Những ngày đầu gian nan...

Hơn 20 năm trước, tôi trở về nước sau khi làm xong luận án tiến sĩ khoa học về truyền máu tại Hungari. Năm 1993, tôi về Viện Huyết học - truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai theo sự phân công của Bộ Y tế. Tôi thật sự nản lòng bởi sự quá khác biệt giữa hai môi trường làm việc. Ở Hungari, bệnh viện hiện đại với đầy đủ các labo và trang thiết bị cho bác sĩ và nhân viên y tế; bệnh nhân thì được chăm sóc sức khỏe với dịch vụ y tế hoàn hảo. Còn ở đây – một bệnh viện tuyến trung ương mà cơ sở vật chất đơn sơ, nghèo nàn quá. Viện Huyết học quá bé nhỏ, trong khi đó phải tiếp nhận lượng bệnh nhân khổng lồ, không đủ giường để nằm khiến họ phải tràn hết ra hành lang. Bệnh nhân cần truyền máu mà phải đợi cả tháng mới có máu để truyền. Máu thiếu, bệnh nhân khổ sở nên đã xảy ra bao nhiêu bức xúc… Ngoài kia, số người hiến máu chuyên nghiệp ít ỏi đang kê hòn gạch ngồi dưới trời nắng oi ả.

Đi hay ở lại là nỗi băn khoăn thường trực trong lòng tôi ngày ấy. Đi thì phụ lòng lãnh đạo Bộ đã tin tưởng giao cho tôi trọng trách quản lý Viện này. Mà ở thì… Cuối cùng, tôi quyết định ở lại.

Nhiều người dân tham gia hiến máu tình nguyện.

Tôi đã được học về an toàn truyền máu ở nước ngoài. Nhưng thực tế về Việt Nam thì chưa thể áp dụng được điều này bởi lẽ lúc đó chưa có điều kiện sàng lọc máu. Khi ấy, bệnh nhân cần truyền máu phải ký cam đoan là đồng ý truyền máu mà chưa sàng lọc. Nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan B, C và HIV qua truyền máu là khó có thể kiểm soát. An toàn truyền máu bị đe dọa ghê gớm - đó là điều khiến tôi ngày đêm trăn trở mà chưa tìm ra lối thoát. Tới năm 1995, Việt Nam được hỗ trợ kit sàng lọc máu của Chương trình HIV/AIDS làm chúng tôi rất mừng. Tuy chưa sàng lọc được hết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS – nỗi lo sợ của loài người khi ấy đã được loại trừ khỏi truyền máu đã là niềm vui khôn tả của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Một sự kiện đánh dấu cho sự thành công cho ngành huyết học – truyền máu bây giờ, đó là Chính phủ đồng ý cho Chương trình vận động hiến máu nhân đạo. Nhưng có người cho máu rồi, lại không có dụng cụ dự trữ máu. Đây lại là một khó khăn quá lớn đối với chúng tôi, bởi không biết lấy ở đâu ra kinh phí để mua tủ lạnh dự trữ máu... Cuối cùng, sau nhiều lần chúng tôi liên hệ thì Chính phủ Luxembourg đã đồng ý hỗ trợ không hoàn lại và cử chuyên gia sang xây dựng, lắp đặt dây chuyền lạnh bảo quản máu trên toàn quốc. Tổng trị giá sự hỗ trợ lần đó của bạn lên tới 8 triệu USD.

Sau đó, được sự ủng hộ của Chính phủ và Bộ Y tế, quy trình lấy máu và sàng lọc máu dần được hoàn thiện. Từ đựng máu vào chai hở là không an toàn do có thể bị nhiễm khuẩn đã được thay bằng lấy máu vào túi kín vô khuẩn; Từ lấy máu không được sàng lọc đến máu được thử bằng kit thử HIV rồi sàng lọc các loại bệnh viêm gan B, C… Điều đó đã làm thay đổi hẳn quy trình lấy máu và an toàn truyền máu rất nhiều.

Sự thành công này khiến chúng tôi mạnh dạn tổ chức tập huấn lấy máu và sàng lọc máu an toàn trên toàn quốc và tới năm 1999, các đơn vị tại địa phương đã có thể tự làm tốt công việc này.

Còn một điều không thể không nhắc tới - đó là sự thay đổi trong quan niệm truyền máu an toàn. Thời kỳ đó, hầu hết các bác sĩ đều có quan niệm là bệnh nhân đã mất máu là thiếu máu toàn phần, do đó phải truyền máu toàn phần. Nhưng sự an toàn trong truyền máu phải là truyền máu từng phần cho bệnh nhân. Nghĩa là phải xét nghiệm công thức máu, thành phần nào của máu thiếu thì chỉ truyền thành phần đó. Còn truyền máu toàn phần thì vừa lãng phí mà độ an toàn chưa cao. Vậy làm thế nào để thay đổi quan niệm này là điều không phải dễ. Một công trình nghiên cứu về tách thành phần máu được chúng tôi thực hiện trong thời gian dài, từ năm 1995-2003 đã được nghiệm thu và cũng là bằng chứng thuyết phục làm thay đổi quan niệm về an toàn truyền máu.

Điều khiến chúng tôi tự hào là quy trình tách máu và chất lượng sản phẩm máu của ta đã được chuyên gia Úc đánh giá cao. Do đó, sự hợp tác quốc tế được phát triển và chúng tôi đã được World Bank đồng ý cho vay vốn để xây dựng 4 trung tâm truyền máu lớn tại Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và Cần Thơ.

Sự kiện lớn mà chúng tôi không ai có thể quên là năm 2004, Viện Huyết học - truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai được Chính phủ quyết định thành Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tới năm 2010, khỏi phải nói là chúng tôi mừng vui cỡ nào khi Viện được chuyển về cơ sở mới với cơ sở hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị được đánh giá hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Để có được thành công này không chỉ là công lao của riêng ngành huyết học mà còn có sự giúp đỡ rất lớn của Chính phủ, Bộ Y tế và toàn thể xã hội. Đặc biệt là người dân đã nhiệt tình ủng hộ Chương trình hiến máu nhân đạo.

Thu Hà

(ghi theo lời kể của GS.TSKH. Đỗ Trung Phấn)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120413084027753p0c121/nhung-ngay-dau-gian-nan.htm