Những năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử tỉnh Trà Vinh

Rồng là con vật huyền thoại, thiêng liêng và gần gũi trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đối với người Việt Nam và người dân tỉnh Trà Vinh, năm rồng (năm Thìn) ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ trong lịch sử dân tộc và lịch sử tỉnh nhà.

Nhâm Thìn (2012), tổ chức khánh thành công trình mô hình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng tại khuôn viên di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ (ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh). Ảnh: BT

Nhâm Thìn (1832): trấn Vĩnh Thanh được đổi tên thành trấn Vĩnh Long. Sau khi tả quân Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng bỏ chức Tổng trấn Gia Định và đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Bộ được chia thành 06 tỉnh, gọi là “Nam Kỳ lục tỉnh” gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Thời điểm này, Phủ Lạc Hóa gồm 02 huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long.

Mậu Thìn (1868), tháng 3/1868, đồng bào ven biển Trà Vinh (nay thuộc huyện Cầu Ngang, Duyên Hải) đã tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Động do Tán lý Lê Văn Quân, Đề đốc Triều và Đốc binh Say lãnh đạo. Cuối năm 1868, khu vực Bình Khánh, Bình Hòa, Trà Nhiêu, Vĩnh Lợi (tương ứng với vùng đất Càng Long, Châu Thành, thành phố Trà Vinh ngày nay) dấy lên phong trào chống Pháp do Đề đốc Trinh lãnh đạo.

Giáp Thìn (1904), thời điểm này tỉnh Trà Vinh có 05 quận (quận Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Bắc Trang, Tiểu Cần); 20 tổng; 180 làng, dân số khoảng 185.000 người.

Canh Thìn (1940), thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ, các tỉnh thuộc Nam Kỳ sẽ khởi nghĩa vào ngày 22/11/1940. Tuy nhiên, lệnh khởi nghĩa không đến được Trà Vinh, nhưng khi thấy bên Vũng Liêm đã khởi nghĩa, Quận ủy Càng Long đã huy động du kích và quần chúng cưa cây, dựng chướng ngại vật trên lộ 7 ở ấp Cây Cách, gây khó khăn cho địch đưa quân từ Trà Vinh lên ứng cứu Vũng Liêm; đêm 22, rạng 23/11, quần chúng làng An Trường do chi bộ lãnh đạo nổi dậy phá nhà việc An Trường. Ngày 25/11/1940, lệnh khởi nghĩa mới đến Trà Vinh, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp và dự định tiến hành khởi nghĩa vào đêm 27/11/1940; nhưng địch nắm được được tình hình, tổ chức bao vây và bắt nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy, Quận ủy cùng lãnh đạo chủ chốt ở các làng, xã. Chúng tăng cường đưa binh lính về Trà Vinh và thường xuyên tuần tra, nhất là những nơi trọng yếu ở tỉnh và quận, nên ta không thực hiện được kế hoạch.

Do điều kiện chủ quan và khách quan, Trà Vinh chưa nổi dậy khởi nghĩa mạnh như nơi khác, nhưng địch vẫn đàn áp rất gắt gao. Cuộc khởi nghĩa đã để lại cho Trà Vinh nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về sự lãnh đạo của Đảng, về xây dựng lực lượng cách mạng, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh.

Nhâm Thìn (1952), tháng 02/1952, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lần thứ 2. Hội nghị thông qua những quyết định quan trọng: (1) Tích cực đấu tranh giành dự trữ với địch; (2) Tích cực trừ gian; (3) Xây dựng tổ chức, điều chỉnh cán bộ đúng với việc đề cao công tác dân vận; (4) Chấn chỉnh và đẩy nhanh việc tạm cấp ruộng đất; (5) Có kế hoạch vận động trí thức; (6) Cần đào tạo một số cán bộ trung kiên, gan góc, thông thạo công tác vùng địch tạm chiếm; (7) Tổ chức Nhân dân đấu tranh chống bắt lính; (8) Đẩy mạnh phong trào Nhân dân địch ngụy vận. Từ những chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh liên tiếp giành thắng lợi quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Giáp Thìn (1964): nhiều chiến thắng của quân và dân Trà Vinh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, như: trận chống càn kéo dài 07 ngày trên địa bàn các huyện Càng Long, Cầu Kè,... tiêu diệt 23 tên địch, làm bị thương 47 tên khác; trận tập kích vào phân chi khu Tập Ngãi (Tiểu Cần), phá rã 01 đại đội thanh niên thánh nghiệp, tiêu diệt 18 tên, bắt sống 30 tên; trận đánh vây lấn sân bay Long Toàn bắn rơi 02 máy bay, làm Sân bay Long Toàn ngưng hoạt động; trận chống càn ở xã Tân An (huyện Càng Long), loại khỏi vòng chiến đấu 220 tên địch, bắn rơi 04 máy bay,...

Bính Thìn (1976): Tỉnh Cửu Long cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (ngày 25/4/1976) với hơn 99% cử tri đã thực hiện nghĩa vụ công dân, góp phần vào thắng lợi của Tổng tuyển cử trên toàn quốc. Kết quả tỉnh Cửu Long có 13 vị trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI (1).

Mậu Thìn (1988): Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, UBND tỉnh Cửu Long ban hành Quyết định số 99-QĐ/UBT, ngày 11/6/1988 Quy định tạm thời Về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đối với tập đoàn sản xuất - hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Cửu Long, hộ nông dân được giao quyền sử dụng đất lâu dài, chủ động bố trí sản xuất; tự do lưu thông hàng hóa, mua bán sản phẩm, vật tư theo cơ chế thị trường. Từ đó, người nông dân gắn bó với đồng ruộng, ý thức tự chủ được phát huy, giải phóng mọi năng lực sản xuất; hăng hái lao động, tạo sự chuyển biến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. So năm 1985, diện tích lúa tăng 1.421ha, năng suất tăng 0,43 tấn/ha, sản lượng tăng 173.399 tấn,...

Canh Thìn (2000): Tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ I. Qua các phong trào thi đua, tỉnh được tặng thưởng 17 Huân chương Lao động; 85 tập thể và 25 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhận 3 cờ thi đua của Chính phủ; 43 lượt đơn vị được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; 397 lượt tập thể được tặng cờ tiên tiến; 1.453 lượt tập thể và 1.311 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 669 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 52 đơn vị và 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 31/12/2000, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 - 2005. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Đại hội; dự Đại hội có 290 đại biểu chính thức, đại diện cho 16.602 đảng viên trong tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (khóa VII) gồm 47 Ủy viên, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 13 ủy viên; đồng chí Nguyễn Thái Bình được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Vẹn và đồng chí Trần Văn Dơn giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Nhâm Thìn (2012): Năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tinh lần thứ IX với nhiều kết quả quan trọng, tăng trưởng kinh tế đạt 10,43%. Tỉnh tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (5/1992 - 5/2012), vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổ chức khánh thành công trình mô hình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng tại khuôn viên di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ (ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh). Khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải. Tổng công suất lắp đặt 1.244MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,8 tỷ kwh. Tổng mức đầu tư dự án là 28.463 tỷ đồng.

TRẦN BÌNH TRỌNG

(1) Gồm các ông, bà: Mai Văn Ẩn, Nguyễn Thị Biên (Thu Hương), Trần Thành Đại, Phan Văn Đáng, Lê Minh Đức, Nguyễn Văn Hên (Mười Hạnh), Nguyễn Ngọc Nga, Phan Hữu Phục (Tám Phục), Nguyễn Trung Thành (Đặng Văn Nhâm), Nguyễn Thiện Thành, Sơn Thông (Maha Sơn Thông), Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức), Nguyễn Văn Út.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-nam-thin-dang-nho-trong-lich-su-tinh-tra-vinh-34831.html