Những lớp học 'đặc biệt' nơi vùng khó

Trong hai năm trở lại đây, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh mở liên tục các lớp học xóa mù chữ (XMC), đáp ứng nhu cầu học tập cho người dân. Việc mở lớp XMC là một giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ người mù chữ cũng như nâng cao trình độ dân trí tại các xã vùng khó trên địa bàn tỉnh.

Các học viên lớp xóa mù chữ tại xã Tri Lễ, huyện Văn Quan

Những ngày cuối năm 2023, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đi thực tế tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tân Tiến, xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia. Tại đây đang tổ chức 1 lớp XMC cho bà con, thời gian học vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Giống như các lớp học XMC khác, học viên lớp học ở xã Yên Lỗ đa dạng về độ tuổi, người cao tuổi nhất gần 60 tuổi và ít tuổi nhất là 38 tuổi.

Dẫn chúng tôi tham quan lớp học, thầy Nguyễn Văn Quỳnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến, cũng là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lớp XMC cho biết: Năm học 2023, lớp XMC có 90 học viên, chủ yếu là đồng báo dân tộc Nùng và Dao. Ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất tại trường còn nhiều thiếu thốn, bà con đa phần đều là người dân tộc thiểu số, lớn tuổi nên việc truyền đạt, giảng dạy mất khá nhiều thời gian. Các thầy cô phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để các học viên quen dần với mặt chữ và con số. Khó khăn, vất vả, nhưng nhìn thấy sự tiến bộ, nỗ lực của các học viên từng ngày, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đến nay, toàn xã duy trì đạt chuẩn XMC mức độ II.

Không chỉ tại xã Yên Lỗ, những ngày cuối năm, thầy và trò tại các lớp học XMC trên địa bàn tỉnh cũng đang tất bật hoàn thiện các chương trình giảng dạy. Để các lớp học hiệu quả, các giáo viên cho học viên làm các bài kiểm tra trình độ đọc, viết, tính toán, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức lớp xóa mù chữ phù hợp. Các học viên khi theo học lớp XMC sẽ được miễn học phí; hỗ trợ sách, bút, vở, tài liệu cho học viên trong suốt thời gian học. Chương trình học được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I gồm 3 môn học (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội); giai đoạn 2 gồm 4 môn học (Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý).

Bà Hoàng Thị Thời, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học 1 Tri Lễ, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, phụ trách giảng dạy tại lớp XMC xã Tri Lễ chia sẻ: Thời gian đầu, chúng tôi phối hợp cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn đến từng hộ gia đình vận động theo học lớp XMC, do tâm lý bà con vẫn còn e ngại, xấu hổ, có những nhà nằm tách biệt trên đồi, phải đi bộ cả tiếng mới tới nơi nên người theo học chưa đông. Kiên trì vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian, bà con dần hiểu và mạnh dạn đến lớp. Đối với những học viên chưa biết tiếng phổ thông, chúng tôi phải giảng dạy bằng tiếng dân tộc để học viên hiểu và dễ tiếp thu hơn. Bên cạnh đó, ngoài dạy chữ, làm toán, vào giờ giải lao, các thầy cô giáo còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho học viên mỗi khi đến lớp.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cho các học viên

Ông Tô Văn Đuổng, thôn Lũng Phúc, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan phấn khởi: “Trong thôn bây giờ nhiều người biết đọc, viết, tính toán, mình không biết thì lạc hậu lắm. Trước kia nhà nghèo không được tới trường, còn nay “trường” về bản mình rồi, mình phải tới học bằng được cái chữ chứ. Sau một thời gian theo học lớp XMC tại xã (từ tháng 3 đến tháng 12/2023), giờ đây tôi đã có thể viết, đọc và tính toán một số phép tính đơn giản. Tôi vui lắm vì từ nay khi làm các thủ tục hành chính mà không cần điểm chỉ như trước nữa vì thế trong quá trình tham gia lớp học tôi không bỏ buổi nào cả dù ngày nắng hay ngày mưa. Khóa học XMC giai đoạn II năm 2024 tôi sẽ tiếp tục tham gia đầy đủ để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích hơn”.

Không chỉ riêng ông Đuổng, những năm qua, toàn tỉnh đã có hàng nghìn học viên được XMC thành công. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 78 lớp XMC, riêng trong năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 60 lớp XMC, với hơn 1.300 học viên. Những lớp học XMC trên địa bàn được tổ chức chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tiêu chuẩn công nhận cá nhân đạt chuẩn biết chữ

– Người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: Hoàn thành giai đoạn 1 chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc hoàn thành lớp 3 chương trình giáo dục tiểu học.

– Người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: Hoàn thành giai đoạn 2 chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

(Theo điều 19, Nghị định 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Chính phủ)

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Những năm qua, để nâng cao hiệu quả công tác XMC trên địa bàn tỉnh, sở đã chỉ đạo sát sao các phòng GD&ĐT, trung tâm học tập cộng đồng tại các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học như: linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học, gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương…

Song song với đó, Sở GD&ĐT còn xây dựng trang thông tin điện tử, lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học XMC cho 200 trung tâm học tập cộng đồng tại các huyện, thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác XMC, tăng cường tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, các cá nhân khác đủ điều kiện tham gia giảng dạy XMC.

Công tác phổ cập và XMC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, năm 2023, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi theo chuẩn mức độ I và II ước đạt trên 99,7%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi, theo chuẩn mức độ I ước đạt trên 99% và theo chuẩn mức độ II ước đạt trên 95%. Đến nay, toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ II.

Bà Lăng Thị Thu, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh em, có ăn đã khó chứ chưa bao giờ tôi dám mơ đến chuyện đi học. Tháng 5/2023, biết tin xã tổ chức lớp học XMC, tôi đã chủ động đăng ký tham gia và còn được bầu làm lớp trưởng. Tôi rất vui vì từ nay tôi đã biết đọc, viết chữ và tính toán những phép tính cơ bản. Từ nay đi chợ hay đi họp phụ huynh cho con tôi không còn ngại như trước kia nữa rồi.”

Không chỉ là câu chữ, con số, những lớp học đặc biệt đã và đang mang tới cho người dân những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh ánh sáng của văn hóa, tri thức, là hành trang để họ tiếp tục nỗ lực vượt khó, vươn lên.

MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/644398-nhung-lop-hoc-dac-biet-noi-vung-kho.html