Những lời khuyên 'quý hơn vàng' của CTO Uber dành cho giới khởi nghiệp

Tổng Giám đốc Công nghệ toàn cầu của Uber đã tiết lộ cơ duyên đến với Uber, cách thức phát triển công ty và dành nhiều lời khuyên cho các startup.

Vừa qua, ông Thuận Phạm - Tổng Giám đốc Công nghệ toàn cầu (CTO) của Uber đã sang Việt Nam để tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình khởi nghiệp UberEXCHANGE. Trong đó, ông có tham gia buổi talkshow với sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM. Ở sự kiện này, ông Thuận Phạm đã tiết lộ cơ duyên đến với Uber, cách thức phát triển công ty và dành nhiều lời khuyên cho các startup.

Ông Thuận Phạm trong talkshow khởi nghiệp vừa diễn ra tại TP.HCM.

Uber đã trả lời tốt 3 câu hỏi

"Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi trả lời rằng mình không cảm thấy có gì khác biệt giữa Uber so với thời gian làm việc ở những công ty startup khác. Tôi gần như đã cống hiến cả đời mình cho các công ty khởi nghiệp, trong số các công ty tôi từng làm việc trước đây, chỉ có HP là công ty duy nhất có số nhân viên lên đến hàng ngàn", ông Thuận Phạm chia sẻ tại talkshow.

Theo ông Thuận, Uber cũng giống như các startups khác, công ty lúc ông mới gia nhập chỉ có 40 kỹ sư, mọi người còn trẻ và làm việc rất chăm chỉ. Ông có những tiêu chuẩn của riêng mình để quyết định có tham gia vào một startup nào hay không, chứ không quyết định cảm tính. Những câu hỏi mà ông đã đặt ra khi đó là: Startup này có thực sự giải quyết được vấn đề nào cho cộng đồng không? Bạn có thật sự muốn làm việc với đội ngũ này hay không? Bạn có thích ông chủ của mình không?.

"Uber đã trả lời tốt ba câu hỏi này. Họ có một mô hình kinh doanh khá thú vị, dĩ nhiên không có gì đảm bảo rằng mô hình này sẽ thành công. Khi tiếp xúc với các lãnh đạo Uber tôi đã nghĩ: Nếu tôi không nắm bắt cơ hội này, chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ hối hận dù có thành công hay không. Với Uber, chúng tôi cảm thấy mình đang thực sự mang đến những giá trị lớn lao cho người dân toàn thế giới", ông Thuận nói.

Làm startup phải sáng tạo để giải quyết đúng nhu cầu của người dùng. (Ảnh minh họa)

CTO của Uber chia sẻ thêm rằng, ông không đặt bản thân trong vòng an toàn. Trước đây, ông đã từng đưa ra nhiều quyết định rủi ro đến mức khiến gia đình lo lắng, nhưng hóa ra đó lại là những quyết định đúng đắn. Công việc đầu tiên sau đại học của ông là làm nghiên cứu tại HP.

Sau 4 năm, ông cảm thấy công việc không còn thách thức nữa nên kết thúc việc nghiên cứu và chuyển sang tham gia vào sản xuất những sản phẩm có tính ứng dụng ở các công ty nhỏ hơn. Sau này, ông liên tục thay đổi công ty khi cảm thấy không còn gì mới mẻ.

"Cơ hội sẽ tìm đến bạn nếu bạn biết phát triển bản thân trong quá trình làm việc. Khi tôi cảm thấy mình không còn tiến bộ, tôi sẽ tự rời khỏi khu vực an toàn đó, đặt mình vào một tình huống thách thức hơn và bắt đầu học hỏi", ông nói.

Làm startup phải đi từng bước một

Về lời khuyên dành cho các startup, ông Thuận cho rằng, để startup thành công, một là phải sẵn sàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Muốn phát triển nhanh, phải chấp nhận sai lầm và vượt qua sai lầm một cách nhanh chóng. Thậm chí những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm cũng không tránh khỏi điều này.

"Ở Uber chúng tôi không nghi ngờ năng lực của các kỹ sư hay nghi ngờ năng lực của chính mình. Mọi sai lầm được chúng tôi xem là những thách thức mà mình phải vượt qua. Miễn là sau thất bại, khó khăn đó bạn học hỏi, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn", ông Thuận chia sẻ.

"Khi làm startup, điều mà các bạn nên nghĩ đến đó là mình đang giải quyết vấn đề gì? Giải quyết bằng cách nào để được người dùng chấp nhận, và sẵn sàng bỏ tiền để được sử dụng? Bạn phải xác định sản phẩm của mình phù hợp với thị trường như thế nào? Nếu bạn không giải quyết được vấn đề cho người dùng, chắc chắn họ sẽ không mua sản phẩm của bạn. Trong giai đoạn ban đầu cần phải chứng minh mình có khả năng sáng tạo, có thể phát triển thật nhanh", ông chia sẻ thêm.

Theo ông Thuận Phạm, trong môi trường quốc gia khởi nghiệp, những người làm startup phải bắt đầu từng bước một với cộng đồng đầu tư, sự hỗ trợ của chính phủ, chiến lược giá phù hợp với môi trường cạnh tranh lành mạnh… Thung lũng Sillicon thành công như hôm nay là nhờ có hệ thống giáo dục tiến bộ, nhờ có những nhân tài đến từ các trường đại học nổi tiếng như Brooklyn, Stanford… Chính sự tập trung của người tài đã thu hút đầu tư. Tương tự như thế, chính khách hàng đã thu hút các nhà cung ứng. Các bước phát triển này được sắp xếp từng bậc một, có thể đẩy nhanh chúng khi làm startup nhưng không thể bỏ đi bất kỳ một bước nào.

Ngọc Phạm

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/cong-nghe/nhung-loi-khuyen-quy-hon-vang-cua-cto-uber-danh-cho-gioi-khoi-nghiep-791778.html