Những năm tháng không thể nào quên

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, được sự chi viện của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) miền Bắc, lực lượng An ninh vũ trang (ANVT) miền Nam, trong đó có Đoàn 180 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Cùng với đó, Đoàn 180 còn phối hợp với các cánh quân chủ lực đánh địch, tiếp quản Bộ Tư lệnh Cảnh sát ngụy, nhà lao Chí Hòa, đài phát thanh, viễn thông, tòa Đại sứ Mỹ, ngân hàng, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, Dinh Độc Lập...

Ông Hoàng Minh Duyệt và kỷ vật vô giá là con dấu của Ngân hàng quốc gia Việt Nam dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Đăng Bảy

Ông Hoàng Minh Duyệt và kỷ vật vô giá là con dấu của Ngân hàng quốc gia Việt Nam dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Đăng Bảy

Đánh dịch giữa Sài Gòn

Năm nay đã 75 tuổi nhưng ông Lê Việt Bình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ít ai biết rằng, ông đã từng tham gia 2 cuộc tiến công vang dội ở Sài Gòn: Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trước đó, ông Bình đã cùng đồng đội trong Đội Trinh sát vũ trang nội đô An ninh, khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4) ám sát tên tướng tình báo ngụy quyền là Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng An ninh biệt động Phủ Tổng thống. Và ông cũng là nhân vật chủ chốt trong vụ ám sát hụt Thủ tướng ngụy quyền Trần Văn Hương ngay giữa nội đô Sài Gòn.

Quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, năm 1962, chàng thanh niên Lê Việt Bình nhập ngũ vào CANDVT Quảng Bình. Sau 8 tháng được đào tạo khóa học Đặc công thành do Bộ Tư lệnh CANDVT (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) tổ chức, tháng 4-1967, Lê Việt Bình được tung vào miền Nam và sau đó được biên chế vào Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4), chuyên hoạt động khu vực nội đô Sài Gòn.

Nói về cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, ông Bình nhớ lại: “Đơn vị do tôi làm chính trị viên được giao đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng ở khu vực quận 6. Chiều 28 đến sáng 29-4, trời mưa to, xen lẫn là nhiều tiếng nổ do quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi háo hức vừa hành quân, vừa đánh chiếm các mục tiêu của địch”.

Ông Bình kể tiếp: Tôi có chiếc radio, lúc nào cũng mang theo bên người để theo dõi tình hình chiến sự. Khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người vô cùng vui sướng. Qua ống nhòm, chúng tôi thấy tàn quân ngụy cởi quân phục, vứt vũ khí, súng ống, xô nhau chạy trốn. Giữa trận địa, trên các đường phố, ngổn ngang vũ khí, áo quần của quân ngụy. Tôi mở ba lô, lấy lá cờ gắn lên cây sào, giơ lên cao phất mạnh nhiều vòng. Súng giương cao, lê tuốt trần, chúng tôi cùng các lực lượng cách mạng hùng dũng tiến vào tiếp quản Sài Gòn giữa hai hàng cờ và hoa của nhân dân vẫy chào với lời hô: “Chào anh giải phóng quân” vang dội cả phố phường.

Khi chúng tôi chiếm lĩnh khu Chợ Lớn, nhân dân, trong đó có rất nhiều người Hoa tràn ra đường, cùng với bộ đội thu gom, dọn dẹp chiến lợi phẩm và chống lại bọn lưu manh, côn đồ hôi của. Bà con còn nhiệt tình, vui vẻ cung cấp đồ ăn thức uống cho bộ đội. Khuya ngày 30-4, ráng sáng ngày 1-5, sau khi đã tiếp quản súng đạn, quân trang, quân dụng, máy móc và bố trí lực lượng chốt giữ, phong tỏa các vị trí trên địa bàn quận 6, tôi mới có chút thời gian thư thái cho riêng mình. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thốt lên những vần thơ: Thật rồi đâu phải chiêm bao/Mỹ kia đã cút, ngụy nhào trưa nay...

Ông Bình bồi hồi: “Thấm thoát đã 46 năm trôi qua, những chiến công và những trận đánh vang dội của các chiến sỹ ANVT miền Nam và trinh sát vũ trang nội đô mãi mãi in đậm trong ký ức của tôi và các đồng đội”.

Người giữ núi vàng, núi bạc

Lâu lắm rồi, bà con khu phố nơi hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh mới lại thấy ông Hoàng Minh Duyệt mặc quân phục, trên ve áo lấp lánh quân hàm Thượng úy màu xanh Biên phòng. “Tôi thường mặc vào dịp 30-4 để kỷ niệm ngày đất nước mình hoàn toàn giải phóng. Đó cũng là dấu ấn không thể quên của tôi và đồng đội thuộc đơn vị C282.Q tham gia giải phóng Sài Gòn”...

Đã bước sang tuổi 76, nhưng ông Duyệt vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đặc biệt, khi nhắc lại không khí của ngày 30-4-1975, ông Duyệt hoạt bát hẳn lên, từ ánh mắt đến cử chỉ, hệt như người lính trẻ tuổi năm xưa... Trước khi nói chuyện, ông Duyệt thân tình mời tôi lên lầu 2, mở tủ, lấy bảng kê số tiền, vàng từ lúc tiếp quản và con dấu của Ngân hàng quốc gia Việt Nam. “Đây là kỷ vật mà tôi đã lưu giữ 46 năm qua. Với tôi, đó là tài sản vô giá” - Người cựu binh CANDVT xúc động nói. Quê ở Cẩm Phúc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, năm 1965, lúc 20 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Minh Duyệt nhập ngũ vào CANDVT Hà Tĩnh. Cuối năm 1974, ông Duyệt được chọn vào đơn vị C282.Q (là phiên hiệu của đoàn CANDVT tỉnh Hà Tĩnh, chi viện cho chiến trường miền Nam).

Ngày 27-4-1975, từ Tân Biên, Tây Ninh, Trung đoàn 180 ANVT và các đơn vị thuộc CANDVT miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam được lệnh xuất quân tiến về Sài Gòn theo 3 mũi khác nhau. “Tôi và đơn vị C282.Q hành quân trong đội hình của mũi thứ 3, có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí Thường vụ Trung ương Cục, Mặt trận giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến vào nội thành Sài Gòn”. Chiều 30-4, lực lượng ANVT cùng các mũi tấn công của quân giải phóng chiếm lĩnh Tổng nha Cảnh sát, Nha cảnh sát đô thành...

Tối 30-4, đơn vị C282.Q nhận được mệnh lệnh tiếp quản và bảo vệ Ngân hàng quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 8 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Lúc này, chuẩn úy Hoàng Minh Duyệt là Chỉ huy phó C282.Q. Sáng 1-5, khi tham gia nhóm kiểm kê, lãnh đạo đơn vị C282.Q thực sự choáng váng trước khối tài sản khổng lồ tại Ngân hàng quốc gia mà đơn vị được giao tiếp quản và bảo vệ.“Ngoài 16 tấn vàng, còn có 493 đồng tiền vàng cổ, được đúc và phát hành từ thế kỷ XVIII, XIX bởi nhiều quốc gia khác nhau; 18.049 đồng tiền bạc và 625.191.617.005 đồng. Tất cả đều được đặt rất cẩn thận trong những chiếc tủ sắt đặt trong hầm”- Ông Duyệt nhớ lại.

Không chỉ Ngân hàng quốc gia mà tất cả các hệ thống, Chi nhánh thuộc Ngân hàng quốc gia của chế độ cũ như Chi nhánh Ngân hàng quốc gia Bến Chương Dương, Phan Đình Phùng, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Đa Kao... đều bàn giao cho đơn vị C282.Q CANDVT tiếp quản và bảo vệ...

Sau gần một năm, đơn vị C282.Q đã bảo vệ tuyệt đối an toàn 16 tấn vàng và toàn bộ khối tài sản khổng lồ nói trên. “Chỉ có phẩm chất trong sáng của anh Bộ đội Cụ Hồ, những người biết đặt lợi ích dân tộc và tình yêu đất nước mới làm nên được điều kỳ diệu đó. Anh em đơn vị C282.Q chúng tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm được”- Ông Duyệt nói.

Trong cuộc đời mỗi con người có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng với ông Duyệt và những đồng đội của ông thì sự kiện ngày 30-4 cách đây 46 năm là sâu đậm và hạnh phúc nhất - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non song nối liền một dải.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-post439259.html