Những luận điệu 'thổi lửa' xung quanh công tác cán bộ

Ngày 15-7, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về việc điều động bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khóa XV giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngay sau đó, một số ý kiến xuyên tạc, hướng lái tiêu cực đã được các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đưa ra gây nhiễu loạn thông tin.

Sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, “ghế” Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn để trống. Bộ Y tế là cơ quan có vị trí vô cùng quan trọng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. Chính vì vậy, dư luận vô cùng tò mò, hiếu kỳ về việc ai sẽ đủ năng lực để nhận “sức nóng” của vị trí này.

Việc điều động, giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan là trường hợp đặc biệt nhất từ trước đến nay khi “tư lệnh ngành” không phải là bác sĩ hay dược sĩ. Chính vì vậy, sau khi quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ được công bố, giới “dân chủ” đã nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc. Trong đó, Việt Tân, Đài Á châu tự do - RFA, Đài VOA tiếng Việt… vẫn tiếp tục thể hiện sự thiếu thiện chí, tung ra hàng loạt thông tin, luận điệu lệch lạc về sự kiện này. Một mặt, những kẻ này lợi dụng việc bà Đào Hồng Lan không xuất thân từ ngành y để chĩa mũi nhọn công kích cá nhân bà Lan. Mặt khác, “tát nước theo mưa”, những “con buôn dân chủ” ra sức tấn công, xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu độc hại được các đối tượng xấu rêu rao có thể kể đến như: “Bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế cũng không thể làm cho Bộ Y tế khá hơn. Buồn cho Bộ Y tế và buồn cho chính mình”, “việc một người không có chuyên môn về y tế nhưng giữ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế là không có lòng tự trọng, liều mạng”, “chính quyền Việt Nam đang mang sức khỏe, tính mạng của người dân ra làm phép thử”, “công tác cán bộ chỉ phục vụ mưu đồ chính trị của Đảng, không phục vụ đời sống xã hội”…

Phải khẳng định rằng, những luận điệu được các đối tượng xấu tung ra như nêu trên là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, thiếu khách quan.

Việc bà Đào Hồng Lan không xuất thân từ ngành y nhưng được giao trọng trách “tư lệnh ngành” có phải là “sai lầm” hay không? Nếu chỉ dựa vào thực tại, chắc chắn chúng ta không thể có đủ căn cứ để đánh giá, trả lời cho vấn đề này. Trong số 14 Bộ trưởng Bộ Y tế kể từ năm 1945 đến nay, bà Đào Hồng Lan là trường hợp đặc biệt khi không trưởng thành từ chính ngành mà mình được phân công đứng đầu. Dĩ nhiên, điều này sẽ có những khó khăn nhất định trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, việc không trưởng thành từ ngành y tế không đồng nghĩa với việc bà Đào Hồng Lan không có năng lực quản lý, điều hành công việc.

Thực tế, trong Chính phủ của nhiều nước trên thế giới, người đứng đầu các bộ, ngành cũng không phải là người được đào tạo chuyên sâu về ngành đó. Theo đó có thể kể đến là bà Tomomi Inada, là luật sư và là người chịu trách nhiệm về chính sách cho Đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP), đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2016; ông Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh của Mỹ là người có chuyên môn về các vấn đề tư pháp hình sự, nhập cư và chính sách thuế… Ngoài ra, chính phủ của một số quốc gia cũng bổ nhiệm các bộ trưởng với tuổi đời còn rất trẻ (dưới 30 tuổi), chưa có kinh nghiệm quản lý sâu sắc, chưa thực sự “chín” về chuyên môn nghề nghiệp. Nếu theo lập luận, tư duy của các “nhà dân chủ” thì phải chăng điều này cũng do “lỗi của Đảng cộng sản”?

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã phải chứng kiến không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, bị đưa ra xử lý hình sự. Trong số đó, nhiều người là chuyên gia, nhà khoa học giỏi, có uy tín. Rõ ràng, không phải ai giỏi chuyên môn cũng có thể trở thành người lãnh đạo, quản lý tốt.

Theo quy định tại Hiến pháp: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”. Bộ trưởng là chức danh lãnh đạo, thực hiện công tác quản lý, điều hành. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế không nhất thiết phải là các y, bác sĩ đầu ngành. Dĩ nhiên, nếu chúng ta có một người vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản lý thì đó là điều tốt. Vậy nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là trong công tác quản trị thì chuyên môn y tế không phải là điều kiện duy nhất.

Việc giao bà Đào Hồng Lan giữ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã được Đảng, Nhà nước đánh giá, cân nhắc, dựa trên lợi ích chung của toàn dân tộc. Bà Đào Hồng Lan đã kinh qua nhiều vị trí từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị đạt được nhiều thành tích quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, hy vọng vào sự phát triển của ngành y tế dưới sự lãnh đạo của bà Đào Hồng Lan. Những luận điệu “đoán già, đoán non”, tấn công cá nhân, hạ bệ người khác chắc chắn không thể mang lại sự phát triển cho xã hội. Đó chỉ là chiêu trò xấu xa phục vụ các mưu đồ đen tối của thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/135146/nhung-luan-dieu-thoi-lua-xung-quanh-cong-tac-can-bo