Những mẫu súng trường tốt nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Thế chiến thứ nhất đánh dấu với hàng loạt vũ khí mới lần đầu đưa vào sử dụng như máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm hay vũ khí hóa học. Nhưng đặc trưng của thế chiến 1 vẫn là những người lính bộ binh với khẩu súng trường.

Chiến tranh thế giới thứ nhất được nhớ đến vì những đổi mới công nghệ của nó; đó thực sự là một cuộc chiến tranh của những vũ khí “lần đầu tiên”. Về vũ khí cỡ nhỏ đã được cải thiện đáng kể trong một trăm năm, kể từ Chiến tranh Napoléon và điều này được ghi nhận bởi hỏa lực tàn khốc của súng máy.

Tuy nhiên, hầu hết binh lính đều được trang bị súng trường, một thiết kế cổ điển đã được phát triển chưa đầy 50 năm trước đó và cho phép binh lính có khả năng bắn nhanh hơn, mức chính xác cao hơn. Mặc dù so với những vũ khí tự động ngày nay còn kém xa, nhưng đây là một bước tiến lớn về hỏa lực.

Trong số những mẫu súng trường của các bên tham chiến, đứng đầu là khẩu Gewehr 98 của quân đội Đức do Mauser phát minh ra. Gewehr 98 của Mauser vẫn là một trong những súng trường bắn tỉa tốt nhất trong thời đại của nó.

Gewehr 98 sử dụng loại đạn 7,92x57 mm, hộp tiếp đạn 5 viên bên trong; đây cũng là loại súng được xuất khẩu rộng rãi đầu tiên và Trung Quốc là thị trường lớn nhất; Gewehr 98 được sử dụng cho đến năm 1935, khi nó được thay thế bằng Karabiner 98k, một phiên bản ngắn hơn sử dụng cùng thiết kế.

Gewehr 98 là loại súng trường đầu tiên sử dụng khóa nòng khóa then ngang, được coi là phát minh vĩ đại; tầm bắn hiệu quả của súng là 500 mét với ống ngắm quang học; tốc độ bắn chiến đấu khoảng 15 phát/phút. Tuy nhiên giống như các loại súng trường khác, Gewehr 98 có tầm bắn xa, nhưng tốc độ bắn chậm.

Một phiên bản súng trường đến từ Pháp, được sử dụng nhiều trong cuộc chiến là khẩu Lebel Model 1886. Những người lính được trang bị Lebel Model 1886 hoặc 1886 M93, được cải tiến rất nhiều so với khẩu Chassepot hoặc Fusil modèle 1866.

Ưu điểm lớn của khẩu Lebel là nó có hộp tiếp đạn 10 viên, bao gồm tám viên trong băng đạn dạng ống, nằm dọc theo thân súng, cùng với một viên trong tư thế sẵn sàng nạp và một viên trong buồng đạn.

Tuy nhiên, cũng như các loại súng trường khác của Pháp cùng thời, Lebel không có cơ cấu an toàn bằng tay; vì vậy ngoại trừ khi tham chiến, Lebel chỉ được mang theo 9 viên đạn.

Nhược điểm khác của khẩu Lebel là quá trình nạp đạn chậm hơn vì mỗi lần bắn xong, phải nạp đạn theo kiểu đẩy đạn vào buồng thẳng, thay vì ấn thẳng như các mẫu súng trường khác cùng thời. Lebel có tầm bắn hiệu quả là 400m và tầm bắn tối đa là 1.800m, khiến nó trở thành một vũ khí tốt trong chiến hào.

Sau súng tiểu liên AK-47, mức độ phổ biến không có vũ khí nào được sử dụng rộng rãi như Lee-Enfield của Anh. Lee-Enfield là một thiết kế lại từ khẩu Lee-Metford, được người Anh sử dụng lần đầu tiên vào năm 1888 và 7 năm sau là khẩu Lee-Enfield.

Lee-Enfield đã trở thành vũ khí chính của lực lượng quân sự của Đế quốc Anh và Khối thịnh vượng chung. Lee-Enfield được cải tiến lần đầu vào năm 1904 với tên gọi Súng trường nòng ngắn Lee-Enfield Mk III (SMLE).

SMLE MkIII được giới thiệu lần đầu vào năm 1907, cùng với lưỡi lê kiểu 1907. Ưu điểm chính của SMLE MkIII là hộp tiếp đạn 10 viên có thể tháo rời, tốc độ bắn từ 20-30 phát mỗi phút.

Tầm bắn hiệu quả là năm trăm mét và tầm bắn tối đa của nó là hai mươi bảy trăm mét. SMLE MkIII vẫn còn được sử dụng khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ và là một phiên bản đơn giản hóa là khẩu MkI số 4, vẫn còn được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh.

Một mẫu súng trường cũng nổi tiếng đến từ nước Nga Sa hoàng đó là khẩu Mosin-Nagant 1891. Mẫu súng trường của Đế quốc Nga đã được Mosin-Nagant phát minh vào năm 1891 và nó vẫn còn sử dụng ở chiến trường Syria, Libya và nhiều chiến trường khác.

Phiên bản M91 ban đầu được sử dụng trong Thế chiến I và được Liên Xô sau này sửa đổi thành M91-30, vũ khí được sử dụng rất nhiều trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Tổng cộng, hơn 37 triệu khẩu súng trường Mosin-Nagant đã được sản xuất.

Phiên bản M91 lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến tranh Nga-Nhật, nhưng do năng lực sản xuất của nước Nga Sa hoàng yếu kém, nên Quân đội Nga trong thế chiến 1 vẫn bị thiếu vũ khí đến mức, đã phải ký hợp đồng với công ty Remington, sản xuất M91 ở Mỹ.

Khoảng 470.000 khẩu súng trường M91 đã được Remington sản xuất, nhưng sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, Liên Xô đã từ chối trả tiền mua số vũ khí trên. Khoảng 280.000 khẩu sau đó đã được bán cho Quân đội Mỹ và trớ trêu thay lại được sử dụng bởi quân đội Mỹ và Anh, để hỗ trợ lực lượng chống nhà nước Xô viết non trẻ.

Các phiên bản M91 ban đầu sử dụng đạn 7,62x54 mm của Nga Sa hoàng, mà sau này được Liên Xô và các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw sử dụng trong các loại súng trường và súng máy. Mosin-Nagant sử dụng băng đạn năm viên không thể tháo rời và nó có tầm bắn hiệu quả là 500 mét.

Trong thế chiến 1, Quân đội Mỹ là quốc gia tham chiến sau cùng (năm 1917); lúc này Quân đội của họ sử dụng khẩu Springfield 1903 và là súng trường bộ binh tiêu chuẩn của Quân đội Mỹ khi đó. Springfield 1903 giữ nguyên vai trò đó cho đến khi được thay thế bằng khẩu M1 Garand vào cuối những năm 1930.

Springfield M1903 có tốc độ bắn từ 10 đến 15 viên mỗi phút và hộp tiếp đạn của súng nằm bên trong có sức chứa 5 viên trong. Tầm bắn hiệu quả của nó là khoảng 400 mét, trong khi tầm bắn tối đa là 1.500 mét. Nguồn ảnh: Warhistory.

Những loại vũ khí khổng lồ của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Nguồn: Sonia.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-mau-sung-truong-tot-nhat-trong-chien-tranh-the-gioi-thu-nhat-1575481.html