Những mâm cúng Tết Đoan ngọ nhận 'mưa lời khen' của dân mạng Việt

Dạo một vòng mạng xã hội, không khó bắt gặp những tấm ảnh chụp mâm cúng Tết Đoan ngọ được các chị em bày biện đẹp mắt và hấp dẫn, khiến nhiều người trầm trồ, không ngớt lời khen ngợi.

Ngày Tết Đoan ngọ, các gia đình Việt tất bật chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ món ăn truyền thống để "giết sâu bọ". Đây cũng là dịp hội chị em thể hiện sự đảm đang, chu đáo của mình. Theo phong tục ở miền Bắc, cơm rượu nếp, bánh tro, các trái cây mùa hè như mận, vải là những món ăn không thể thiếu trong dịp này. Mâm cúng đơn giản nhưng đủ những lễ vật này được chị Tuyet Nguyen bày gọn trong chiếc mẹt tre. Bài đăng của chị hiện thu hút hơn 1,9 nghìn lượt thích kèm nhiều lời khen ngợi của cộng đồng mạng.

Theo chia sẻ của tài khoản Nguyễn Việt Hà, năm nay Tết Đoan ngọ rơi vào giữa tuần, công việc bận rộn, hơn nữa cơ quan cách xa nhà, tuy nhiên chị vẫn chuẩn bị mâm cúng chu đáo, gồm các lễ vật đặc trưng như rượu nếp, bánh tro, xôi sen dừa, vải, đào, mận... "Dù không phải mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị, dù chỉ là mâm cơm giản dị nhưng xuất phát từ cái tâm của người chuẩn bị, là cách thể hiện lòng biết ơn tổ tiên", nữ nhân viên ngân hàng cho biết.

Mâm cỗ mùng 5/5 âm lịch được chị Thanh Tâm Đào chia sẻ trên trang cá nhân cũng nhận không ít lời khen. Việc sắp xếp đồ cúng trong bộ chén đĩa đẹp, đồng bộ, kết hợp với nhiều màu sắc hài hòa khiến mâm cỗ tăng thêm hấp dẫn.

Trong ngày Tết truyền thống này, tài khoản Hoai Nguyen cũng đăng bức hình chụp mâm cỗ cúng gia tiên được bài trí đẹp mắt. Ở Hà Nội, nhiều gia đình lựa chọn hoa sen để đặt cạnh cùng các món ăn.

Mâm cỗ cúng Tết diệt sâu bọ của tài khoản Vương Bích Nhật nhận được nhiều đánh giá "đơn giản mà đẹp", chỉ với 3 chén nước đường, cơm rượu cái, cơm rượu nếp cẩm ở trung tâm chiếc mẹt tre, xung quanh bày các loại quả mùa hè như mận hậu, mận vàng, xoài, vải, nhãn, và bánh tro của Hà Giang. "Mình nhớ hồi nhỏ, mùng 5/5 năm âm lịch nào cũng thao thức từ tối hôm trước rồi đi ngủ thật sớm, để 5g sáng hôm sau dậy ăn luôn quả mận, quả vải... Bố mẹ thắp hương xong thì ăn thìa rượu nếp cẩm, nếp trắng với ý nghĩa diệt được hết sâu bọ trong bụng. Còn giờ đã lớn, đã làm mẹ của 3 con nên mình tự tay chuẩn bị mâm cúng", chị Bích Nhật chia sẻ.

"Khoe" mâm cúng Tết Đoan ngọ, chị Vũ Thanh Hoan nhớ lại quãng thời gian tuổi thơ thật vui mà không phải đứa trẻ nào cũng được trải qua. Trong ký ức của chị, mỗi dịp mùng 5/5 âm lịch, chị lại lăng xăng phụ bếp, nhóm lửa thổi cơm nếp, cậy trấu ở men cái, rồi giã men bằng cối đá, rây men. Sau khi xôi nếp được dỡ ra, phần cháy ở nồi là lại được ăn đẫy bụng. Sáng mùng 5, bà gọi chị dậy thật sớm để ăn cơm rượu nếp, nhưng chỉ ăn vài thìa thôi, sợ say rượu.

Hình ảnh mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ của tài khoản Đoàn Phương Thảo cho thấy sự tỉ mỉ, chỉn chu. Ngoài mận, vải, măng cụt, cơm rượu nếp cái hoa vàng, cơm rượu nếp cẩm, xôi gấc, xôi vò... chị Thảo còn chuẩn bị thêm chè bột sắn đậu xanh, giúp cả nhà giải nhiệt, thanh mát cơ thể trong tiết trời nắng nóng. Có thể thấy, năm nay dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các gia đình chuẩn bị Tết đoan ngọ trọn vẹn, đủ đầy hơn.

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/nhung-mam-cung-tet-doan-ngo-nhan-mua-loi-khen-cua-dan-mang-viet-i4456.html