Những món ngon ngày Tết ở Nam Bộ

(VnMedia) - Hồi còn bé mỗi dịp Tết đến bọn trẻ con chúng tôi lại háo hức chờ đợi bao lì xì, được ăn bánh kẹo và cả được thưởng thức những món ăn ngon ngày Tết. Cho tới bây giờ, khi xa quê, mỗi dịp Tết đến những kí ức về những ngày Tết chợt ùa về… miên man.

Ngày Tết ở quê rộn ràng từ đầu tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), bà tôi bắt đầu chọn dừa khô, lựa gạo, lựa nếp ngon, chắc hạt mà chuẩn bị nguyên liệu cho những món ăn Tết. Ngày Tết ở Nam Bộ hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu. Đó cũng chính là những hương vị làm tôi không thể nào quên về quê hương mình... Gói bánh tét Nam Bộ Bánh tét cũng giống như bánh chưng ngoài Bắc, nhưng bánh tét Nam Bộ có nhiều cách gói khác nhau, nhân trong bánh cũng khác nhau tùy theo sở thích, điều kiện kinh tế mà làm nhân bên trong bánh như thế nào. Bánh tét không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn là lễ vật dâng cúng bà, tổ tiên vào ngày Tết, ngày giỗ hay những ngày quan trọng. Nội tôi từng nói bánh tét có ngon không quan trọng nhất vẫn là nếp, nếp dẻo, mềm, mà không lẫn gạo mới ngon và bùi. Nếp ngon ăn bánh chay (không nhân) vẫn ngon. Ngày trước việc gói bánh tét cực và tốn công lắm, phải đi tìm lá chuối, phơi hai nắng cho mềm, dai không bị tét lá khi gói, rồi phải tước dây chuối phơi khô làm dây buột bánh…rồi lựa nếp ngon, chọn mấy nải chuối chín vừa, lựa thịt heo ba rọi ngon, lựa đậu xanh ngon.. Bập bùng ngọn lửa bên nồi bánh đêm giao thừa Bọn trẻ như chúng tôi thích nhất là được bà hay mẹ gói cho những đòn bánh nhỏ, được tự tay buột dây chuối cho đòn bánh của mình. Rồi phụ bà bắt nồi lên bếp, canh bánh tét chín vào những buổi tối...được bà cho ăn thử bánh trong khi nấu…Rồi ngày đầu năm, bà dùng dây chuối tét bánh ra, mang lên cúng ông bà trước tiên rồi mới cắt bánh ra tiếp đãi mọi người. Chắc có lẽ ngày xưa người ta cắt bánh ra từng khoanh nhỏ bằng dây chuối nên gọi luôn là bánh tét chứ bây giờ ít ai dùng cách đấy mà toàn lấy dao cắt bánh… Thịt kho tàu món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Ngày Tết tôi còn được ăn thịt kho tàu ngon tuyệt. Hầu như nhà nào dù giàu, dù nghèo cực lắm cũng phải cố gắng có nồi thịt kho ngày tết. Thịt ba rọi nữa nạc nữa mỡ, nước thịt trong ngần có lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không bở…mới đúng là nồi thịt ngon. Nhà tôi thường kho bằng nước dừa nạo chứ không kho bằng nước lạnh như thông thường. Bà nói kho nước dừa thì thịt mới ngon, nước thịt có vị ngọt, béo và thơm. Nồi thịt kho ngon để nữa tháng vẫn còn thơm lừng…Trong nồi thịt kho tất nhiên phải có thêm trứng vịt hoặc trứng cút. Hồi nhỏ, tôi hay xin được bốc vỏ trứng luộc để bỏ vào kho chung với nồi thịt, lâu lâu lại lén bỏ vào miệng ăn vụng một quả trứng… Dưa cải chua ăn kèm với đủ món Món thịt kho tàu thường ăn với dưa cải chua, đó là những cây cái xanh lớn được bà tôi chọn làm dưa. Món dưa chua ngày Tết giúp ăn với thịt kho tàu bớt ngán, giúp dễ tiêu hóa hơn. Những cây cải xanh được bỏ vào lu nước muối, để vài ngày cho lên men tự nhiên, cải sẽ có màu vàng, ăn rất giòn và chua. Giờ đây khi tôi lớn, mỗi khi gần Tết tôi thường nói bà làm món dưa cải, vì tôi rất thích ăn món này với thịt kho. Ngày nay, khi mà mọi thứ đều có thể mua dễ dàng ỏ chợ nhưng nội tôi vẫn tự tay làm món dưa này vì bà nói dưa cải người ta làm ngoài chợ làm không kĩ và có bỏ thêm hóa chất gì đó…và mấy cô chú, gia đình tôi vẫn thích món do nội làm hơn. Một món ăn nữa quen thuộc trên bàn ăn dịp Tết quê chính là bánh tráng cuốn. Bánh tráng ngon nhất vẫn là bánh tự tráng ở quê. Nhà nào có lò tráng bánh thì lựa gạo ngon, ngâm qua đêm, xay bột tráng bánh. Khoảng hơn chục năm trước cứ mỗi dịp gần Tết thì cả một vùng quê đều trắng xóa từng vỉ bánh tráng nhà nhà phơi chuẩn bị Tết. Tết mà được ăn bánh tráng cuốn miếng thịt kho, vài miếng dưa chua, thêm lạp xưởng, rau các loại chấm với nước thịt kho tàu thì còn gì bằng. Bánh tráng cuốn Nam bộ Ông bà ta ngày trước khéo phối hợp nhiều thứ để tạo nên những món ăn ngon tuyệt. Kho nồi thịt trước tiên, lấy thịt mỡ trong nồi thịt làm nhân bánh tét thịt. Rồi khi bánh tét chính có thể ăn với dưa chua, thịt kho tàu cũng ăn với dưa chua. Bánh tráng thì cuốn với thịt kho tàu, chấm cũng nước kho tàu và dĩ nhiên là phải có dưa chua…chỉ ba thứ đó đã tạo nên hương vị Tết quê ấm cúng mà gần gũi. Bánh tráng cuốn với đủ thứ nhân, trong đó có món cá nướng Sống xa gia đình mới biết quý trọng những cái gì gần gũi nhất từ những sản vật chính do quê hương mình tạo ra. Món ăn ngon khi nó thấm ở trong đó giọt mồ hôi, nước mắt của người dân quê phải lao động cực khổ quanh năm tạo nên những hạt thóc, hạt nếp, cây cải, con gà, con heo… Ngày nay, khi những giá trị truyền thống bị lai căng từ văn hóa bốn phương thì những bữa cơm gia đình ở vùng quê là nơi chúng ta có thể dễ dàng thấm thía những giá trị truyền thống ,dễ thấy hình ảnh tuổi thơ của mình trong đó. Trần Nguyễn

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=58&newsid=211634