Những mô hình dân vận khéo trong bài trừ hủ tục ở Quản Bạ

BHG - Nhờ những mô hình dân vận khéo, đồng bào các dân tộc huyện Quản Bạ đã dần xóa bỏ được các hủ tục trong tang ma, cưới hỏi. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống được bảo tồn và phát huy, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH tại địa phương.

Quét dọn đường thôn, xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu ở xã Cán Tỷ.

Thực hiện bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc, Chi Hội LHPN xã Cán Tỷ đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong vận động thực hiện việc đưa người mất dân tộc Mông vào áo quan trước khi cử hành tang lễ”, Hội đã tổ chức cho 63 hội viên phụ nữ ký cam kết vận động người thân thực hiện đưa người mất vào áo quan. Chủ tịch Hội LHPN xã Cán Tỷ, Giàng Thị Say cho biết: “Trước đây mặc dù các chị em đều biết việc làm đám tang mà không cho người mất vào áo quan là mất vệ sinh, nhưng chưa có chị em nào vận động gia đình bỏ tập quán cũ. Từ khi thực hiện theo mô hình dân vận khéo của Hội, các chị em đã tuyên truyền cho gia đình, dòng họ và hàng xóm về việc phải cho người mất vào áo quan khi làm đám tang để đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh”. Đến nay, xã Cán Tỷ đã thành lập được Ban tang lễ tại 8/8 thôn, vận động được 3 nhánh dòng họ đưa người mất vào áo quan trước khi làm đám ma tại gia đình.

Ủy ban MTTQ huyện Quản Bạ đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn tích cực vào cuộc vận động đồng bào Mông đưa người mất vào trong áo quan trước khi cử hành tang lễ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức mạn đàm, mời đại diện trưởng các dòng họ, những người có uy tín tại địa phương bàn giải pháp để thực hiện. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ những dòng họ lần đầu tiên thực hiện việc đưa người mất vào áo quan trước khi cử hành tang lễ 1,5 triệu đồng/1 đám ma. Đến nay, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh giai đoạn 2021 - 2025 với 42 thành viên, trong đó đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo 13/13 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã; ra mắt điểm Ban Tang lễ tại thôn Khủng Cáng, xã Nghĩa Thuận và thành lập Ban Tang lễ tại 107 thôn, tổ dân phố.

Với thực trạng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc đã tồn tại lâu đời như: Tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín, dị đoan, cúng, bói khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật; trong đám tang, giải hạn, thanh minh... kéo dài, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; một số dòng họ dân tộc Mông chưa thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ; làm chuồng trại gia súc gần nhà ở gây mất vệ sinh, đa số các hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh, vứt rác bừa bãi... đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, dịch bệnh, lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự, kiệt quệ về kinh tế dẫn đến nguy cơ nghèo, tái nghèo cao. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, tổ dân phố, chợ phiên, trang thông tin điện tử, phát thanh địa phương... góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bài trừ các hủ tục trong đời sống hiện đại, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, việc bài trừ hủ tục trong việc cưới, việc tang và trong đời sống sinh hoạt đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp đến nhân dân trong toàn huyện. Huyện đã triển khai các mô hình dân vận khéo trong thực hiện xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu gắn với bài trừ hủ tục. Theo đó, mỗi xã, thị trấn lựa chọn 1 khu dân cư làm điểm; các gia đình thực hiện việc làm chuồng trại hợp vệ sinh, làm hàng rào xanh, duy trì nhà cửa sạch sẽ, có vườn trồng rau... kết hợp với cam kết xóa bỏ hủ tục trong việc tang ma, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Để công tác bài trừ hủ tục được triển khai hiệu quả, thiết thực, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Quá trình thực hiện cần nhân rộng các điển hình tiên tiến có cách làm sáng tạo; vận động, giáo dục, thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, loại bỏ các hủ tục ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202305/nhung-mo-hinh-dan-van-kheo-trong-bai-tru-hu-tuc-o-quan-ba-0752461/