Những môn lạ

SEA Games càng ngày càng giảm tính hấp dẫn nhưng lại tăng tính… lạ lùng. Nếu như trước đây, việc “phân bổ” huy chương chỉ diễn ra trong lặng lẽ thì giờ đây nó được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp chính thức của hội đồng. Nước nào đăng cai thì có quyền đưa hoặc không đưa môn thể thao nào vào chương trình thi đấu, có quyền ấn định bao nhiêu bộ huy chương trong mỗi bộ môn, và thậm chí có quyền xác định những bộ huy chương đó thuộc về ai! Chính vậy mới có chuyện ở SEA Games 26, môn võ Tarung Derajat được xem là tàn bạo nhất trong các môn võ được đưa vào thi đấu. Còn ở SEA Games 27 này, Myanmar đưa môn chilone vào thi đấu chính thức trong khi hầu như chẳng quốc gia nào biết đến môn này.

Chilone được giới thiệu là môn thể thao cổ xưa nhất có mặt ở SEA Games ra đời ở Myanmar cách nay 1.500 năm! Chilone trong tiếng Myanmar nghĩa là “chiếc rổ tròn”. Chilone không thi đấu đối kháng mà thường thi đấu theo đội hình 6 người. Quả bóng chơi chilone tương tự quả cầu mây. Người chơi chilone di chuyển liên tục theo vòng tròn dùng bàn chân, đầu gối hoặc đầu để chuyền bóng cho nhau. Sẽ có một người di chuyển vào tâm vòng tròn, thực hiện các màn biểu diễn cá nhân trong khi nhận và chuyền bóng cho đồng đội. Nhiệm vụ của người chơi chilone là không để bóng chạm đất, không sử dụng tay và phải kết hợp các màn biểu diễn đẹp trong khi chuyền bóng. Cũng chính vì vậy, kết quả thi đấu của chilone cũng phần lớn phụ thuộc vào nhận định của trọng tài. Dù là môn thi đấu tập thể nhưng nó được ban tổ chức đưa vào thi đấu tại SEA Games lần này tới 8 bộ huy chương, trong đó có cả nội dung solo 1 người, 2 người, 3 người, 4 người và cả đội 6 người. Do là môn thể thao mang đậm tính địa phương nên rất ít quốc gia đăng ký tham gia, mà có ráng luyện tập để tham gia thì cũng không thể hy vọng có huy chương nên chủ nhà Myanmar đương nhiên có sẵn trọn 8 bộ huy chương này.

Dù quá lạ nhưng chilone còn tạm chấp nhận ở tính nghệ thuật giải trí chứ không như môn Tarung Derajat được đưa vào SEA Games 26. Nghe qua đã thấy rùng rợn khi đây là môn võ tập hợp tất cả các đòn hiểm nhất của các môn võ có tính sát thương cao nhất như Muay Thái, kick-boxing, Pencat Silat, Taekwondo hệ phái ITF… Khi thi đấu, các vận động viên kết hợp các động tác đấm, đá, gối, vật… Nghĩa là cơ thể có bao nhiêu động tác để triệt hạ đối phương nhanh nhất thì đều được sử dụng trong môn võ này. Đây cũng là môn thi đấu mà phần lớn vận động viên rời võ đài bằng… cáng cứu thương! Lần ấy, Việt Nam cũng lập một đội tuyển Tarung Derajat để dự SEA Games trên cơ sở các vận động viên lấy từ các môn võ khác và tập luyện trong… 3 tháng. Do chưa biết rõ luật thi đấu cũng như… không dám ra đòn hiểm mang tính triệt hạ đối phương nên các vận động viên Việt Nam toàn thua.

Biết đâu trong những kỳ SEA Games tới sẽ tiếp tục có thêm những trò chơi dân dã của các quốc gia được “lên đời” thành môn thể thao khu vực. Bỏ ra nguồn kinh phí không phải nhỏ, nhất là đối với nhiều quốc gia còn khó khăn ở khu vực Đông Nam Á để tham dự và chia nhau những bộ huy chương được sắp sẵn, cứ cái đà này, SEA Games ngày càng cách xa tinh thần Olympic.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/2013/11/332271/