Những loại giáp làm nên sức mạnh cho xe tăng

Khi nói về khả năng xuyên phá giáp của một khẩu pháo hoặc nói về khả năng bảo vệ của thiết giáp, người ta thường tính bằng độ dày của RHA, vậy RHA là gì?

RHA là viết tắt của Rolled Homogeneous Armour, tạm dịch là Giáp cán đồng nhất, đây là một dạng giáp cho thiết giáp được sử dụng ngay từ những cổ xe tăng đầu tiên trên thế giới và phát triển mạnh nhất cũng như được dùng phổ biến trong Thế chiến 2 và về sau. Cho đến hiện tại, RHA được sử dụng như một phần quan trọng của giáp phức hợp.

Quy trình chế tạo của loại giáp này được làm từ phôi thép đạt chất lượng được gia công đến một kích thước thích hợp, sau đó được cán nóng đồng nhất để có tăng cường tính chất chịu lực đồng đều cho tấm giáp này từ trong ra ngoài.

Do sử dụng thép ít cacbon làm nguyên liệu, nên RHA có độ dẻo khá cao, độ cứng khá ổn, rơi vào khoảng từ 250 đến 400 BH theo thang đo độ cứng Brinell. Giáp loại này được đánh có khả năng chịu lực khá tốt, giáp có độ cứng khá ổn, vì giáp có độ dẻo cao nên khó vỡ, cho khả năng bảo vệ khá tốt trước nhiều loại đạn.

Bên cạnh đó, giá thành rẻ và dễ sản xuất khiến loại giáp này được sử dụng phổ biến cho đến thời điểm hiện tại. Và vì chính độ phổ biến đó mà RHA được sử dụng như một thước đo khả năng bảo vệ của giáp.

Tuy nhiên thì muốn sản xuất loại giáp này buộc yêu cầu về cơ sở hạ tầng trang thiết bị hạng nặng. Và đối với những tấm giáp quá dày sẽ cực kỳ khó sản xuất với chất lượng tốt và số lượng lớn.

Nói chung là RHA là một loại giáp được sử dụng phổ biến từ giai đoạn đầu tiên của xe tăng cho đến tận bây giờ, do đó nó được sử dụng như một thước đo độ bảo vệ của giáp bằng cách quy mọi thứ về RHA. Bên cạnh đó còn có 2 loại giáp khác khá có tiếng là FHA và CHA. Vậy FHA và CHA là gì?

FHA là viết tắt Face Hardened Armor, tạm dịch là Giáp bề mặt cứng. Đây là một loại giáp được sinh ra vốn để dành cho các tàu chiến chứ không phải xe tăng và nổi tiếng nhất có thể kể đến là giáp Krupp của Đức. Và chủ yếu chỉ có Đức và Nhật dùng loại giáp này, các nước còn lại thì ít sử dụng hơn.

Quy trình làm ra loại giáp này khá phức tạp. Phôi thép hoặc hợp kim dùng để làm giáp sau được gia công đến hình thái thích hợp sẽ qua quá trình Cacbon hóa bề mặt và được làm nóng nhanh bề mặt với lượng nhiệt đi vào khoảng 30-50% độ dày tấm thép.

Ngay sau đó làm nguội tấm thép này bằng cách thả ngay vào nước hoặc dầu. Từ đó tạo hình cấu trúc bề mặt phức tạp giúp gia tăng độ cứng và khả năng chống chịu của bề mặt.

Giáp FHA sử dụng thép có nhiều cacbon nên được đánh giá là khá giòn, bù lại độ cứng bề mặt ở mức rất cao, khoảng 450 đến 600 BH theo thang đo độ cứng Brinell, gấp rưỡi so với RHA, nhưng độ cứng này giảm mạnh vào trong nền.

FHA được đánh giá là có khả năng chống các đạn xuyên giáp thuộc loại tốt nhất do có độ cứng bề mặt cao (thông qua đó thường làm đạn bị nảy hoặc vỡ vụn khi va chạm), tuy nhiên giáp dễ nứt vỡ trước tác động quá mạnh như đạn của pháo cỡ nòng lớn và xuyên phá với đạn xuyên giáp có mũ đệm hoặc đạn xuyên giáp cứng hơn.

Và một khi đã xuyên qua được bề mặt thì phần nền gần như chắc chắn sẽ bị xuyên phá do phần bề mặt rất kém trong việc giữ đạn và nền có độ dày không đủ cao để cản phá.

Nhưng loại giáp này thường thì có giá thành khá đắt đỏ do khó sản xuất, quy trình sản xuất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và nguyên vật liệu. Bên cạnh đó và có thể rèn được độ dày rất lớn với chất lượng tốt mà các phương pháp còn lại rất khó để làm.

FHA dùng chủ yếu bởi lực lượng thiết giáp Đức và Nhật trong Thế chiến 2. Do nền công nghiệp của Đức giai đoạn này không đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hạng nặng để sản xuất ra được tấm giáp đủ dày cho xe tăng, bù lại họ lại sẵn có cơ sở vật chất cho việc sản xuất giáp FHA với quy mô rất lớn.

Còn với Nhật thì do xe tăng của họ nhỏ và nhẹ, có giáp quá mỏng, thậm chí với độ dày này nó có thể bị xuyên thủng bởi súng trường. Vì vậy cứng hóa bề mặt là một điều không thể nào hiệu quả hơn để gia tăng khả năng bảo vệ của xe.

Còn CHA, đó là viết tắt cho Cast Homogeneous Armour, tạm dịch là Giáp đúc đồng nhất, hay còn gọi ngắn gọn hơn là Cast Armor. Đây là loại giáp cũng được sử dụng cho những chiếc xe tăng thế hệ đầu tiên và cũng được phát triển mạnh trong Thế chiến 2.

Cho đến hiện tại CHA cũng được sử dụng như một phần của giáp phức hợp tương tự RHA, nhưng chỉ còn mỗi Liên Xô/Nga là dùng như này và T-90 được cho là thế hệ xe tăng cuối cùng dùng giáp loại này.

Quy trình làm ra loại giáp này khá đơn giản. Đầu tiên thép hoặc hợp kim đã đạt chuẩn được nung nóng chảy sẽ được đổ vào khuôn đã đúc sẵn hình dáng của vật cần đúc, sau đó đống kim loại nóng chảy trong khuôn này sẽ được làm nguội dần và thành phẩm sau khi xử lý sẽ được đảm bảo và tăng cường thêm sức chịu lực tốt hơn so với ban đầu.

Và cũng như RHA, CHA sử dụng thép không có nhiều phụ gia cacbon nên có độ cứng và độ dẻo khá tốt. Nhưng do không có qua công đoạn gia công như RHA nên tính chất chịu lực tác động của nó kém hơn nhiều so với RHA từ 8 đến 20% mặc dù có độ cứng tương đương.

Nhưng bù lại thì CHA là loại giáp có giá thành rẻ nhất, quy trình sản xuất đơn giản nhất, dễ làm nhất, ít tốn thời gian nhất trong cả 3 loại được nêu. Và đặc biệt là không cần trang thiết bị hạng nặng như RHA để có thể sản xuất hàng loạt hay những quy trình phức tạp và nghiêm ngặt như FHA.

Bên cạnh đó thì CHA có thể làm được mọi kiểu hình phức tạp, kể cả là đúc nguyên cái thân xe tăng như M4A1 Sherman và M26 Pershing hoặc nguyên cái tháp pháo như cái tháp pháo đúc của T-34 và T-90 đời đầu. Thậm chí nó còn có thể đúc được một tấm giáp có độ dày lớn dùng cho tàu chiến Hải quân với số lượng lớn.

Nhờ ưu điểm trong khâu sản xuất này mà CHA cũng được dùng trong biên chế của hầu hết các quốc gia tham chiến Thế chiến 2 cho đến bây giờ mặc dù về mặt khả năng bảo vệ nó vẫn kém cạnh hơn rất nhiều so với RHA và FHA.

Lê Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-loai-giap-lam-nen-suc-manh-cho-xe-tang-1764878.html