Những lí do dưới đây sẽ giữ VN-Index đứng vững

Trở lại mức 800 điểm sau gần 10 năm giữa những thông tin khởi tố và bắt giữ nhiều cựu lãnh đạo của doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng VN-Index vẫn tiếp tục cho thấy những tín hiệu tốt và lạc quan.

Phiên giao dịch ngày 08/09, VN-Index vượt mốc 800 điểm sau gần 10 năm. Với sự hỗ trợ của những cổ phiếu bluechips trên thị trường như MSN, VIC, GAS, HPG… VN-Index đã tăng 4,48 điểm (0,56%) và kết phiên ở mức 801,2 điểm.

Qua ngày 11/09, VN-Index vẫn giữ được đà “hưng phấn” trong phiên sáng khi tiếp tục tăng 1,64 điểm (0,2%) và dừng ở mức 802,83 điểm, trước khi điều chỉnh trong phiên chiều và giảm về mức 797,47 điểm (giảm 0,47%).

Một điểm quan trọng đáng chú ý là những diễn biến của VN-Index diễn ra giữa thời điểm mà những thông tin và tin đồn về các cựu lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước bị khởi tố, xét xử xuất hiện nhiều trên thị trường. Mặc dù vậy, tâm lý của nhà đầu tư hiện tại đã tốt hơn rất nhiều. Điều này khác hoàn toàn so với những diễn biến từng xảy ra trong lịch sử điển hình như vụ bầu Kiên, hay tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà…

Xu thế tất yếu khi Chính Phủ đang theo đuổi tăng trưởng kinh tế

Thực chất, việc VN-Index có thể đạt và vượt ngưỡng 800 điểm đã được nhiều chuyên gia và CTCK dự báo trước đó. Từ giữa năm 2017, CTCK BSC đã có dự báo VN-Index sẽ tiếp diễn đà tăng và có thể đạt mức 820-850 điểm vào cuối năm 2017, trong khi CTCK Bản Việt dự báo VN-Index có thể tiến lên vùng 800-820 điểm.

Mặc dù, những con số dự báo cụ thể có khác nhau, tuy nhiên các CTCK và chuyên gia vẫn nhận định tăng điểm sẽ là xu thế trong trung và dài hạn của thị trường đến cuối 2017 và đầu 2018. Điều này dựa vào các chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ đến nền kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy rõ nhất đó là sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển TTCK thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết. Chính phủ đã công khai danh mục thoái vốn nhà nước và đưa ra thông điệp với thị trường nếu cơ chế chưa phù hợp sẽ sẵn sàng lắng nghe và cùng đồng hành với doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư nước ngoài để xử lý cho hài hoà.

Bên cạnh đó, Nhà nước đang có những chính sách theo đuổi tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết cải thiện kết quả kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng và BĐS.

Mặt khác, với quyết định của Chính Phủ nới room tín dụng từ 18% lên 21-22% năm 2017, dòng tiền sẽ còn tiếp tục được” bơm” vào nền kinh tế. Với mức tín dụng được điều chỉnh, tổng mức tín dụng sẽ được “bơm” ra cho cả năm 2017 khoảng 1,16 – 1,21 triệu tỷ đồng, so với mức trước là 990.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm nay, nguồn tín dụng từ ngân hàng sẽ “bơm” ra khoảng 712.000 tỷ đồng (12,94%) cho mức tăng 7,42% của GDP (số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia).

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay được điều chỉnh giảm 0,5%/năm, để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; cùng với đó, giảm lãi suất điều hành 0,25%.

Một điểm sáng nữa đến từ chỉ số kinh tế vĩ mô đó là theo số liệu của Tổng cục Hải Quan trong tháng 8 Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD, con số này gấp 4 lần số ước tính của Tổng cục thống kê trước đó. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong tháng 8 khá vững. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong tháng 8 đạt 19,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 135,03 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 18,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 135,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, rút ngắn khoảng cách nhập siêu của 8 tháng đầu năm 2017 xuống còn 500 triệu USD. Trước đó số liệu của Tổng cục thống kê (khác số liệu Tổng cục Hải Quan) cho thấy nhập siêu 7 tháng đầu năm lên tới 3 tỷ USD.

Những chính sách và môi trường cho sự phát triển mà Chính Phủ đề ra là những yếu tố thiết yếu tạo nên sự hưng phấn cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Nhà đầu tư đã “vững vàng” hơn trước những thông tin “bắt bớ”

Giữa những điểm sáng của nền kinh tế và môi trường thuận lợi mà Chính Phủ tạo ra, vẫn có những chấm tối xuất hiện tác động tới thị trường chứng khoán. Trong đó, phải kể tới những thông tin về việc bắt giữ và khởi tố các lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Trong quá khứ, những dạng thông tin trên từng là những “quả bom” có sức "sát thương" lớn tới thị trường chứng khoán.

Còn nhớ thời điểm xảy ra“sự kiện” bắt giữ “bầu” Kiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu cú sốc rất lớn. Thống kê 2 phiên giao dịch sau khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng ACB bị bắt, VN-Index giảm 27 điểm, tương đương mức giảm 6,2%. Thị trường chứng khoán đã “bốc hơi” hơn 2,3 tỷ USD, tương đương 49.200 tỷ đồng.

Hay như trong 2 lần có tin đồn ông Trần Bắc Hà – Nguyên Chủ tịch HĐQT của BIDV bị bắt, thị trường đều có những phiên giảm điểm tiêu cực.

Tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt năm 2013 đã khiến thị trường chung giảm 4%, bốc hơi 1,6 tỷ USD. Lần gần đây nhất tin đồn ông Hà bị bắt vào ngày 10/08, VN-Index đã giảm 17,91 điểm (2,26%) trong phiên, vốn hóa thị trường bay hơi 1,8 tỷ USD, với một loạt cổ phiếu ngân hàng giảm điểm, trong đó cổ phiếu BID bị tác động mạnh nhất, giảm kịch sàn và trắng bảng bên mua.

Quá khứ là vậy, tuy nhiên sau những lần xuât hiện tin đồn “hụt”, dường như NĐT đang dần vững vàng hơn với những thông tin trên thị trường.

Vừa qua sau khi trở lại mốc 800 điểm sau gần 10 năm, trên thị trường "tràn ngập" thông tin về việc ông Đặng Thanh Bình – Cựu Phó Thống đốc NHNN bị khởi tố. Mặc dù tin tức thu hút được sự quan tâm rất lớn của các cá nhân NĐT trên thị trường, tuy nhiên thông tin trên lại không tạo ảnh hưởng và tác động nhiều đến thị trường chứng khoán.

Trong ngày 11/09, VN-Index vẫn tăng điểm "hưng phấn" trong phiên sáng trước khi điểu chỉnh vào cuối phiến chiều.

Nguyên nhân một phần đến từ việc ông Đặng Thanh Bình đã về hưu và không còn đảm nhiệm chức vụ tại NHNN, phần khác vì ông Bình cũng không phải là người trực tiếp nắm giữ cổ phiếu hay liên quan đến doanh nghiệp nào trên thị trường chứng khoán. Chính điều này phần nào dẫn đến phản ứng hoàn toàn khác nhau của NĐT so với những thông tin liên quan đến ông Trần Bắc Hà và “bầu” Kiên.

Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến những diễn biến của phiên tòa xét xử vụ đại án kinh tế OceanBank, liên tục xuất hiện những tình tiết mới với sự liên quan của nhiều lãnh đạo dầu khí, hay như vụ việc liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga... tất cả những thông tin trên dường như không tạo nên ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán.

Sau khi vượt ngưỡng 800 điểm, thị trường được kỳ vọng sẽ bắt đầu “thích nghi” với vùng điểm mới và tạo tiền đề cho việc xác lập một xu thế trong tương lai. Với môi trường mà Chính Phủ đang nỗ lực tạo trong năm 2017, và những trải nghiệm mà NĐT đã “đúc kết” qua lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đứng vững ở vùng 800 điểm.

Phan Tùng

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nhung-li-do-duoi-day-se-giu-vn-index-dung-vung-2017091101542370p4c146.news