Những mầm non gìn giữ 'điệu hát thần tiên' quê hương Tân Trào

Từ một đốm lửa nhỏ, những nghệ nhân gạo cội đã cùng nhau thổi bùng lên phong trào hát Then, đàn tính; giúp những mầm non có thể được học hỏi, tiếp nối gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Có dịp trở về quê hương cách mạng Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), vùng đất đã chứng kiến và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, tôi thật may mắn khi được lắng nghe những làn điệu Then cổ bên dòng Nà Nưa từ những “nghệ sĩ” nhí.

Cứ ngân nga theo từng lời Then, chẳng biết từ lúc nào, tôi đã đem lòng yêu xứ Tuyên, yêu cả những lán nhà đơn sơ, mộc mạc. Xứ Tuyên vào những ngày hội xuân hay mỗi mùa lúa mới thơm nồng hương cốm, các cô gái Tày trong trang phục truyền thống, tay cầm đàn tính quây quần bên bếp lửa lại vang lên những điệu Then, điệu cọi làm say đắm lòng người.

Đam mê và khát khao được học hát Then - đàn tính

Theo lời những “cây cao, bóng cả” trong làng, muốn hát Then hay thì “miệng hát, tay gảy đàn tính và xóc nhạc theo từng câu hát, thì mới tạo nên giai điệu du dương, thầm thì như tiếng suối gọi”.

Nhìn những ngón tay gảy đàn tính và xóc nhạc có thể chưa thật thuần thục, câu hát cũng chưa tròn vành, rõ chữ và mượt mà như những nghệ nhân thực thụ nhưng ẩn chứa sâu trong đó là cả niềm đam mê, khát khao vô tận của những em nhỏ ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang nối tiếp những thế hệ đi trước, những nghệ nhân dân gian trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng.

Trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn. Nổi bật phải kể đến công tác bảo tồn, truyền dạy hát Then của dân tộc Tày, Nùng cho thế hệ trẻ, để những làn điệu Then giống như suối nguồn chảy mãi khi phát triển hạt nhân từ những CLB hát Then - đàn tính.

Trong số 6 em nhỏ ngày hôm đó, tôi được chị Đàm Thị Hiền (sinh năm 1994, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn tính) giới thiệu về 2 chị em Hoàng Thương và Hoàng Tuệ. Cũng bởi vì được sinh ra tại quê hương cách mạng, được lớn lên trong sự yêu thương và ngọt ngào của lời Then nên hát Then đã ngấm vào máu của các em. Em Hoàng Thương (sinh năm 2011), Câu lạc bộ (CLB) hát Then xã Trung Yên chia sẻ: “Em luôn tự nhắc nhở bản thân mình, là người dân tộc Tày thì phải biết hát Then và gảy đàn tính. Vì thế, em đã tham gia CLB hát Then, đàn tính nhằm gìn giữ âm nhạc truyền thống và lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc mình”.

Hoàng Thương (bên phải) - Hoàng Tuệ (bên trái) đang biểu diễn hát Then tại Khu di tích Quốc gia Tân Trào.

Trao đổi với chúng tôi, em Thương cho biết thêm: “CLB hát Then xã Trung Yên chúng em hiện có 20 thành viên, tất cả đều có chung niềm đam mê hát then. Ban ngày thì chúng em vẫn đi học văn hóa tại trường, buổi tối có thời gian thì lại cùng nhau về nhà văn hóa để học hát, học gảy đàn, học xóc nhạc. Mỗi khi có sự kiện, hội nghị, hay những buổi giao lưu với các thôn, xã khác, chúng em đều được cô Hiền đưa đi tham gia biểu diễn”.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất, nhưng Hoàng Tuệ (sinh năm 2014) đã theo học lớp hát Then, đàn tính được 2 năm do cô Hiền hướng dẫn và giảng dạy. “Dưới sự hướng dẫn của cô Hiền cùng các chị, em đã học được từ cách luyến láy, đến cách đánh đàn tính sao cho thật hay. Đến bây giờ em đã biết hát được một số bài then cổ, then mới ca ngợi trường lớp, bạn bè... Mỗi câu hát đều khuyên dạy chúng em biết yêu thương, sống chan hòa với nhau. Em rất vui và thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc Tày của mình”, Tuệ chia sẻ.

Nỗ lực gìn giữ “điệu hát thần tiên”

Đối với đồng bào Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc, hát Then được ví như “điệu hát thần tiên”, ẩn chứa trong từng câu hát chính là những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đồng bào.

Nhận thức được “điệu hát thần tiên” của dân tộc mình tựa như một mạch ngầm của đầu nguồn con suối, chảy qua từng gốc cây, khe đá không bao giờ cạn, song cùng với dòng chảy của thời gian, vốn văn hóa đáng quý cũng đang bị mai một nếu không được bảo tồn và gìn giữ. Để phát triển CLB, ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Hiền cùng ban chủ nhiệm CLB thường xuyên liên hệ với các nghệ nhân có tiếng trong thôn để học tập thêm kinh nghiệm. Từ những lần đi học hỏi, nhiều thành viên ban đầu chưa biết đàn, hát thì nay đã trở thành những thành viên “chắc tay đàn, ngọt giọng hát”, phục vụ hiệu quả cho hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Ngoài những giờ lên lớp, việc tham gia CLB hát Then - đàn tính đã tạo sân chơi bổ ích, giúp các em hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Đồng thời tạo cho các em sự tự tin, có tâm lý thoải mái để đạt kết quả học tập tốt hơn.

Câu hát vừa dứt, chị Hiền giới thiệu cho chúng tôi về loại nhạc cụ được sử dụng trong hát Then, chị nói: “Nhạc cụ đệm được sử dụng chính là đàn tính và chùm xóc nhạc. Đàn tính thường có 3 dây; hộp đàn làm bằng vỏ quả bầu khô; cán làm bằng thân cây gỗ. Chùm xóc nhạc là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, phương pháp kích âm là rung hoặc lắc, các vòng tròn nhỏ cùng các quả nhạc (chuông nhỏ) tác động vào nhau phát ra âm thanh”.

Nhờ có những người trẻ như chị Hiền và nhiều nghệ nhân khác, giờ đây, tiếng đàn tiếng hát ngày đêm vẫn réo rắt bên dòng Nà Nưa, nơi chiến khu xưa, đem lại niềm vui cho người già con trẻ, dòng suối được khơi nguồn vẫn ngọt ngào xuôi chảy. “Những nghệ nhân già cội và chúng tôi rồi cũng sẽ đi xa, nếu không có những giải pháp gìn giữ thì chẳng bao lâu nữa, lớp con trẻ chẳng còn biết thế nào là hát Then, đàn tính nữa", chị Hiền trải lòng.

Đến Khu du lịch Quốc gia Tân Trào (Tuyên Quang), du khách có thể hòa mình vào điệu hát Then truyền thống của người Tày, Nùng bên dòng Nà Nưa từ những em nhỏ của CLB hát Then - đàn Tính xã Trung Yên.

Chia tay thủ đô kháng chiến Tân Trào, tiếng hát, tiếng đàn của các em nhỏ xã Trung Yên cứ thế vang vọng mãi trong lòng chúng tôi. Dẫu biết rằng trong cuộc sống hôm nay, việc gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của những thế hệ đi trước và của các em nhỏ xã Trung Yên, tiếng hát Then, tiếng đàn tính sẽ gặt hái được những "quả ngọt", mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của dân tộc Tày, Nùng nói riêng và của văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung.

Ngày 12-12-2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiếng hát Then - tiếng đàn Tính của Hoàng Thương và Hoàng Tuệ vang vọng với lời ca mời về xứ Tuyên bằng tiếng Tày, tiếng Kinh.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-mam-non-gin-giu-dieu-hat-than-tien-que-huong-tan-trao-721629