Những người con hiếu thảo

Trong cuộc sống thường ngày ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện không ít tấm gương người con hiếu thảo ngày đêm chăm lo cho cha mẹ, nhất là khi trái gió trở trời. Nhân mùa Vu lan 2017, họ càng xứng đáng được xã hội tôn vinh…

Anh Nguyễn Minh Kha (26 tuổi, ngụ số nhà 76, đường Nguyễn Thời Trung, phường 6, quận 5) luôn tận dụng thời gian rảnh để cắt tóc, tỉa râu, gội đầu, cắt móng chân, móng tay cho cha mình là người thương binh già Nguyễn Long Vân Nam. Ông Nam là thương binh hạng ¼, bị mù hai mắt, tai phải thủng nhĩ, nên ngoài chăm sóc ông, anh Kha còn phải nói chuyện hay hát rõ to để cha có thể nghe rõ, kể hay đọc báo thật to để ông nắm được tình hình thời sự, từ đó giảm đi nỗi buồn không thấy đường, không nghe rõ. Từ khi mẹ mất, anh đã dành hết tâm sức nuôi cha, nuôi các em, gánh vác gia đình. Không còn mẹ, cho nên Vu lan năm nay anh Kha mang hoa hồng trắng.

Nữ thương binh hạng 4/4 Nguyễn Thị Sâm bị liệt cả hai chân không di chuyển được. Thương mẹ, người con trai bà là anh Tôn Hòa Thuận (57 tuổi, ngụ số nhà 92B2, đường Hùng Vương, phường 9, quận 5) đã đảm nhận tất cả những phần việc chỉ dành cho phụ nữ. Quan sát một buổi chăm mẹ của anh, chúng tôi hết sức cảm phục người đàn ông sắp đi hết cuộc đời mà vẫn còn “bé bỏng” trong vòng tay mẹ. Từ việc tắm rửa, vệ sinh, đút ăn, chải đầu..., cho mẹ, tất cả đều do anh Thuận đảm đương. "Tôi muốn tự mình chăm mẹ đến trăm tuổi và mong được mang hoa hồng đỏ trong mỗi mùa Vu lan càng lâu càng tốt", anh nói.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Thành (50 tuổi, ngụ số nhà 46, đường 7B, khu phố 5, phường An Lạc A, quận Bình Tân) là con dâu bà Trương Thị Ngọc Anh, thương binh hạng ¼, tỷ lệ thương tật 91%, mắc bệnh ung thư và bị tai biến, không đi lại được. Hằng ngày, bà Thành tận tình chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột mình. Những đêm trái gió trở trời, nhiều người thấy cô con dâu hiếu thảo đắp chăn, thoa dầu, xoa bóp chân tay cho mẹ.

Một điển hình khác là chị Lê Thị Ngọc Trinh (36 tuổi, hiện ở tổ 7, khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) là con dâu út của ông Nguyễn Văn Bén, thương binh nặng, hỏng hai mắt, trong đầu còn mảnh đạn, bị liệt nằm một chỗ. Ngoài công việc nội trợ và chăm lo cho hai con còn nhỏ, chị không ngại khó khăn chăm sóc chu đáo cho cha chồng.

Đó còn là bà Phạm Thị Mai (59 tuổi, ngụ ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) luôn chăm từng miếng ăn, giấc ngủ và thậm chí còn ca cải lương cho mẹ chồng nghe để xoa dịu cơn đau của bà. Người dân ấp Bàu Trăn mừng cho thương binh hạng ¾ Lâm Thị Phưa (bị gãy xương đùi phải, hen suyễn mãn tính, không tự di chuyển được và bị lẫn) vì có người con dâu đẹp nết.

Còn nhiều và rất nhiều tấm lòng thơm thảo như thế đáng được ngưỡng mộ và học tập.

Theo giới tu học Phật giáo, biết ơn nguồn cội chính là thắp lên ý thức về giống nòi của mình để bảo tồn. Bảo tồn nòi giống và văn hóa của nòi giống đó đã làm nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ mấy nghìn năm qua. Đó chính là Đạo Hiếu từ quan niệm của người Việt.

Thương kính cha mẹ và lòng thương kính đó đủ lớn để hy sinh và phụng sự cha mẹ thì người đó được gọi là người “có lòng hiếu” với cha mẹ. Nhưng để con cái thương yêu được cha mẹ thì cần phải giáo dục. Mỗi mùa Vu lan, nhiều người thường nhắc đến chữ Hiếu như cách dạy lại cho thế hệ sau về lối sống đẹp đã có từ bao đời nay của ông cha.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33999502-nhung-nguoi-con-hieu-thao.html