Những làng chài trong lòng thành phố

Đà Nẵng - thành phố ven biển miền Trung không chỉ gây ấn tượng là thành phố năng động, hiện đại mà còn ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất 'sống nhờ biển'. Đó là các làng chài vẫn tồn tại hàng trăm năm nay. Dù cuộc sống ngày càng có nhiều cơ hội để thay đổi, thế nhưng vẫn còn không ít người hài lòng với việc kiếm sống bằng nghề truyền thống đan thuyền thúng, đi biển, làm mắm...

Lễ hội văn hóa biển Kim Liên tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Ảnh: Trúc Hà

Những làng chài trăm năm tuổi

Có lẽ, các làng biển (gọi theo cách khác là làng cá, làng chài) ở thành phố Đà Nẵng đã có từ khi người Việt vào xứ Quảng mở cõi và cùng chung sống với người Chăm. Họ đã lập nên các làng ở vùng cửa sông hoặc ven vịnh thành phố Đà Nẵng để ngày ngày ra khơi đánh bắt, đan lưới, đan thuyền thúng, làm nước mắm hay làm muối. Những điều ấy đã góp phần tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian miền biển cả vật thể lẫn phi vật thể vô cùng phong phú và quý giá ở thành phố Đà Nẵng.

Nếu tính các làng biển có tuổi đời hàng trăm năm ở thành phố Đà Nẵng, có thể kể ra không ít, như: Làng Nam Thọ (từng nổi danh là nơi đầu tiên sáng tạo ra thuyền nan của Đông Dương), làng Đông Hải, làng Thọ Quang, làng Tân Thái, làng Tân An, làng Tân Trà, làng Xuân Hà, làng Thanh Khê, làng Xuân Dương, làng Nam Ô...

Ngay cả khi thành phố chuyển mình, trở thành trung tâm sầm uất nhất khu vực miền Trung thì “dấu ấn làng chài” vẫn còn đâu đó trong những cái tên, như Khu chung cư Làng Cá, hay Khu dân cư làng cá Địa Bảo...

Trong thực tế, những làng chài vẫn đang hiện hữu, là một phần không thể thiếu của thành phố Đà Nẵng. Khu dân cư Làng cá Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã được quy hoạch bởi những con đường 5,5m, 7,5m và những căn nhà 2, 3 tầng mọc san sát, thế nhưng, cuộc sống của người dân vẫn mang đậm “nét xưa”. Những người đàn ông tối tối dong thuyền ra khơi, sáng mang nguyên cả lưới về, tất cả lại xúm vào cùng gỡ cá, tôm. Những con cá, tôm ngon được bỏ riêng để bán, cá còn lại thường để nấu canh thơm cà hoặc “kho mặn ăn dần”.

Hay ở làng cá Tân An (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cũng được quy hoạch thành khu dân cư, nhưng người ta vẫn bắt gặp những người đàn ông luống tuổi, cần mẫn ngồi chẻ nan và đan thuyền thúng. Mỗi sáng sớm hay chiều về (tùy theo con nước), người ta thấy những ngư dân của làng cá Tân An ra biển Mân Thái kéo lưới như một nét đặc sắc của bãi biển du lịch. Những chú cá tươi rói, sáng loáng trong lưới được người đi đường nhanh chóng mua hết, hiếm khi họ phải mang ra chợ bán.

Nếu như làng cá Địa Bảo, Tân An đã dần hòa mình vào sự phát triển của thành phố thì làng chài An Tân, An Đồn (phường An Hải Bắc) vẫn còn gần như nguyên vẹn. Những con hẻm quanh co, rộng chưa đầy 1 mét và sâu hun hút. Những ngôi nhà cũ kĩ, chỉ vài chục mét vuông nhưng có ba thế hệ sống chung. Về sự tồn tại những ngôi nhà chật hẹp trong làng, người già ở đây cho rằng, xuất phát từ điều kiện sống và tâm thức của người dân làng biển.

Với người làm nghề chài lưới, luôn coi sông nước là nhà nên mọi người chủ yếu sống trên ghe, làm dành dụm được bao nhiêu là đầu tư tàu, thuyền, chứ ít ai nghĩ chuyện xây nhà. Sau này, ông cha mới rời ghe lên bờ sống. Khi ấy, ở cửa sông hoang vu lắm, người làng chài phải tính đến chuyện sống cạnh nhau, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Ở làng An Tân, An Đồn, cho đến giờ, người dân vẫn dùng giếng nước hơn 100 năm như một thói quen, còn đó Lăng Ông, Lăng Bà có từ khi lập làng. Cứ thế, người dân 2 làng chài này vẫn sống cuộc sống của những thế hệ đi trước.

Mai một và gìn giữ

Có một thực tế, thành phố Đà Nẵng càng phát triển, nhất là việc phát triển du lịch với những khách sạn đồ sộ mọc lên san sát ven biển ngày càng nhiều thì các làng chài cũng dần mất đi và kéo theo quy mô cộng đồng cư dân ngư nghiệp bản địa ngày càng “teo tóp”.

Hệ quả là, những di sản vật thể của văn hóa dân gian miền biển như đền miếu thờ cá Ông, giếng cổ cũng dần mai một. Những trường hợp tuy không bị đập bỏ, san ủi, nhưng những đền miếu thờ cá Ông, giếng cổ do tách khỏi làng chài, khỏi cộng đồng cư dân ngư nghiệp cũng vì thế mà trở nên vô hồn, lạc lõng, cô đơn giữa không gian xa lạ.

Cảnh gỡ cá sau mỗi chuyến đi biển ở làng cá Địa Bảo. Ảnh: Trúc Hà

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hiện nay đang lắng nghe ý kiến của nhân dân và những ý kiến phản biện của chuyên gia. Trên thực tế, đã có nhiều quyết định đúng đắn và đáng quý về việc giữ lại một số di sản văn hóa vật thể như đền miếu thờ cá Ông, giếng cổ...

Đối với 2 làng chài An Tân và An Đồn, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương và giao cho quận Sơn Trà lập đề án Bảo tồn làng biển trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng hai làng An Tân, An Đồn, chỉnh trang giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm theo chủ đề làng biển thành phố Đà Nẵng xưa. Đề án với mục tiêu góp phần cải thiện an sinh xã hội của người dân khu vực và tạo điểm nhấn du lịch cho thành phố Đà Nẵng. Đây là tín hiệu vui cho người dân hai làng nhưng bảo tồn và khai thác như thế nào vẫn là câu chuyện cần bàn tính kỹ.

Như một xu thế tất yếu, những làng chài dần phải chuyển mình theo sự phát triển của thành phố. Thế nhưng, người làm nghề biển vẫn cố gắng giữ lấy hồn cốt của làng chài thông qua các lễ hội. Những năm qua, các lễ hội văn hóa biển cũng được đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm duy trì hàng năm. Có thể kể đến những lễ hội đặc sắc như Lễ hội văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), Lễ hội văn hóa biển Tân Trà (quận Ngũ Hành Sơn)...

Phần lễ gồm lễ dâng hương và lễ cầu an, cầu ngư bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân được ấm no, hạnh phúc. Sau phần hội, người dân tham gia các trò chơi tập thể, rèn luyện sức khỏe như: bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đua thuyền...

Việc duy trì các lễ hội văn hóa biển đã góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho ngư dân, vun đắp tình làng nghĩa xóm cũng như nghĩa cử tương thân, tương ái, từ đó làm nên nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân cư làng biển.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-lang-chai-trong-long-thanh-pho-post435462.html