Những ngôi nhà chênh vênh bên miệng 'hà bá'

(Zing) - Sau thời gian được hỗ trợ tiền thuê nơi ở mới, gần chục hộ dân sống bên bờ sông sạt lở đang quay về sinh sống trên những ngôi nhà cũ của mình bên cửa miệng “hà bá”.

Cầu xây dở dang, cả làng sống trong sạt lở

Gần 1 năm trước, sau đợt mưa lũ tháng 10/2011, hơn chục hộ dân thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bàng hoàng phát hiện một phần ngôi nhà của mình bị dòng nước lũ “ngoạm” xuống sông Túy Loan.

Theo người dân ở đây, nguyên nhân là do công trình cầu Túy Loan khởi công xây dựng trước đó đã làm thay đổi dòng chảy.

11 hộ dân sống trong vùng sạt lở bên dòng sông Túy Loan

Cầu Túy Loan sau gần 1 năm khởi công xây dựng đến nay vẫn còn dở dang, nên không ít người dân các thôn Phú Hòa 1, 2 muốn đi chợ Túy Loan, hay qua trung tâm hành chính huyện Hòa Vang ngại đi đường vòng khoảng 2km, vẫn lụy đò sang sông trên những chiếc thuyền thô sơ nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng bị sạt lở, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản về việc hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở tạm đối với 10 hộ nằm trong vùng sạt lở do đợt lũ ngày 16- 19/10/2011 tại thôn Túy Loan Đông 1 và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), với số tiền 1,2 triệu đồng/hộ/tháng trong thời gian 6 tháng.

Cầu Túy Loan khởi công xây dựng tháng 8/2011, nhưng đến nay vẫn còn dở dang

Tuy nhiên, mấy tháng nay hơn chục hộ dân sau khi hết số tiền thuê nhà mà UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ đã kéo nhau trở về sinh sống tạm trong những căn nhà cũ của mình đang bị sạt lở nằm cheo leo bên cửa miệng “hà bá” và đang chờ bố trí tái định cư.

Ngay bên mố cầu Túy Loan, căn nhà của gia đình ông Đặng Tuấn (SN 1945, thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong) bị sạt lở mất một nửa chơ vơ bên bờ vực lở.

Căn nhà của gia đình ông Đặng Tuấn đã bị nước sông Túy Loan “ngoạm” mất ½ căn nhà

Ông Đặng Tuấn cho biết: “Từ đời ông nội chúng tôi ở đây đến nay gần trăm năm, đợt lũ lịch sử năm 1999 nhà bị ngập hơn 2m vẫn không có chuyện gì. Nhưng năm vừa rồi, khi làm cầu Túy Loan đơn vị thi công đổ cả ngàn mét khối đất xuống mố cầu phía chợ Túy Loan cũ đã làm thay đổi dòng chảy, đợt mưa lũ tháng 10/2011 nước lên nhà chưa đầy nửa mét nhưng chảy rất xoáy, gây sạt lở đất bờ sông và làm trốc móng nhà khiến ½ căn nhà sau của gia đình tôi rơi xuống sông...”.

Cách đây khoảng 1 tháng chính quyền có lên kiểm định và nghe nói sẽ bố trí tái định cư, trong đó có hộ ông Tuấn nhưng chưa đưa ra mức hỗ trợ đền bù di dời và bố trí đất nơi ở mới.

Ngóng chờ nơi ở mới

Căn nhà của gia đình ông Đặng Cần (SN 1946) cũng nằm trên vùng sạt lở. Vừa qua, ngành chức năng lên kiểm định, ông có đề nghị hỗ trợ thêm, bởi vì "đợt đầu họ nói hỗ trợ di dời mỗi hộ 21 triệu đồng quá thấp nên người dân không đồng tình".

Cách đây khoảng 1 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc UBND huyện và UBND xã cho biết chủ trương của thành phố đối với 11 hộ dân trong vùng sạt lở ở đây nguy hiểm nên phải di dời và sẽ bố trí đất tái định cư.

Căn nhà phía sau của gia đình ông Đặng Cần đang “nghiêng mình” xuống sông Túy Loan trong mùa nước cạn

“Sáng ngày 14/6, tôi vừa nhận được giấy xuống Ban giải tỏa đền bù của xã nhận thêm 6 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà tiếp. Hiện chúng tôi vẫn đang ngóng chờ được bố trí đất tái định cư và mức giá hỗ trợ đền bù mới”- ông Đặng Cần phân trần.

Ông Huỳnh Năm (SN 1958) cũng đang quay về ở lại ngôi nhà cũ cho biết: “Do cây cầu gây sạt lở đất đai nhà cửa nên ở đây rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi quay về ở tạm một thời gian. Chúng tôi là dân nghèo, tiền bạc bao năm tích cóp dành dụm mới xây được ngôi nhà ở nơi ở cũ này, trong khi khu đất chúng tôi sẽ được bố trí tái định cư là khu đất mới đang được đổ đất san lấp mặt bằng. Nếu làm cho được cái móng nhà sâu 4- 5m cho vững trước khi xây lên cái nhà cấp 4 cũng phải gần cả trăm triệu đồng rồi… Chúng tôi rất mong sớm được bố trí đất tái định cư và hỗ trợ đền bù để làm cho được cái nhà tương đối ở nơi ở mới”.

Cận cảnh móng những ngôi nhà đang chênh vênh bên bờ vực sông Túy Loan

Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong- ông Trần Văn Hóa nói, chính quyền xã đã họp dân bàn hỗ trợ di dời khỏi vùng sạt lở. Tuy nhiên, người dân không đồng ý vì số tiền hỗ trợ quá ít. Ngày 26/5, xã, huyện họp dân lần nữa nhằm tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới. Theo đó, người dân đã thống nhất di dời với điều kiện nhà nước hỗ trợ phần kiến trúc, hỗ trợ 21 triệu đồng/hộ và hỗ trợ đất di dời.

Ông Lê Trung Thịnh, cán bộ Phòng Kế hoạch Giao thông – Thủy lợi phụ trách Nông nghiệp UBND xã Hòa Phong, khẳng định: “Hiện, mặt bằng đang xây dựng chưa xong và UBND huyện đang cố gắng hoàn thành sớm để bố trí tái định cư cho dân. 6 tháng đầu, thành phố đã hỗ trợ 10 hộ tiền thuê nhà ở tạm với số tiền 1,2 triệu đồng/hộ/tháng (1 hộ đã có nơi ở tạm ổn định nên không hỗ trợ tiền thuê nhà), thành phố cũng đã hỗ trợ tiền ăn Tết cho các hộ dân này”.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có chủ trương giao UBND huyện Hòa Vang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thi công Khu tái định cư các hộ dan bị sạt lở sông Túy Loan để bố trí đất tái định cư thực tế cho các hộ, hoàn thành trước tháng 9/2012.

An Kỳ

Theo Infonet

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/nhung-ngoi-nha-chenh-venh-ben-mieng-ha-ba/a255878.html