'Những ký ức không thể nào quên' - Trở thành phi công tiêm kích

Sau đợt khám tuyển, chỉ dăm ngày sau, tôi có giấy báo nhập ngũ cùng hơn 30 sinh viên nữa của khoa và trường. Điều tôi không bao giờ ngờ tới là tôi được gọi đi khám tuyển phi công...

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

1- Đời sinh viên, nhập ngũ và khám tuyển phi công:

Tôi nhớ giữa tháng 7 năm 1966, tôi có giấy báo trúng tuyển Khoa Vật Lý Đại Học Tổng hợp Hà Nội. Giữa tháng 8 năm 1966, Chúng tôi tập trung tại Ga Hàng cỏ, tổng số có khoảng 30 người cả nam và nữ. Người đeo ba lô, người mang túi xách, hành lý đều mang theo gói xôi, cơm nắm, muối vừng, lạc rang muối, hay bi đông đựng nước uống.

Lên tới Ga Thái Nguyên, chúng tôi đi bộ lếch thếch vào xã Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên. Lúc này vào giữa tháng 8, là lúc thời thiết nóng nhất của cả năm trên vùng rừng núi. Con đường dân sinh đá sỏi, lại nắng gay gắt, nóng hầm hập, cứ đi một đoạn vài ba km lại tìm bóng râm nghỉ vì đi mãi vẫn là những vạt rừng. Đến trưa, mỗi tốp 4 đến 5 người ăn cùng nhau, ai có gì góp nấy. Mặc dù mới quen biết nhau trên chặng đường đi bộ vào khu học của Khoa nhưng chúng tôi dễ dàng làm quen với nhau. Cứ rảo bước đi như vậy, chúng tôi cũng đến địa điểm của khoa Vật lý vào lúc chạng vạng, mặt trời đã gần tắt nắng.

Tối đầu tiên ăn cơm sinh viên chỉ có một bát sắt Trung Quốc đựng cơm và một bát sắt đựng canh rau lưa thưa vài cọng rau cải. Trên bát cơm có vài hột lạc rang và vài ba miếng thịt mỡ to bằng đầu ngón tay cái. Đấy là bữa cơm chiêu đãi các tân sinh viên.

Tôi và một người bạn tên là Trần Mạnh Khôi được phân vào ở tại một gia đình. Hai anh chị chủ nhà khoảng trên 35 tuổi, có 2 đứa con nhỏ khoảng trên 10 tuổi và 7 tuổi. Anh chị sắp xếp cho chúng tôi ở gian nhà ngoài.

Sáng hôm sau chúng tôi tập trung, công việc đầu tiên là vào rừng chặt nứa, chặt cây để về dựng lớp học. Những ngày tiếp theo, lấy đất đánh với rơm rạ thành vữa trát vào các vách phên, rồi làm bàn ghế bằng tre nứa. Sau hơn 10 ngày chúng tôi hoàn thành dựng các lớp học tạm. Đầu tháng 9, chúng tôi bắt đầu học.

Trước khi vào học chính khóa, chúng tôi phải thi kiểm tra chính thức 3 môn Toán, Lý, Hóa. Các bạn đạt điểm giỏi trở lên được giữ lại học ở Khoa Vật Lý. Còn các bạn đạt khá, trung bình trở xuống, chuyển sang các khoa khác. Đến gần cuối tháng 11 có đợt quân đội về tuyển quân.

Sau đợt khám tuyển, chỉ dăm ngày sau, tôi có giấy báo nhập ngũ cùng hơn 30 sinh viên nữa của khoa và trường. Điều tôi không bao giờ ngờ tới là tôi được gọi đi khám tuyển phi công. Tôi chỉ nghĩ đây là việc không thể vì lúc này tôi chỉ nặng hơn 46 kg, cao 1m62. Trước đấy khoảng 2 tháng tôi cũng dự khám tuyển phi công ở Bệnh viện Phòng không – Không quân, nhưng bị loại ngay từ vòng đầu vì nhẹ cân. Trước hôm chúng tôi lên đường nhập ngũ từ trường Đại học, anh chị chủ nhà có làm bữa cơm để tiễn tôi. Các bạn sinh viên cũng tổ chức bữa liên hoan nho nhỏ, góp tiền mua gạo nếp và sắn về giã bánh dầy, góp kẹo, bánh bích quy mà bố mẹ cho trước khi lên trường. Mặc dù mới học với nhau vài tháng, nhưng do ở tập thể, cùng lao động với nhau, nên chúng tôi cũng cảm thấy gần gũi thân quen.

2- Nhập ngũ, khám tuyển phi công, về đơn vị Rada E291- C45

Đoàn tân binh chúng tôi xuất phát từ xã Ký Phú, Huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Giữa cái mưa rét lâm thâm của tháng 11/1966, chúng tôi đi bộ khoảng 30 km để ra ga Thái Nguyên. Chúng tôi xuống ga Cầu Đuống, đi bộ đến tận khuya về xã Như Quỳnh, Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và chui vào các lều rơm để ngủ.

Sáng hôm sau chúng tôi tập trung tạm về C41- E291, được phát quân trang và phù hiệu Binh nhì, cấp thấp nhất trong quân đội. Đây là lúc tôi cảm nhận sự khác biệt rõ rệt giữa môi trường sinh viên và quân đội. Sinh viên được sống tự do, không phải dậy sớm, không tập thể dục. Đêm có thể thức đến mấy giờ cũng được. Nhưng ăn uống thì phải nói là kham khổ. Trong môi trường quân đội, lại phải sống có kỷ luật. Sáng dậy sớm từ 5h30, gấp chăn màn thành khối hình vuông, tập thể dục và chạy. Các bữa ăn trong quân đội vào thời kỳ đó cũng tương đối bảo đảm chất dinh dưỡng. Chính vì thế, chúng tôi lên cân rất nhanh.

Sau khi tập luyện quân sự khoảng 2 tuần như tập bắn súng CKC, tiểu liên AK, tôi được phân về đơn vị C45 E291. Trước khi về đơn vị, chúng tôi được về nghỉ phép thăm gia đình 3 ngày. Hết phép, tôi và các anh Nguyễn Sơn Lộ, anh Đinh Xuân Hùng, cùng là sinh viên khoa Vật lý, đến Bệnh Viện 108 để khám tuyển phi công. Mới sống trong quân ngũ hơn nửa tháng tôi đã tăng gần 2kg. Lúc khám tuyển cân nặng của tôi đã lên được gần 48kg. Cuối cùng chỉ có mình tôi trúng tuyển. Còn các anh Nguyễn Hữu Lộ và Đinh Xuân Hùng đều không đạt. Anh Lộ và anh Hùng trở về đơn vị, tham gia chiến đấu.

3- Về Trung đoàn Rada E291- C45

Sau khi trúng tuyển về sức khỏe, tôi được bố tôi lai xe đạp xuống đơn vị đóng ở khu vực Pháp Vân, Văn Điển. Trước khi ra về, bố tôi tần ngần dặn tôi phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn bóng ông cao gầy, 1 mình đạp xe về tôi thấy thương ông vô cùng.

Tôi được phân về đài ra đa đo xa PO 12, phát hiện máy bay địch ở khoảng cách trên 300 km. Tôi cũng võ vẽ đọc được tài liệu nước ngoài bằng cách từ nào không biết thì tra từ điển. Chỉ trong vòng gần một tháng, tôi đã được đảm nhận vị trí trắc thủ phụ bên cạnh trắc thủ chính. Và hơn 1 tháng sau, tôi đảm nhận vị trí trắc thủ chính của kíp trực ban chiến đấu. Làm trắc thủ rada thì cái khó phải vượt qua là phải xác định chính xác phương vị, độ cao, cự ly của máy bay khi chúng xuất hiện trên màn hình. Chúng tôi phải thuộc tất cả tên các địa điểm mà máy bay đang ở các phương vị này. Nói một cách dễ hiểu là làm trắc thủ rada thì phải dẻo mồm, đọc trơn tru không được vấp váp và phải đọc liên tục vì máy bay thường xuyên thay đổi phương vị, cự ly và độ cao.

Xung quanh địa điểm đặt đài ra đa PO 12 là những ao nuôi cá của dân làng. Một ấn tượng mà tôi nhớ đến tận bây giờ là thức thức ăn của cá thường là phân bắc nên cứ buổi sáng bà con hợp tác xã cho cá ăn là lại thấy mùi bốc lên. Nhưng rồi tôi cũng quen dần. Đơn vị chúng tôi kết nghĩa với Đoàn thanh niên của làng, nên anh em trong đơn vị cũng thay nhau đi gánh phân bắc về cho cá ăn. Nói thực, lúc đầu dùng gáo múc phân cũng sợ, sau vài ba lần cũng quen đi, với suy nghĩ đồng đội làm được, mình cũng phải làm được. Mỗi khi đánh bắt cá, chi đoàn lại tặng đơn vị chúng tôi các loại cá chép, cá mè. Đó là những bữa ăn tươi hết mực hồ hởi của chúng tôi.

Công việc của chiến sĩ vất vả, nhưng rất vui. Hàng ngày phải gánh 3 gánh nước từ giếng trong làng, đổ vào các thùng phuy trong bếp để làm nước ăn và vệ sinh đánh răng buổi sáng. Lúc rỗi rãi, tôi vẫn làm những bài tập khó các môn Toán, Lý, Hóa để khỏi quên kiến thức.

Hồi đó đại đội tôi có đợt ôn lại Lịch sử Đảng nhân ngày thành lập Đảng. Anh chính trị viên Đại đội chỉ định tôi nói về Lịch sử Đảng trước Đại đội. Tôi đã báo cáo tốt trước anh em, nên anh Chính trị viên cho tôi nghỉ một ngày Chủ nhật về thăm gia đình, Các bạn cũ đều ngạc nhiên khi gặp tôi bởi lúc này tôi đã hơn 50kg.

4- Về dự khóa bay

Đến đầu tháng 3.1967, tôi nhận quyết định của Quân Chủng về tập trung tại Đoàn Dự khóa bay ở bệnh viện E. Lại là bố đèo tôi đến đơn vị.

Sau tuần đầu tiên, kiểm tra lại sức khỏe tại Bệnh Viện 108, tôi được chính thức công nhận là học viên dự khóa bay và ăn theo tiêu chuẩn mới. Từ một học sinh thường xuyên thiếu dinh dưỡng, đến khi vào quân đội, tôi được cơm ăn thoải mái, không bao giờ thiếu. Đến bây giờ ăn tiêu chuẩn bay, bữa nào cũng có năm sáu món thịt cá trứng được chế biến thành những món khác nhau, không bữa nào giống bữa nào. Lúc đầu chúng tôi đều háo hức ăn. Nhưng sau một hai tuần, nhìn bữa cơm là ngán. Nhưng ăn để có sức khỏe tập luyện như chạy khoảng chục km, tập xà, tập các bài quay trên vòng quay để rèn luyện tiền đình, bảo đảm các chỉ số sinh học như huyết áp, nhịp tim, các chỉ số về máu mới đủ điều kiện học bay. Sau một thời gian ăn cơm theo tiêu chuẩn bay, cũng có một số anh bị loại vì không giữ được các chỉ số sinh học. Còn tôi cân nặng cũng chỉ loanh quanh trong phạm vi 52-53 kg.

5 - Rời Tổ quốc sang Nga học bay

Đến 1 tháng 5 năm 1967, tôi được lựa chọn đi học bay tại Liên Xô. Đoàn học viên bay có 100 người, do Đại úy Trương Tấn Điền làm trưởng đoàn, Trung úy Nguyễn Thái Hoàn, nguyên phi công MiG 17 là Phó trưởng đoàn. Anh Hoàn học bay ở Trung Quốc nên nói được tiếng Trung..

Sở dĩ một số sinh viên cùng tập trung tại dự khóa được tuyển chọn đi học ngay vì họ đã từng tham gia chiến đấu, có khoảng hơn chục người. Ở đơn vị Dự khóa, Chú Nguyễn Văn Tình là chính trị viên của Đoàn Dự khóa, chú biết rõ gia đình và quen biết bố tôi từ những năm tháng gia đình tôi sống ở Phú Thọ trong gần 10 năm kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 đến khi hòa bình lập lại năm 1954. Năm 1955, bố tôi trở về Hà Nội công tác tại Ngân hàng Nhà nước. Trước khi đi, chú Tình cho tôi về thăm gia đình. Khi gặp mẹ, bà rơm rớm nước mắt chỉ nói được “Con nhớ gửi thư về cho mẹ nhé”, rồi dặn tôi đến thăm bố tôi tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Bố dặn dò tôi hãy phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng không nghĩ đây là lần cuối cùng gặp bố vì sau đó hơn 20 ngày ông mất ở nơi sơ tán của cơ quan.

Đại gia đình tôi ở Hà Nội nhưng anh ruột ông Nội tôi là Cụ Trần Thúy và ông nội tôi Cụ Trần Văn Viện đều tham gia trong các phong trào yêu nước, nên đều bị bắt và kết án tù. Cụ Trần Thúy bị Pháp lưu đầy ra Côn Đảo hơn 10 năm. Còn ông Nội tôi Trần Văn Viện bị lưu đầy ở nhà tù Nghệ An và Hỏa Lò hơn 3 năm. Trước Cách mạng Gia đình ông bà nội tôi là nơi đi lại của những bậc Tiền bối Cách Mạng như các Bác Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… Sở dĩ gia đình được chọn làm cơ sở cách mạng như vậy vì con gái của Cụ Trần Thúy là bà Trần Thị Sinh hoạt động Cách mạng và đã giứ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên vào những năm 1944-1945, sau Bà bị bạo bệnh và mất vào năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, các cô, chú ruột tôi đều tham gia quân đội hoặc công tác tại Tổng Bộ Việt Minh.

(Còn tiếp)

T.S.L.

Trái tim người lính

Trần Sơn Lâm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ky-uc-khong-the-nao-quen-tro-thanh-phi-cong-tiem-kich-a20510.html