Những nghi vấn quanh vụ tai nạn máy bay F-35B của Mỹ

Vụ tai nạn máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm F-35B ở Nam Carolina chiều 17-9 vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân khiến phi công phải nhảy dù và làm thế nào chiếc tiêm kích trị giá 100 triệu USD này có thể tiếp tục bay không có người lái trong quãng đường 60 dặm (100km) trước khi rơi.

“Buộc phải nhảy dù”?

Theo Hãng tin AP, một sĩ quan Thủy quân lục chiến (không tiết lộ danh tính) cho biết ngày 17-9, khi phi công Thủy quân lục chiến Mỹ vận hành chiếc F-35B thì phát hiện sự cố và “buộc phải nhảy dù”. Lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 1.000 feet (300 mét) và chỉ cách Sân bay Quốc tế Charleston khoảng 2km về phía Bắc. Phi công đã nhảy dù xuống sân sau của một khu dân cư.

Biến thể F-35B của lực lượng thủy quân lục chiến khác với các phiên bản của Không quân và Hải quân, có thể cất cánh và hạ cánh giống như máy bay trực thăng. Điểm khác ở chỗ, đây là biến thể duy nhất trong ba biến thể có chức năng tự động đẩy ghế phóng, theo nhà sản xuất ghế phóng dù Martin-Baker. Vì thế, một câu hỏi được đặt ra là liệu nguyên nhân trục trặc có phải do ghế ngồi hay không?

 Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liên quan vụ tai nạn máy bay F-35B của Mỹ . Ảnh:Tiêm kích F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ. (US Marine Corps )

Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liên quan vụ tai nạn máy bay F-35B của Mỹ . Ảnh:Tiêm kích F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ. (US Marine Corps )

Cựu chỉ huy thủy quân lục chiến và là nhà nghiên cứu chính sách quốc phòng cấp cao của Dự án Giám sát Chính phủ, ông Dan Grazier cho biết trên các phiên bản của Không quân và Hải quân, việc ấn nút phóng ghế khẩn cấp “do phi công quyết định”. Nhưng tính năng tự động phóng ghế của phiên bản F-35B trang bị cho lực lượng Thủy quân lục chiến là nhằm bảo vệ phi công tốt hơn trong trường hợp máy bay gặp sự cố khi ở chế độ bay lơ lửng (hover mode). “Có thể chức năng đó đã được kích hoạt vì lý do nào đó và tự động phóng ghế phi công. Có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp”, Dan Grazier nhận định.

Tháng 12-2022, một chiếc F-35B chưa được bàn giao cho lực lượng thủy quân lục chiến đã bị rơi tại Căn cứ Dự bị liên hợp của Trạm Không quân hải quân Fort Worth bang Texas, Hoa Kỳ. Chiếc máy bay đã ở chế độ bay lơ lửng phía trên sân bay và rơi xuống, chạm đường băng và nảy lên trước khi ghế phi công bị phóng lên. Trước đó, tháng 7-2022, F-35 đã bị tạm đình chỉ bay do các lo ngại về ghế phóng.

Máy bay vẫn bay dù không có người lái?

AP cho biết thêm, F-35 Lightning do hãng Lockheed Martin sản xuất là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ với hơn 972 chiếc được chế tạo. Tập đoàn này có kế hoạch sản xuất hơn 3.500 chiếc trên quy mô toàn cầu. Bộ Quốc phòng Mỹ kỳ vọng F-35 sẽ phục vụ trong nhiều thập kỷ với vai trò là máy bay chiến đấu chính cho cả Quân đội Mỹ và đồng minh, tương tự vai trò của F-16 Flying Falcon.

Nhiều câu hỏi lớn khác được đặt ra, như làm thế nào mà máy bay tiếp tục bay được 60 dặm trước khi rơi, và tại sao phi công lại thoát ra ngoài (nếu cú nhảy là có chủ ý) để máy bay tiếp tục hoạt động lâu như vậy. “Nếu nó bay xa đến thế, phi công có thể đã hạ cánh ở đâu đó - tại sao lại “ra đòn” ở nơi anh ta hạ cánh?”, cố vấn cấp cao Trung tâm An ninh chiến lược và quốc tế Mark Cancian đặt nghi vấn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Jeremy Huggins, người phát ngôn của Căn cứ hỗn hợp Charleston chia sẻ với hãng tin NBC News, cho biết máy bay F-35B đang bay ở chế độ lái tự động khi phi công nhảy dù.

Tiêm kích F-35B của Mỹ mất tích bí ẩn. Nguồn: Interesting Engineering

Mark Cancian đánh giá F-35 “đại diện cho tương lai” của sức mạnh Không quân Mỹ. Gần 22 năm trước, Tập đoàn Lockheed giành được hợp đồng chế tạo F-35 và phát triển thành 3 biến thể gồm F-35A của Không quân là phiên bản được sản xuất nhiều nhất và bán cho các đồng minh; F-35B của Thủy quân lục chiến có khả năng cất cánh, hạ cánh thẳng đứng và bay như trực thăng; F-35C của Hải quân, có thể hạ cánh trên tàu sân bay. Lockheed Martin đã bàn giao 190 chiếc F-35B cho lực lượng Thủy quân lục chiến, với giá khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc.

Tuy nhiên, chương trình F-35 đối mặt với tình trạng vượt chi phí và tiến độ sản xuất chậm trễ. Mức chi phí cho chương trình này hiện đã lên tới khoảng 1,7 nghìn tỷ USD. Các nhà sản xuất đang nghiên cứu xem xét việc thay thế động cơ của F-35.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/nhung-nghi-van-quanh-vu-tai-nan-may-bay-f-35b-cua-my-743642