Để có những bản tin đó, đội ngũ cán bộ thủy văn trên địa bàn tỉnh phải hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Có mặt tại Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị vào thời điểm mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh mới thấy cường độ và áp lực công việc của cán bộ, nhân viên đài. Từ việc tổng hợp, phân tích số liệu đến việc đưa ra những bản tin cảnh báo, dự báo đều được cập nhật, xử lý kịp thời. Anh Cao Văn Thành, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, cho biết: Hơn 20 năm trong nghề khí tượng thủy văn, chúng tôi thấy đây là hiện tượng mưa lớn hiếm gặp trong chuỗi số liệu đo đạc từ trước đến nay ở Quảng Trị. Lượng mưa đo được trong những ngày qua tương đương với lượng mưa cả năm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là ở một số xã miền núi có lượng mưa đặc biệt lớn, lên đến 800 mm.

Thời điểm đó, trên những con sông, đồng nghiệp của anh Thành cũng đang nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc đo đạc, gửi số liệu về đài xử lý. Trạm Thủy văn Gia Vòng đóng ở thượng nguồn sông Bến Hải, trên địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Gia Vòng là trạm đo mực nước và đo lưu lượng nước, vừa phục vụ cho công tác cảnh báo thiên tai, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản để thiết kế các công trình xây dựng trên địa bàn.

 Anh Nguyễn Hồng Hãnh tính toán lượng nước chảy qua vị trí Trạm Thủy văn Gia Vòng trên hệ thống công trình cáp nôi -Ảnh: HH

Anh Nguyễn Hồng Hãnh tính toán lượng nước chảy qua vị trí Trạm Thủy văn Gia Vòng trên hệ thống công trình cáp nôi -Ảnh: HH

Những ngày mưa lũ vừa qua, anh Nguyễn Hồng Hãnh (sinh năm 1974), quan trắc viên của trạm gần như thức trắng. Bởi lẽ vào thời điểm này, cường suất lũ nhanh thì tốc độ làm việc của các quan trắc viên cũng phải liên tục. Cứ 30 phút, thậm chí 10 phút, các anh phải tiến hành đo đạc một lần. Trạm có 4 người, mỗi ca đo ít nhất 3 người, vì vậy các anh phải luân phiên nhau làm việc. Lũ thượng nguồn đổ về bao giờ cũng hung hãn vì độ dốc và tốc độ dòng chảy lớn. Anh Nguyễn Hồng Hãnh cho biết: Tại trạm Gia Vòng, số liệu đo đạc cho thấy mức lũ của năm 2020 tại lưu vực sông Bến Hải tuy nhỏ hơn mức lũ lịch sử năm 2005 nhưng mức độ nguy hiểm và sức tàn phá lớn hơn. Trong điều kiện thời tiết như vậy, chúng tôi phải xây dựng phương án đo đạc cụ thể, chi tiết để vừa đảm bảo công việc, vừa đề phòng rủi ro.

Cồn Cỏ là địa phương không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự mà còn giữ vị trí đặc biệt về khí tượng hải văn, khi đây được coi là “rốn bão”. Vì thế “đón bão” là nhiệm vụ thường xuyên, quen thuộc của mỗi quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ. Trước kia, việc quan trắc ở đây được thực hiện hoàn toàn thủ công; thông tin quan trắc được chuyển về bằng máy ecom, với những dãy số mã hóa khí tượng hải văn. Đến khi trên đảo có điện 24/24 giờ thì thông tin được truyền về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ bằng internet. Năm 2014, trạm được đầu tư Trạm Khí tượng tự động; năm 2016, trạm được đầu tư Trạm Hải văn tự động. Việc quan tâm đầu tư, hiện đại hóa khí tượng thủy văn đã giúp vơi bớt phần nào khó khăn cho những cán bộ quan trắc nơi đây. Theo anh Nguyễn Đình Nghị, Trưởng trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ, những ngày trời yên, biển lặng, các quan trắc viên trên đảo quan trắc 4 OBS/ngày, gồm cả 2 yếu tố: khí tượng và hải văn. Khi bão có nguy cơ ảnh hưởng thì phải trực 30 phút/lần cho đến khi bão tan.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 32 trạm khí tượng thủy văn, trong đó có 8 trạm truyền thống, còn lại là các trạm tự động được đầu tư xây dựng từ năm 2010. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 24 trạm đo mưa của các dự án. Tuy nhiên, các trạm tự động không thể thay thế hết công việc của con người. Trong những ngày bình thường, những quan trắc viên làm việc theo các OBS (quan trắc định kỳ) vào các thời điểm: 1giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ. Trong những ngày mưa, bão thì tần xuất làm việc dày đặc hơn, quan trắc 30 phút một lần. Với các trạm ở đồng bằng, việc quan trắc để đo mực nước được tiến hành bằng thuyền. Đo xong, quan trắc viên truyền số liệu trực tiếp về máy chủ. Đối với các trạm tự động thì máy tự đo đạc, tự truyền tin và máy chủ tự nhận tin. Người dự báo viên muốn có được bản tin dự báo thời tiết khác nhau thì phải có nhiều số liệu khác nhau từ trạm tự động và trạm truyền thống. Thời gian đo đạc tùy thuộc vào từng loại sông, ví như sông Cửa Việt thì 1 lần đo khoảng 35 phút; sông Hiếu 20 phút; sông Thạch Hãn 25 phút trong điều kiện thời tiết bình thường, nếu mưa bão thì việc đo đạc có thể lâu hơn, đòi hỏi các quan trắc viên phải có chuyên môn vững, thao tác nhanh.

Đối mặt với hiểm nguy

Chị Phan Thị Thu Thủy là quan trắc viên của Trạm Thủy văn Thạch Hãn. Bao nhiêu năm theo nghề, khó khăn vất vả đã từng nhưng chưa bao giờ chị nhận nhiệm vụ trong hoàn cảnh như trong đợt mưa lũ lần này. Mưa lớn khiến mực nước trên sông Thạch Hãn luôn ở mức báo động 3. Lũ dồn dập trong khoảng thời gian ngắn nên chị Thủy không kịp việc sắp xếp việc nhà. Hoàn cảnh của chị Thủy khá khó khăn, chồng bị bệnh tim, con nhỏ mới 1 tuổi, vẫn đang còn bú mẹ. Trong điều kiện đó, chị Thủy vẫn có thể xin đơn vị nghỉ để lo cho gia đình nhưng vì nhiệm vụ, chị đành gác lại những khó khăn của bản thân. Nước dâng lên chừng nào thì lòng chị như có lửa đốt chừng đó, vì chị biết với mực nước đó, khu phố nơi chị ở sẽ bị ngập sâu.

 Đo phục vụ phòng chống thiên tai tại Trạm Thủy văn Đông Hà -Ảnh: HH

Đo phục vụ phòng chống thiên tai tại Trạm Thủy văn Đông Hà -Ảnh: HH

Trở về nhà sau những ngày mưa ngớt, nhưng nước vẫn chưa rút hẳn, trước mắt chị là ngổn ngang bùn đất. Áo quần sách vở của con ướt sạch, thức ăn cho đứa nhỏ cũng không còn nên dù rất mệt mỏi, chị phải bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới khi tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp diễn. Gần 20 năm nay, chị Thủy đã gắn bó và chấp nhận những vất vả, hy sinh vì nghề, chỉ bởi một lý do: “Người dân cần mình là cần những lúc khó khăn như thế này. Nếu ai cũng đưa lý do để nghỉ thì làm sao có được những bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết kịp thời đến với người dân?”. Tuy xác định rõ như vậy nhưng nhiều khi đối diện với mưa to gió lớn, khi ở giữa mênh mông sông nước, chị Thủy và đồng nghiệp đều không tránh khỏi sự lo lắng. Không ai bảo ai, các anh chị đều nhắc nhau nên cẩn trọng hết sức trong công việc. Một kỷ niệm khiến chị nhớ mãi là vào đợt mưa lũ năm 2009, khi một mình làm nhiệm vụ quan trắc mực nước trên sông Thạch Hãn bằng cách đo ở hệ thống tuyến cọc, chị trượt chân trôi ra phía sông. Vì có mang áo phao và cột sẵn dây từ bờ nên chị níu được và bơi vào bờ, nhưng đến nay mỗi lần nhớ lại vẫn còn run . Nhắc đến những rủi ro trong nghề, anh Phan Hồng Tính, Trạm Thủy văn Thạch Hãn chia sẻ: Cứ mỗi lần mưa, lũ là gỗ trên thượng nguồn trôi về nhiều. Nếu không cẩn thận, thuyền sẽ bị cây cối va vào, vì thế chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ đo đạc, vừa đề phòng để xử lý tình huống. Có khi chúng tôi phải dầm mình trong dòng nước chảy xiết để gỡ cây cối vướng vào thuyền.

Với anh Nguyễn Hồng Hãnh, để bám trụ được với công việc này là một sự nỗ lực lớn. Hơn 20 năm trước, khi anh từ Hà Tây (nay là Hà Nội) vào nơi này nhận công tác, xã Linh Trường vẫn còn heo hút lắm. Ngày lại ngày chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô hồn, không ít lần anh muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, đây là nghề do chính mình lựa chọn để theo học nên dù khó khăn đến mấy, anh cũng tự khuyên mình không được bỏ cuộc. Giờ đây, khi đã gắn bó lâu dài và có một gia đình yên ấm tại đây thì công việc, với anh còn là niềm đam mê.

Do đặc thù làm việc ở phía thượng nguồn nên mỗi khi thực hiện việc quan trắc thủy văn, cán bộ Trạm Thủy văn Gia Vòng phải đu cáp treo ra giữa dòng sông rồi thả “cá sắt” (máy đo) mới có thể đo được lưu lượng nước. Một kỷ niệm khiến anh Hãnh nhớ mãi đó là vào cơn lũ năm 2005, khi đang làm nhiệm vụ giữa sông, phát hiện có hai công nhân thi công đường Hồ Chí Minh bị trôi giữa dòng nước, anh và đồng nghiệp đã cởi áo phao và thả dây để cứu sống họ.

Trong đất liền như vậy, công việc của quan trắc viên trên đảo còn khó khăn và nguy hiểm hơn. Nhắc đến bão là nghĩ đến hai từ trú ẩn nhưng với nhiệm vụ “đón bão”, những người như anh Nghị phải trực tiếp đương đầu với mưa, gió trên biển khơi. Anh Cao Văn Thành, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị cho biết: “Mỗi khi có bão, nhất là những cơn bão lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh yêu cầu các quan trắc viên phải lên bờ tránh trú bão, nhưng chúng tôi nhận thấy, đây là lúc bà con cần thông tin từ chúng tôi nhất. Bởi vậy, anh em quyết bám trạm để thực hiện đo đạc, điện báo đầy đủ về bão, giúp bà con giảm thiểu thiệt hại”. Anh Thành vẫn còn nhớ như in dòng tin nhắn mà quan trắc viên Trần Hoàng, Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ gửi về cho mẹ sau khi cơn bão Wutif (2013) đi qua đảo: “Mẹ ơi, con sống rồi!”.

Dự báo thời tiết trong những ngày tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khi liên tiếp bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông. Những người làm công tác thủy văn luôn trong tâm thế sẵn sàng đương đầu với gió mưa, với nguy hiểm để đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác, góp phần hạn chế phần nào những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân.

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=152669