Những mùa Trung thu xưa

Khi vầng trăng tháng tám đã tròn đầy, khi bọn trẻ con bắt đầu thủ thỉ xin tiền mua mấy cái lồng đèn có đủ hình thù thì người lớn lại bắt đầu hồi ức những mùa Trung thu trong ký ức...

Đi giữa những rộn rã của phố thị, tôi lại miên man hoài niệm về những mùa Trung thu xưa ở quê. Tất cả như vừa mới hôm qua đây thôi... Có lẽ thế hệ 7x, 8x sẽ không bao giờ quên những tết Trung thu mộc mạc ấy.

Lồng đèn của chúng tôi có khi chỉ là những thanh tre xếp hình ngôi sao... Ảnh internet

Đó là những háo hức khi tự làm những chiếc lồng đèn xinh xắn từ các vật liệu tự nhiên. Lồng đèn của chúng tôi có khi chỉ là những thanh tre xếp hình ngôi sao, được bao ở ngoài bằng lớp giấy màu thủ công xanh đỏ tím vàng sặc sỡ; có khi chỉ là những vật dụng trong gia đình đã bị hư, được trang trí lại; có khi là những chiếc đèn được cắt cầu kỳ từ các tờ họa báo... Chúng tôi chuẩn bị trước cả tháng, cất kỹ đợi đến ngày đem ra khoe cùng chúng bạn, rồi trầm trồ, xuýt xoa, ngưỡng mộ, tự hào.

Một góc chợ Trung thu ngày xưa... Ảnh internet

Có một kỷ niệm mà nghĩ đến là nước mắt rưng rưng. Những năm đói kém ấy, hầu hết chúng tôi đều chờ đợi bữa cơm tết Trung thu do các tổ chức đoàn thể nấu cho trẻ. Đó là một tô xôi trắng, mấy miếng nem, thịt luộc béo ngậy mà chỉ trong những dịp lễ tết chúng tôi mới được ăn. Vậy là, từ sáng sớm ngày 15/8 âm lịch, bọn trẻ chúng tôi đã háo hức chuẩn bị sẵn sàng mỗi đứa một cái tô, chờ tiếng kẻng để chạy nhanh ra khu sinh hoạt chung của thôn mà đón nhận điều tuyệt vời ấy. Cảm giác ăn miếng cơm trắng, cắn miếng thịt béo gậy... là kỷ niệm cả đời không thể nào quên.

Sau bữa cơm chiều, cả bầy trẻ trở về nhà sửa soạn để đi rước đèn. Dưới bầu trời quê trong trẻo thì chú Cuội, chị Hằng gần lắm, chỉ đâu đó ở trên một lùm cây, trên một ngọn tre thôi. Chúng tôi được chơi các trò chơi dân gian như chơi trốn tìm, bắt đom đóm làm đèn, mèo đuổi chuột rồi cùng nhau hát múa và cuối cùng là phá cỗ. Tôi còn nhớ như in cảm giác khi cầm nắm được những chiếc kẹo xanh đỏ khi phá cỗ, thích thú biết chừng nào. Có khi để dành đến khi trăng khuyết vẫn chưa ăn. Có lẽ chính những mộc mạc, dân dã đó đã tắm táp tâm hồn tôi, kiến tạo nên những cung bậc cảm xúc để sau này, khi đi học, đi làm, khi rời quê nhà, ở bất kỳ nơi đâu tôi cũng đều có thể dễ dàng rung cảm, dễ dàng đón nhận và chấp nhận những biến động của đời sống một cách bình thản, nhẹ nhàng...

Trẻ em nông thôn xưa vẫn thường bày biện trông trăng ngoài thềm... Ânh internet

Những mùa Trung thu xưa đã trôi vào miền ký ức, chúng tương tác với những trải nghiệm mới của bản thân tôi, để rồi từ trong những lam lũ, nhọc nhằn, trong những choáng ngợp, bỡ ngỡ, trong hạnh phúc, khổ đau, tôi đều có thể dễ dàng gọi tên những điều tôi đã trải bằng ngôn ngữ đặc biệt của thơ ca.

Bất kỳ lúc nào, trong tâm tư tôi sáng lên những tứ thơ mới, tôi đều cám ơn ký ức của một thời thơ nhỏ. Nhất là vầng sáng của ánh trăng rằm tháng tám, những thanh âm rổn rảng của chúng bạn trong lũy tre làng tôi, và cả mùi thơm từ bữa cơm chiều Trung thu không độn khoai, độn sắn thuở ấy...

Những chiếc đèn ông sao tự làm luôn là món quá mà người lớn dành cho trẻ em ngày xưa. Ảnh internet

Sáng nay, bước qua phố bán đồ trung thu, đồ chơi, bánh trái đã vơi đi nhiều. Hẳn là, chúng đã theo những chuyến xe về với bản làng, thôn xóm. Và tôi chắc rằng, dẫu bây giờ trẻ em nông thôn không còn thiếu thốn như chúng tôi thuở trước nhưng riêng niềm háo hức vẫn còn vẹn nguyện. Tôi mường tượng, đêm nay, trong lũy tre làng tôi, bầy trẻ con sẽ lại có một đêm Trung thu đáng nhớ. Và, chúng sẽ lại có những kỷ niệm đáng nhớ theo cách riêng của mình, để Trung thu dẫu được tổ chức bằng cách nào, sắc màu nào cũng sẽ thật lung linh trong tâm hồn thơ nhỏ...

Nguyễn Mỹ Hạnh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nhung-mua-trung-thu-xua/254966.htm