Những người 'con rể Hà Nhì' và hành trình giữ bình yên cực Tây Tổ quốc

Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha, anh đi trước, những thế hệ công an nhân dân bám bản, bám làng như Trung tá Lý Xú Tư, Thiếu tá Bùi Quang Khải đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để giữ bình yên cho cực Tây Tổ quốc.

Những năm qua, với chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời xử lý nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.

Trong những ngày cuối năm Quý Mão, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng biên tỉnh Điện Biên để ghi nhận hiệu quả từ quyết sách đúng đắn này.

Một ngày cuối tháng 11, sau hành trình kéo dài, sau cùng, Thiếu tá Bùi Quang Khải cũng đặt chân được tới Sín Thầu. Vốn là giảng viên trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1, anh đã tình nguyện viết đơn xung phong tăng cường về công tác tại công an xã biên giới, trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự theo kế hoạch của Bộ Công an.

Đón anh, Trưởng Công an xã Lý Xú Tư, người đàn ông đã gắn cả nửa đời với các bản làng Hà Nhì cực Tây ôm chầm lấy người đồng chí, bảo: Sẽ khó khăn đó, nhưng chúng ta sẽ cùng cố gắng.

Tiếp nối truyền thống Ban Công an xã anh hùng của cha, anh đi trước, những lớp người như Trung tá Lý Xú Tư, Thiếu tá Bùi Quang Khải đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để giữ bình yên cho cực Tây Tổ quốc.

NHỮNG NGƯỜI... CON RỂ ĐẤT HÀ NHÌ

Trung tá Lý Xú Tư người Hà Nhì sinh ra ở Mường Tè trong một gia đình có truyền thống ngành công an. Học hết phổ thông, anh viết đơn xin đi nghĩa vụ. Chỉ 2 năm sau, Lý Xú Tư được kết nạp Đảng, được đặc cách vào biên chế Công an tỉnh Điện Biên. Năm 2002, khi huyện Mường Tè phân tách, Xú Tư về công tác tại Công an huyện Mường Nhé, phụ trách địa bàn các xã sâu và xa nhất khu vực cực Tây.

Ngày đó, để vào được những Chung Chải, Sen Thượng, Sín Thầu… đòi hỏi thể lực và ý chí ghê gớm khi đây là khu vực duy nhất chưa có đường ô-tô chạy buộc người đi phải cuốc bộ cật lực cả ngày.

Xú Tư không lạ việc leo đồi, cũng quá quen với cuốc bộ dài ngày nhưng anh vẫn phải thốt lên một từ: Cực khi nhớ lại những tháng ngày cũ. Theo nhiệm vụ, cứ khoảng 2 tuần, Xú Tư sẽ cùng 1 đồng đội khoác ba-lô, gói cơm nắm, cõng nước để vào nắm tình hình các bản. Không chuyến đi nào cố định. Có lúc 4-5 giờ sáng đã lên đường, tối 10 giờ mới tới nơi.

Trung tá Lý Xú Tư đã từng có nhiều năm bám bản, bám làng trước khi về phụ trách Công an xã Sín Thầu.

Cực nhất là những chuyến đi dài ngày như từ Chà Cang với tới Sín Thầu. Quãng đường dài hàng chục cây số “ngốn” của Lý Xú Tư 4 ngày đường. Cơm nắm không thể để lâu ngày, Tư đem lương khô, gạo bên mình rồi phăm phăm vượt dốc, len rừng về phía trước. Đêm đến, dưới ánh sáng loang loáng của chiếc đèn pin, may mắn thì tìm gặp được nhà dân, còn không thì nhóm công an phụ trách xã lại trải ni-lông, đốt lửa ngủ lại giữa rừng.

Lý Xú Tư không sợ đường xa, muỗi, vắt. Nhưng anh lại rất sợ mưa. Mưa khiến đoạn đường đi trở nên lầy lội. Mưa biến những con suối hiền lành trở nên hung dữ. Chỉ trong một chốc, nước có thể cuồn cuộn dâng. Gặp đoạn cạn, còn có thể lấy áo mưa bọc kín ba-lô thành… phao rồi bơi qua. Lo nhất là rơi vào cảnh bị… kẹp giữa, “bên này có lũ, bên kia cũng có lũ nên mình cứ phải ở đấy chờ mà chẳng biết đi đâu”.

Đi đã khổ, ăn uống cũng lắm chuyện hay. Trong những chuyến dài ngày, các chiến sĩ công an phụ trách xã bấy giờ phải mang gạo. Gặp bữa ông trời “đổ nước”, cánh lính tráng ướt sũng, bụng lép kẹp cố tìm lán đi nương dân dựng rồi mới có thể nhóm lửa nấu. Muối mỏ là gia vị, cũng là thức ăn duy nhất chỉ vì… dễ đem theo.

Trung tá Lý Xú Tư cùng đi tuần tra tại bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu.

Hơn 20 năm sau, khi đã trở thành Trưởng Công an xã Sín Thầu, Lý Xú Tư người Hà Nhì vẫn nhớ rõ mùi cơm mới bốc lên dưới tán rừng, quyện với mùi cỏ cây trong vắt sau mưa, thơm và ngon “tới trào nước bọt”.

“Ngày ấy, chúng tôi xung phong vào các bản xa, cấp trên cứ giao là sẽ tiến. Không ai phàn nàn gì cả”, Lý Xú Tư hiền lành kể.

Chính những chuyến đi đó đã giúp Lý Xú Tư hiểu hơn về tâm tư đồng bào các xã tại Mường Nhé, biết thêm về cách xử trí từng tình huống cụ thể, điều giúp ích anh rất nhiều khi trở thành Trưởng công an xã về sau.

Đặc biệt hơn, cũng từ đây, Tư gặp lại Xào Sò Nu, cô bạn chung trường ngày phổ thông. Sò Nu-bản Tả Kố Khừ đã giữ chân anh lại với cực Tây Tổ quốc. Hai người nên duyên, sinh con đẻ cái, còn Lý Xú Tư về sau trở thành Trưởng công an xã này.

Người con rể “Hà Nhì” cười tươi rói kể, hai vợ chồng anh đã dành hẳn 10 năm để đi học đại học. Chồng “theo con chữ” thì vợ ở nhà trông con và ngược lại. Và rằng, hiện tại, gia đình trở thành chỗ dựa vững chắc cho anh vững tin trong hành trình giữa yên bình cho ngã ba biên giới.

Công việc của một trưởng công an xã miền biên viễn rất đặc thù… như có con mọn. Ngoài việc giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tuần tra phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép… còn phải hòa giải tất cả những mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ giữa người dân với nhau.

“Mất quả trứng, con gà, vợ chồng cãi nhau… họ cũng tìm tới công an xã. Làm ở xã xác định cũng không có ngày nghỉ, thời gian. Bất cứ lúc nào người dân cần chúng tôi đều có mặt”, Lý Xú Tư cười rộ.

Để làm tốt công việc, cả đội quyết định sẽ phải khoác ba-lô xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tham dự tất cả những buổi họp tổ, họp bản, những lễ hội, thậm chí cả những đám giỗ, hiếu hỷ để nắm bắt tâm tư tư tình cảm của từng người.

Trung tá Đặng Đình Hoan hướng dẫn người dân tại Sín Thầu cài phần mềm VNEID.

Tương tự là trường hợp của Trung tá Đặng Đình Hoan. Vốn quê ở Nghệ An, năm 2022, anh vào Sín Thầu nhận chức Phó Trưởng Công an xã với tâm niệm “sẵn sàng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó”. Cũng trên bản xa, anh gặp được hạnh phúc của đời mình, Pờ Sẹo Bợ. Tết này, Trung tá Hoan sẽ ở lại Tả Kố Khừ trực, đồng thời chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để trở thành “người con rể Hà Nhì” nơi đây.

Anh cười sáng khoái bảo: Giờ, Sín Thầu, Mường Nhé đã là nhà anh rồi. Bà con là thân nhân, mỗi tấc đất cũng hóa thành máu thịt. Bởi vậy, mong ước lớn nhất của anh cũng như đồng đội là muốn góp sức mình để bảo vệ bình yên cho thôn, bản.

THẦY GIÁO... CÔNG AN XÃ VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

Dù không phải là “con rể” đất Hà Nhì, nhưng câu chuyện của Thiếu tá Bùi Quang Khải cũng rất đặc biệt. Tháng 11/2023, thực hiện chủ trương của Bộ Công an về điều động cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc bộ về tăng cường tại Công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, Thiếu tá Bùi Quang Khải, Giảng viên trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 đã hăng hái tình nguyện viết đơn xin được đi tăng cường.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá Bùi Quang Khải cho biết: Động lực chính của anh là mong muốn trang bị kiến thức từ cơ sở, từ đó, khi trở về công tác giảng dạy tại nhà trường sẽ giúp sinh viên công an nhân dân có thêm những bài học thực tiễn. Bên cạnh đó, anh cũng rất muốn được đóng góp sức mình để chung tay bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội tại những xã, bản xa xôi.

Trung tá Lý Xú Tư và Thiếu tá Bùi Quang Khải cõng một người dân bị thương ở chân khi đi rừng xuống con dốc xuống bản Tả Kố Khừ.

“Là người chiến sĩ công an nhân dân, chúng tôi luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đến. May mắn là gia đình cũng thông cảm với quyết định của tôi”, Thiếu tá Bùi Quang Khải kể.

Cuối tháng 11 cùng năm, Thiếu tá Khải “chạm đất” cực Tây khi “mừng và lo lẫn lộn”. Anh xem đây là nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng cũng đầy thử thách, cần liên tục học hỏi, làm quen địa bàn. Công tác Công an ở cơ sở bao gồm nhiều mảng công việc, như xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Cái khó của người cán bộ khi xuống công tác tại cơ sở là phải tiếp cận, hiểu biết và nắm bắt được tất cả những công việc đó. Đồng thời, trong quá trình công tác, luôn luôn phải bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo của Công an cấp trên cũng như của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và sự giúp sức tận tình của nhân dân sinh sống trên địa bàn.

Thiếu tá Bùi Quang Khải hỗ trợ đồng bào dân tộc người Hà Nhì làm các thủ tục hành chính tại trụ sở Công an xã Sín Thầu.

Xác định được mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn là vấn đề then chốt để giữ bình yên cho người an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong quá trình công tác Thiếu tá Khải vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí đồng đội đi trước. Ngoài giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân tại trụ sở, anh dành nhiều thời gian xuống địa bàn để nắm người, nắm hộ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó chủ động tham mưu cho Chỉ huy Công an xã các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ cơ sở... cũng như phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho nhân dân…

Trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự anh đã tham mưu Chỉ huy Công an xã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, đồng thời bám sát thực tiễn địa bàn công tác, quản lý đối tượng, nắm chắc tình hình… kịp thời xử lý không để tình hình bị động, bất ngờ.

Đáng nhớ nhất là trường hợp vừa mới xảy ra vào ngày 4/12/2023. Chiều hôm đó, khi đang làm nhiệm vụ, Thiếu tá Khải nhận được thông tin về trường hợp một người dân 80 tuổi ở bản A Pa Chải không may gặp tai nạn, bị vỡ ổ bụng và chảy rất nhiều máu.

“Do tuổi cao, lại có tiền sử bệnh nên nạn nhân rất nguy cấp. Người nhà bác luống cuống không biết xử trí ra sao. Lúc này, tôi đang làm nhiệm vụ trực ban nên đã xin ý kiến chỉ huy để lấy xe ô-tô của Công an xã Sín Thầu đưa người gặp nạn ra ngoài huyện cấp cứu”, anh nhớ lại.

Suốt chặng đường dài hơn 50km đường đèo dốc ra tới bệnh viện, Thiếu tá Khải lòng như lửa đốt. Chỉ tới khi các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, xử trí an toàn, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Thiếu tá Khải bảo anh nhận được “món quà giá trị nhất” vào một vài ngày sau khi người gặp nạn trở về bình an đã lên tận trụ sở Công an xã bày tỏ sự xúc động và gửi lời cám ơn.

Thiếu tá Bùi Quang Khải hỗ trợ đưa người dân gặp nạn đi cấp cứu.

Đêm dần xuống, trời trở nên rét buốt. Sương từ đỉnh Khoang La San ùn ùn đẩy nhau tràn xuống bản. Khải lúc này mới tắt máy tính, gấp sổ công tác để về căn phòng nghỉ được bố trí ngay dãy nhà ủy ban. Lúc này, anh mới mở máy và gọi về gia đình.

Trong câu chuyện chập chờn, anh kể cho mẹ nghe về một ngày của mình, về tuyến đường lên bản đã lầy lội ra sao sau trận mưa rả rích ban chiều. Anh cũng dặn, Tết này, con đã xung phong ở lại bản để trực Tết, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Mẹ ở nhà cứ yên tâm nhé”.

Bên ngoài, tiếng lá cờ đỏ trước khoảng sân Ủy ban xã phần phật bay. Ngày mai, các anh sẽ lại vào bản, bám dân để bảo vệ bình yên phía Tây Tổ quốc…

Với những thành tích đã đạt được, trong 2 năm liên tiếp 2022-2023, Công an xã Sín Thầu đã nhận được danh hiệu đơn vị Quyết thắng. Đánh giá về vai trò của lực lượng công an xã chính quy, đồng chí Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu khẳng định: Từ khi chính thức thành lập, lực lượng công an xã đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh trật tự phù hợp tính chất, đặc điểm địa bàn, trong đó đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, lực lượng công an xã còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa tích cực.

“Sau khi công an chính quy về xã, mọi tình huống đều được xử lý nhanh và chuyên nghiệp hóa hơn. An ninh biên giới, an ninh nông thôn đều được bảo đảm”, Chủ tịch xã Sín Thầu nhấn mạnh.

(Kỳ tiếp theo: Đồng lòng dưới chân đỉnh Khoang La San)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-con-re-ha-nhi-va-hanh-trinh-giu-binh-yen-cuc-tay-to-quoc-post795220.html