Những 'ngọn lửa' sưởi ấm lòng dân

Hành trình của chúng tôi trở lại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nơi cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337) đóng quân để 'ba bám, bốn cùng' với người dân nơi biên ải miền Tây Quảng Trị lần này tâm trạng ai cũng trĩu nặng bởi những mất mát quá lớn của đơn vị cũng như đồng bào nơi đây. Những chuyến công tác trước, muốn gặp cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 chúng tôi phải về các bản. Lần trở lại này, ai cũng đinh ninh các anh đang quần quật với đống bùn đá ngổn ngang như đại công trường sau trận sạt lở kinh hoàng, ấy vậy mà cả khu doanh trại cũ lẫn nơi ở mới của đơn vị mới đều vắng lặng. Hỏi ra mới hay, khi nghe tin người dân các xã trong vùng dự án Khu Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh, nhất là xã Hướng Việt đang gặp muôn vàn khó khăn sau lũ, tạm gác lại nỗi đau, gác lại biết bao bộn công việc của đơn vị, việc cá nhân, các anh lại lên đường.

 Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hướng Việt, Hướng Hóa - Ảnh: M.H

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hướng Việt, Hướng Hóa - Ảnh: M.H

Con đường độc đạo dẫn chúng tôi đến với xã Hướng Việt ngày thường đã khó nay lại ngổn ngang hơn bởi những điểm sạt lở, nền đường cấp phối chi chít những “ổ voi” do ngâm nước lũ lâu ngày. Ánh nắng đã le lói nơi xã biên giới này nhưng cảnh tượng hoang tàn nơi đây với hàng loạt công trình hạ tầng đổ nát, hư hỏng, bùn đá, rác thải khắp nơi khiến ai cũng giật mình. Gặp chúng tôi, ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Mưa như trút nước mấy ngày liền, đến chiều tối ngày 17/10, những tiếng rầm rầm từ dãy núi Ka Lóc nằm phía sau thôn Xa Đưng, kéo theo một lượng bùn, đất đá, rác, cây cối khổng lồ ập xuống, nhấn chìm, cô lập hoàn toàn xã. 1 công an xã hy sinh, 3 người dân mất tích, 2 cán bộ là anh Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã và Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã bị thương khi đi cứu dân. Trận lũ khiến xã chúng tôi như thụt lùi mấy chục năm, trở lại thời kỳ “6 không”, không điện, đường, nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ”.

Theo ông Vọng thì thiệt hại sau lũ là quá sức với xã nên chính quyền thực sự chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Lực lượng tại chỗ của xã quá mỏng, chỉ riêng việc dọn dẹp bùn đất các công sở làm việc, trường học, trạm y tế, nhà, vườn của người dân đã là một khối lượng công việc khổng lồ. “Là địa bàn thuộc vùng dự án Đoàn 337 quản lý nhưng đơn vị vừa trải qua mất mát đau thương, thiệt hại quá lớn nên chúng tôi không nỡ thông báo với các anh. Nhưng rất cảm động là vừa nghe tin, các anh đã tình nguyện hành quân lên với địa phương. Đến nơi, các anh bắt tay ngay vào việc cấp phát hỗ trợ lương thực, thực phẩm, dọn dẹp trường học, trụ sở UBND xã để học sinh sớm đi học trở lại, cán bộ xã có nơi làm việc. Cùng với đó, bệnh xá của đơn vị tổ chức ngay công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí vì sau lũ người dân đối mặt với rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm do ô nhiễm môi trường”, ông Vọng chia sẻ.

Vác trên vai bao gạo 10 kg cùng dầu ăn, nước mắm, bột giặt và nhiều nhu yếu phẩm vừa nhận, anh Hồ Bin ở thôn Chai nói trong rơm rớm nước mắt: “Mưa lũ năm nào bộ đội “ba ba bảy” cũng cứu đói, cứu rét. Năm nay, 22 đồng đội vừa hy sinh, doanh trại thành đống đổ nát vậy mà các anh vẫn lên với bà con miềng. Không nhận cứu trợ thì vợ đói, con đói mà nhận thì thương các anh quá. Cái ơn này của bộ đội với bà con miềng nó cao quá, lớn quá rồi”. Thượng tá Nguyễn Thái Tiến, Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 337 cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ đơn vị hành quân lên Hướng Việt giúp bà con trong lúc chính mình cũng chưa ổn định được nơi làm việc, sinh hoạt, gia đình nhiều người bị thiệt hại nặng do các đợt mưa lũ nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng, là mong muốn với sự chia sẻ, hỗ trợ này, bà con sẽ vơi bớt thiếu thốn, sớm ổn định cuộc sống. Khó khăn nhất hiện nay là lượng bùn non, đất đá, rác thải rất lớn, có nơi ngập quá đầu gối. Trước mắt, chúng tôi cùng lực lượng tại chỗ của địa phương, của các đơn vị tăng cường dồn lực kéo bùn tại các trường học, trạm y tế. Các anh thấy đấy, lớp bùn non dày cả mét vẫn còn ướt nhão, kéo bên này xong bên kia lại tràn sang nhưng quyết tâm của đơn vị là trong hai tuần sẽ trả lại môi trường sạch để giáo viên có nơi nghỉ ngơi, dạy học, học sinh được đến lớp và người dân có nơi khám, chữa bệnh. Sau khi hoàn thành công việc này, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn và có hoàn cảnh khó khăn, các cơ quan bị thiệt hại nặng”.

Tại Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, nơi có 14 phòng học và nhiều phòng chức năng với gần 300 học sinh, toàn bộ khuôn viên vẫn đang ngập trong bùn non hơn nửa mét. Thầy giáo Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn bộ bàn ghế, máy tính, sách vở, dụng cụ dạy học của thầy và trò đều bị ướt và hư hỏng, học sinh chưa thể đi học trở lại. May mắn có các anh bộ đội Đoàn 337 nhiệt tình và trách nhiệm, chẳng ngại khó khăn giúp nhà trường khắc phục hậu quả. Nhờ đó mà học sinh có thể trở lại trường học trong vài ngày tới. Chúng tôi chưa kịp chia sẻ đau thương, mất mát với các anh thì các anh đã kịp thời có mặt giúp dân, tình cảm này rất đáng trân trọng”.

Màn đêm dần buông, cán bộ, chiến sĩ “ba ba bảy” vẫn chưa dừng tay kéo bùn bởi lo ngại những cơn mưa đổ xuống sẽ làm khó khăn hơn nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Những nỗ lực của các anh được cấp ủy, chính quyền và bà con Vân Kiều nơi thượng nguồn dòng Sê Băng Hiêng trân trọng và ghi nhớ. Trong khó khăn, gian khổ, những “ngọn lửa” được thắp sắng bởi những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” nơi biên cương lại tiếp bước đồng đội sưởi ấm lòng dân.

Mạnh Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153164