Những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Những năm gần đây, cứ dịp 10/3 (Âm lịch) người dân trên quê hương đất Tổ lại chuẩn bị mâm cơm đoàn viên, thắp hương tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây cũng là nét đẹp văn hóa và ngày càng được nhân rộng ở các địa phương.

Từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã khuyến khích các gia đình làm mâm cơm cúng Tổ tiên, Vua Hùng. Từ đó đến nay, phong trào này lan rộng ra nhiều gia đình ở tỉnh Phú Thọ.

Mâm cơm cúng Vua Hùng của gia đình ông Triệu Văn Đào (xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ).

Việc thờ cúng Tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên Tổ tiên trong ngày Quốc giỗ là nét đẹp văn hóa đặc trưng, rõ nét nhất trong quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Qua đó, góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với tấm lòng thành kính, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành dịp để người dân đất Tổ chuẩn bị mâm cơm đoàn viên, thắp hương tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây là nét đẹp văn hóa ngày càng được nhân rộng ở các địa phương.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống ghi nhận không khí chuẩn bị mâm cơm đoàn viên, thắp hương tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước tại gia đình ông Triệu Văn Đào (xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ).

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, thờ cúng Tổ tiên là nét đẹp văn hóa đặc trưng. Theo đó, các gia đình sẽ làm một mâm cơm với những món ăn truyền thống, đặc biệt bánh chưng và bánh giầy là món ăn không thể thiếu trong mâm lễ dâng lên Vua Hùng.

Mỗi năm, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều gia đình tổ chức thờ cúng với mong muốn sẽ nhận được sự phù hộ độ trì của Tổ tiên dành cho gia đình, con cháu.

Với người dân ở các xã gần Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, việc sửa soạn mâm cỗ tri ân các Vua Hùng đã trở thành nét đẹp truyền thống được duy trì qua nhiều năm.

Mâm cỗ cúng gồm các món ăn truyền thống.

Mỗi địa phương sẽ có những cách thức chuẩn bị, lựa chọn các món và bày biện khác nhau, nhưng điểm chung là món bánh chưng, bánh giầy không thể thiếu trong mâm cơm cúng để dâng lên tổ tiên, bởi đây là hai sản vật gắn liền với sự tích về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu vào đời Vua Hùng thứ 6.

Tất cả đều thể hiện lòng thành dâng lên Tổ tiên với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở; gia đình dòng tộc anh em đoàn kết, phấn đấu học tập, lao động tiến bộ, yêu thương nhau.

Cỗ cúng ngày giỗ Tổ khác với cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Sở dĩ người dân chọn các món bánh chưng, bánh giầy vì là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi”.

Mâm cơm tri ân công ơn các Vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại các gia đình thể hiện lòng thành kính tri ân.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-mon-an-khong-the-thieu-trong-mam-com-cung-ngay-gio-to-hung-vuong-169240416175314295.htm