Những 'kiến trúc sư' hạt nhân của Triều Tiên

Bức ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vài giờ trước vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3-9 cho thấy, hai nhà khoa học đứng cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un khi ông kiểm tra đầu đạn hạt nhân mới hoặc có thể là mô hình của một quả bom.

Bức ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vài giờ trước vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3-9 cho thấy, hai nhà khoa học đứng cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un khi ông kiểm tra đầu đạn hạt nhân mới hoặc có thể là mô hình của một quả bom. Đó là ông Ri Hong Sop, người đứng đầu Viện Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và ông Hong Sung Mu, Phó Trưởng Ban công nghiệp đạn dược của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cùng ông Hong Sung Mu (phải) và Ri Hong Sop (thứ hai từ trái sang) kiểm tra vũ khí trước vụ thử hạt nhân hôm 3-9.

Hai nhân vật thân cận của ông Kim Jong-Un

Hai nhà khoa học này được cho là một trong số những chuyên gia vũ khí hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên và đang thực hiện kế hoạch lớn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-Un: phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang vũ khí hạt nhân vươn đến Mỹ.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3-9 cho thấy nước này đã phát triển được bom nhiệt hạch (bom H) có sức hủy diệt mạnh mẽ hơn so với bom nguyên tử. Trong khi cha và ông nội, cố Chủ tịch Kim Jong-Il và Kim Nhật Thành, ưu tiên lập các nhóm nhỏ và các nhà quản lý cấp trung để thực hiện các chương trình vũ khí, ông Kim Jong-Un, nhà lãnh đạo 33 tuổi này làm việc nhiều hơn với các nhà khoa học, thường xuyên xuất hiện với các kỹ sư trong các lần kiểm tra vũ khí và kiểm tra thực địa.

Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho rằng, dường như ông Hong đang đứng đầu chương trình phát triển hạt nhân này, với vai trò là một quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, trong khi ông Ri chịu trách nhiệm đối với các vụ thử hạt nhân, chẳng hạn như mức độ hiệu quả của các bom H. Hai nhà khoa học này ngày càng nổi bật, khi các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng đạt được bước tiến nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un.

Tháng 1-2016, ông Hong và ông Ri là người đầu tiên và thứ hai được nhận huy chương do nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trao cho những cá nhân xuất sắc trong buổi lễ đánh dấu vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của nước này. 2 tháng sau, họ lại tháp tùng ông Kim đi thị sát một nhà máy chế tạo vũ khí, trong đó đáng chú ý có một khối hình cầu màu bạc mà Triều Tiên khẳng định là một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trang bị cho một ICBM. Hai nhà khoa học này còn xuất hiện cùng ông Kim Jong-Un và nhóm các nhà khoa học tên lửa trong nhiều vụ phóng tên lửa quan trọng mà đáng kể nhất là 2 vụ phóng ICBM đủ khả năng đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm ngắm.

Những gương mặt gạo cội

Trước khi nắm giữ cương vị hiện nay, ông Ri Hong Sop từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Yongbyon, cơ sở nghiên cứu hạt nhân quan trọng nhất của Triều Tiên. Đây cũng là nơi vận hành các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và là cơ sở có khả năng làm giàu uranium duy nhất của Bình Nhưỡng được quốc tế thừa nhận.

Ông Siegfried Hecker, Giáo sư Hạt nhân tại Đại học Stanford và là một trong những người Mỹ cuối cùng được phép vào thăm Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Yongbyon, cho biết, ông đã có 2 cuộc gặp năm 2004 và 2008 với ông Ri Hong Sop. Tại cuộc gặp năm 2004, ông Ri đã đưa ông Hecker đi tham quan lò phản ứng plutoni và phòng thí nghiệm phóng xạ tại Trung tâm. "Ông Ri Hong Sop không giấu nổi tự hào khi nói rằng, các nhà khoa học Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo plutonium mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài", ông Hecker chia sẻ trong bản báo cáo năm 2006 về chuyến thăm Yongbyon.

"Niềm tự hào đó" lại được chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nhắc đến vài giờ trước vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Ông Kim Jong-Un khẳng định, mọi thành phần để chế tạo bom H đều do Triều Tiên tự chế. Điều này giúp Triều Tiên có thể sản xuất vũ khí hạt nhân với số lượng mà nước này mong muốn.

Trong khi đó, ông Hong Sung Mu từng là kỹ sư trưởng tại Trung tâm Yongbyon trước khi chuyển sang Ban Công nghiệp Đạn dược của đảng Lao động Triều Tiên. Cũng như 3 nhà khoa học tên lửa của Triều Tiên, cả 2 ông Ri Hong Sop và Hong Sung Mu đều bị LHQ, Mỹ và Hàn Quốc liệt vào "danh sách đen" vì vai trò quan trọng của họ đối với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_171925_nhung-kien-truc-su-hat-nhan-cua-trieu-tien.aspx