Những mô hình nông nghiệp 'hái ra tiền' ở Chi Lăng

Sự đầu tư trọng điểm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp đang giúp huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất tập trung, cho giá trị tiền tỷ như vùng trồng na, vùng trồng ớt, vùng trồng lạc, vùng hồi…

Chi Lăng đang là một trong những “thủ phủ” trồng na lớn nhất cả nước. Nhờ những cuộc cách mạng trong sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cây na đang cho hiệu quả cao kinh tế vượt trội.

Thu trăm tỷ từ cây na

Điển hình, những năm qua, các hộ dân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ dân từ bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đáng chú ý, dựa trên những thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ được thành lập với 27 hộ thành viên HTX, liên kết với và 148 hội viên sản xuất na, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 70 ha na.

Na đang là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân Chi Lăng (Ảnh: Chí Dũng).

Ông Nguyễn Trí Tuấn, đại diện HTX Đồng Mỏ, cho biết sau khi thành lập, HTX đứng ra điều hành, hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.

Nhờ đó, chất lượng sản phẩm liên tục được nâng cao, mẫu mã quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm HTX thu trên dưới 200 tấn quả, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, doanh thu hàng tỷ đồng, thu nhập của hộ thành viên cũng đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Theo lãnh đạo UBND huyện, Chi Lăng có tổng diện tích tự nhiên là 70.418,89 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 76,24%, đất phi nông nghiệp chiếm 5,0%, đất chưa sử dụng chiếm 18,76%.

Trong những năm qua, người dân nơi đây đã tập trung trồng cây na góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nhiều hộ dân trong huyện đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Nhiều thôn, bản có tới 60 - 70% hộ khá giả.

Với tổng diện tích trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả diện tích trồng rải vụ), cây na tại Chi Lăng đem lại doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng/năm. Hiện, diện tích na trên địa bàn huyện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha.

Đến đầu năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và các xã Chi Lăng, Y Tịch đạt hoặc cơ bản đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Mở rộng các vùng sản xuất lớn

Đáng chú ý, không chỉ có cây na, trên địa bàn huyện Chi Lăng còn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng cây thuốc lá (diện tích trên 900 ha, giá trị kinh tế hằng năm trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây hồi (diện tích trên 1.400 ha, giá trị kinh tế trên 50 tỷ đồng).

Hay những vùng trồng ớt (diện tích trên 500 ha, giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây có múi (diện tích trên 400 ha, giá trị kinh tế trên 70 tỷ đồng)…

Điển hình, năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc, xã Bằng Mạc thành lập để liên kết 8 hộ tham gia sản xuất thuốc lá cung ứng sản phẩm cho Công ty Cổ phần Ngân Sơn. Mô hình đang cho thu nhập 150-300 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc HTX, cho biết trước đây, nếu chỉ sản xuất đơn lẻ hộ gia đình, sản lượng ít, công ty khó thu mua, chủ yếu là bán cho tư thương nên không ổn định.

“Nhờ liên kết sản xuất, hiện nay, chúng tôi đã đáp ứng đủ số lượng sản phẩm và không lo thiếu đầu ra nữa mà còn mở rộng liên kết sản xuất thêm các sản phẩm khác như: khoai tây, lạc… Qua đó, vừa đảm bảo thu nhập cho thành viên, vừa hỗ trợ thiết thực cho các hộ liên kết”, ông Chính chia sẻ.

Để có được kết quả trên, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình, tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào trồng trọt.

Đáng chú ý, huyện đã triển khai các giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, tạo điều kiện cho HTX hình thành và liên kết sản xuất để phát triển. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tư vấn, tập huấn, củng cố tổ chức, hoạt động kinh tế tập thể, HTX.

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 122 lớp tập huấn cho người dân, thành viên HTX tham gia, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất.

Hiện, toàn huyện có 35 HTX nông nghiệp, các HTX này đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất HTX – nhà nông. Điển hình như: HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ thương phẩm với công ty của Nhật Bản; HTX Nông sản huyện Chi Lăng liên kết sản xuất tiêu thụ na, ớt cho người dân; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc liên kết với Công ty Đại Nguyễn, Công ty Cổ phần Ngân Sơn sản xuất, tiêu thụ khoai lang, khoai tây, thuốc lá…

Với những kết quả đang có, thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào sản xuất; nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ vùng trồng na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 1.000 ha hồi được sản xuất hữu cơ…

Đồng thời, huyện cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nhung-mo-hinh-nong-nghiep-hai-ra-tien-o-chi-lang-1092528.html