Những “lỗ hổng“ chết người trong cứu nạn, cứu hộ

Bão lũ đổ vào miền Trung chưa bao giờ bớt dữ dằn nhưng hậu quả của nó hoàn toàn có thể hạn chế được nếu việc xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống khoa học và sát thực tế. Phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Hậu cần tại chỗ và Phương tiện tại chỗ tỏ rõ là giải pháp hữu hiệu nhất đối với người dân khi gặp lũ. Nhưng qua thực tế cho thấy việc thực hiện phương châm này thiếu triệt để với những phương án cứu trợ xa thực tế ở không ít địa phương!

Lũ về, Chủ tịch xã chỉ biết cầu cứu Chủ tịch tỉnh Sau nhiều lần cùng dân chạy lũ cũng như thực hiện cứu trợ, bên cạnh nhiều địa phương chủ động tích cực đưa ra những phương án hữu hiệu phòng chống bão lũ, phóng viên Báo CAND nhận thấy không ít Ban Phòng, chống lụt bão (kể cả cấp tỉnh) đến cấp xã ở một số địa phương miền Trung còn lúng túng trước tình huống bão lũ xảy ra. Hệ quả của sự bị động trong phòng, chống bão lũ lần này đã phải trả giá bằng hậu quả chỉ sau 5 ngày lũ xảy ở 4 tỉnh Bắc miền Trung đã làm 84 người chết và mất tích, ngập lụt hàng chục ngàn ngôi nhà, công trình giao thông, cầu cống, gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng mà đến nay chưa thể khắc phục. Những thiệt hại khó đong đếm được như vậy có phần do người dân lơ là khi lũ mới đầu mùa, nhưng phần không nhỏ bắt nguồn từ những phương án được thiết lập còn xa thực tiễn. Qua tìm hiểu thực tế, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" như nêu trên, huyện nào, xã nào cũng có phương án phòng chống bão lũ nhưng hầu hết lại thiếu các phương án cụ thể, chi tiết tới từng khu dân cư khi lũ lớn xảy ra ở miền Trung. Vì lý do đó nên khi lũ lên nhanh, việc thực hiện "chỉ huy tại chỗ" ở nhiều xã vùng lũ Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng vì thế mà kém tác dụng. Lũ đến, nhiều người dân ở các xã Tân Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) và xã Liên Trạch (Bố Trạch) tỉnh Quảng Bình buộc phải mạnh ai nấy chạy. Trong lũ, hệ thống thông tin liên lạc các địa phương bị mất do nhiều lý do như mất điện, không xạc được pin điện thoại, hệ thống loa phát thanh của các xã bị ngắt... nên mới có chuyện khi lũ lên ngập làng, các Chủ tịch xã điện thẳng về Chủ tịch tỉnh cầu cứu. "Lực lượng tại chỗ" trên thực tế ở nhiều địa bàn thôn, xã chủ yếu là lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng trực tiếp lao vào lũ dữ cứu dân. Nhìn thẳng vào thực tế trận đại hồng thủy vừa qua ở Quảng Bình mới thấm thía nỗi đau về thiệt hại do bão lũ và phương án thiếu khả thi dẫn tới hậu quả nặng nề. Ai cũng biết "Phương tiện tại chỗ" là yếu tố tối cần thiết để ứng cứu kịp thời người dân trong lũ, nhưng khi lũ ập về, việc chính quyền địa phương điều hành phương tiện cứu trợ lập tức gặp khó khăn. Ghi nhận của phóng viên Báo CAND cho thấy, tại vùng lũ Quảng Bình hàng ngàn người đã được cứu sống nhờ những người dân tự chèo đò, mảng tự cứu nhau trên lũ. Cực chẳng đã, nhiều người phải leo lên nóc nhà, cành cây chờ ca nô, xuồng máy của Bộ đội, Công an đến cứu. Bài học ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình nơi có hơn 200 thuyền máy phục vụ du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng khi lũ lớn xảy ra, chính quyền không thể kêu gọi hơn 200 thuyền đi ứng cứu mà Chủ tịch xã buộc phải điện về cầu cứu lãnh đạo tỉnh. Hơn 3.500 người dân các xã Tân Hóa, Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã phải dắt díu nhau chạy lên hang đá tránh lũ. Nếu như mạng sống đã an toàn thì ngay sau đó họ phải đối diện với cái đói và thiếu nước sạch nhiều ngày như báo chí đã nêu trước khi nhận được cứu trợ. Người dân vùng lũ các tỉnh miền Trung còn rơi vào cảnh như thế thì khó có thể nói phương châm "Hậu cần tại chỗ" đã thực hiện tốt như tinh thần các cuộc họp phòng, chống bão lũ đặt ra. "Nếu làm tốt công tác "4 tại chỗ" thì mẹ con chị mần chi phải nhịn đói 3 ngày trong lũ hả chú", chị Trần Thị Thanh ở vùng lũ Quảng Hải nói vậy. “Nếu làm tốt phương châm 4 tại chỗ thì mẹ con tôi mần chi phải nhịn đói 3 ngày hả chú”. Và mẹ con người phụ nữ nghèo này tránh được cảnh "màn trời chiếu đất". Quy hoạch nông thôn mới miền Trung, đừng quên tiêu chí phòng chống lũ Cho đến nay, phương châm "4 tại chỗ" vẫn là giải pháp khả dĩ nhất cho người dân vùng lũ miền Trung nếu các địa phương làm đúng tinh thần của phương án. Trong trận lũ vừa qua, 61 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh bị nước nhấn chìm. Trong đó, 39 xã ngập sâu 2-3m bị cô lập hoàn toàn, tổng thiệt hại 911 tỷ đồng; 7 huyện, thành phố ở Quảng Bình bị chìm trong biển nước, nhiều người chết và mất tích. Thế nhưng huyện có dân số đông, diện tích lớn như Lệ Thủy, Quảng Bình lại chỉ để xảy ra 1 người chết do điện giật và nhiều tài sản của người dân được ứng cứu ngay trước miệng lũ. Sở dĩ thiệt hại được hạn chế tối đa trong bão lũ là nhờ phương án "4 tại chỗ" ở Lệ Thủy đã phát huy hiệu quả. Cách đây hơn 10 năm, khi còn là Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, đồng chí Võ Minh Doang (nay làm Phó ban thường trực Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Quảng Bình) đã đưa ra nhiều sáng kiến chống lũ. Để phương châm "4 tại chỗ" phát huy hiệu quả khi mưa lũ xảy ra, trước mùa mưa bão, huyện Lệ Thủy đều họp các ban, ngành, xã, thôn trên địa bàn. Tại cuộc họp các xã phải đưa ra phương án cụ thể đặc trưng của địa phương mình. Thực hiện "chỉ huy tại chỗ", lãnh đạo xã phải phân công nhiệm vụ trong Đảng ủy xã mỗi người phụ trách 1 đến 2 thôn, trưởng thôn lại phải chọn ra 3-5 người trong 1 thôn làm trưởng nhóm phụ trách 10-20 hộ gia đình. Khi bão lũ xảy ra, trưởng các nhóm có nhiệm vụ "chỉ huy tại chỗ" cho người dân chống lũ. Khi có diễn biến bất ngờ, trưởng nhóm báo trưởng thôn, thôn báo xã, xã báo huyện, vì vậy ngay cả khi lũ lớn đổ về, chính quyền và người dân Lệ Thủy không hề bị động. Để có phương án "phương tiện tại chỗ", ở Lệ Thủy, tất cả xuồng máy, đò tay của người dân hằng ngày làm ăn sinh sống đều được đưa vào danh sách phương tiện chống lũ và phân công cụ thể. Khi bão lũ xảy ra, các phương tiện thuộc của nhóm nào, thôn nào, xã nào, có trách nhiệm ứng cứu những hộ nào… phải thực thi nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm cho chủ phương tiện. Kinh nghiệm ở thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, địa phương xây nhà vượt lũ cao hơn đầu người để cất giữ lương thực cho dân khi lũ đến. Tại đây, khi lũ lớn, chính quyền cử người nấu cơm, thực phẩm, rồi lực lượng tại chỗ đưa đến cho bà con ăn chống lũ… Nhắc đến "4 tại chỗ", ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương nhấn mạnh: Phải làm đi làm lại cho thuần thục phương châm này bởi nó là sự sống còn đối với người dân vùng lũ miền Trung. Trước hết, phải học ông cha kinh nghiệm chống lũ. Ông dẫn ví dụ, ở Quảng Nam xưa nay dù nhà nghèo, đời này qua đời khác, nhưng nhà nào cũng làm một gian nhà cao vượt trội, chôn cột bằng gốc tre lớn, dùng dây cột chặt vào nhà. Khi lũ về, từ lương ăn (thường là gạo rang), nước uống, vật dụng, con người đưa lên đó cầm cự. Mỗi nhà có một thuyền ba lá, ngày thường vận tải, đi lại, ngày lũ chở người. Xung quanh nhà bao giờ cũng là bờ rào, lũy tre chắn lũ, giảm cường độ nước. Nếu mỗi thôn có 20 đến 30% nhà cao ráo, chắc chắn như thế, sẽ làm chỗ dựa cho người dân khi lũ đến nước dâng cao. Bây giờ, người dân lao ra mặt đường, ven sông sinh sống nhiều nơi tự phát. Khi lũ lớn cuốn trôi rất đau lòng. Ông Ngọ đề xuất, phương châm "4 tại chỗ" phải cụ thể, phù hợp với từng khu vực dân cư, tránh hình thức. Trước mắt thực hiện chủ trương quy hoạch nông thôn mới, phải quán triệt tiêu chí, đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống lũ cho mỗi công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh xá, nhất là nhà dân. Kiên quyết không để người dân làm nhà sinh sống ở những vùng xung yếu, không an toàn Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Phương tiện đi cứu hộ chủ yếu sử dụng của lực lượng Công an, Quân đội và Biên phòng, còn phương tiện của các địa phương có công suất nhỏ nên rất khó đi lại trên dòng nước lũ, rất nguy hiểm. Vừa rồi tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm 5 thuyền cao tốc có công suất 85CV, 2.000 áo phao, 1.000 nhà bạt để chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn tại các địa bàn thường xảy ra lũ lụt. Đồng thời, tỉnh đang xem xét triển khai phương án xây dựng nhà tránh lũ cho người dân ở các địa bàn xung yếu. Khó khăn nhất hiện nay ở Hà Tĩnh là đang thiếu gạo cứu đói cho nhân dân vùng lũ và các loại giống cây trồng, hoa màu cũng như phân bón, thuốc trừ sâu để người dân triển khai sản xuất vụ đông theo đúng lịch thời vụ. Ông Võ Minh Doang - nguyên Trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Lệ Thủy, Quảng Bình: Trong phòng, chống bão lụt, công tác phòng giữ vai trò quyết định. "Nhất thủy, nhì hỏa", khi lũ xảy ra thì làm sao chống lại được nước. Muốn phòng tốt thì phải có phương án cụ thể, chi tiết từ tỉnh đến tận địa bàn dân cư. Ban Phòng chống lụt bão của tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, duyệt phương án của từng huyện, xã. Chẳng hạn các xã vùng biển khi lũ xảy ra thì dùng lực lượng nào, phương tiện nào ứng cứu? Xã vùng núi, đồng bằng thì tránh lũ ra sao? Không thể hằng năm cứ họp trước mùa mưa lũ rồi các địa phương lại đưa ra các báo cáo, phương án chung chung được. Thầy giáo Hà Công Văn và các học trò kể lại cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra cuối năm 2009. Thầy giáo Hà Công Văn, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì (huyện Đakrông, Quảng Trị): "Việc áp dụng phương án "4 tại chỗ" để cứu hộ, cứu nạn cho người dân mỗi khi có lũ bất ngờ là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở địa bàn Đakrông nói chung và xã Húc Nghì nói riêng, những mùa lũ vừa qua việc chuẩn bị thuốc men, lương thực để cứu dân còn bị động theo kiểu chờ lũ đến quét sạch lương thực, gây ra dịch bệnh rồi mới lo đề xuất xin hỗ trợ. Điều đáng ngại nhất là phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn còn rất thiếu thốn. Ở đây, thứ duy nhất chúng tôi được trang bị cho công tác này là áo phao, nhưng cũng chỉ mang tính chiếu lệ, 1 cái áo/hàng chục học sinh. Vì vậy, để phương châm "4 tại chỗ" được áp dụng một cách thiết thực, có hiệu quả, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa về trang bị phương tiện vật chất cũng như công tác tập huấn cho lực lượng con người về công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống bất ngờ xảy ra…". Hà Tĩnh: Lũ chồng lên lũ, thêm 1 người chết đuối Sáng 15/10, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết: "Nước trên sông Ngàn Phố và sông La đang lên rất nhanh. Tính đến thời điểm này đã có 5 xã là: Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến, Sơn Hàm đã bị cô lập; 15 xã trong toàn huyện bị ngập cục bộ, khu vực QL 8A đoạn qua thị trấn Tây Sơn cũng đã bị nước lũ chia cắt. Lúc 7h sáng nay, nước lũ đã cuốn trôi em Đoàn Quý Đông 15 tuổi, trú ở xã Sơn Thủy học sinh lớp 9 Trường THCS Thủy Mai khi em này đang trên đường đi học". Thượng tá Dương Văn Trường - Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết thêm: Đơn vị đã chuẩn bị xăng dầu, lương thực, nước uống và phân công 100% cán bộ, chiến sỹ trực chiến tại đơn vị, huy động 1 xuồng máy, 20 áo phao, 2 xe ôtô sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, ở huyện Hương Sơn đang có mưa to đến rất to, nguy cơ lũ quét xảy ra trên địa bàn là rất cao.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/10/138515.cand