Những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng

Cách nay đã 6 năm, NXB Dân trí đặt hàng tôi làm một cuốn thơ chọn và lời bình mang tên 'Một chữ tình'. Tôi đã chọn 99 bài thơ của các tác giả ngoài nước, trong nước và viết lời bình chung với nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà văn Văn Chinh. Tôi đã không ngần ngại khi chọn bài thơ 'Con thú' của Như Bình khi chị chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của chị.

Theo tôi, khi chọn con thú như là biểu hiện cụ thể, sinh động của trí nhớ, thì cũng là lúc Như Bình đã chọn một cách đối mặt trực diện với nỗi cô đơn của chính mình trong tình yêu rồi, chưa kể con thú ấy lại là con thú hoang.

Nỗi nhớ ấy có tên là “phờ phạc”. Nỗi nhớ ấy có tên là “rạc gầy”. Nỗi nhớ ấy như a xít ăn mòn, đến nỗi em “chỉ còn trơ lại hốc mắt khô”.

Viết và đọc chuyên đề mùa Hạ 2023.

Ngỡ như chưa có nỗi nhớ nào lại đau đớn một cách thành thực, khốc liệt và để lại hậu quả lớn đến như vậy. Và khi em nói với anh: “Đừng giày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu” thì anh phải tự biết, bởi vì em “không thể chạy đến anh để ngã vào cô đơn thêm một lần nữa”.

Con thú ấy đã dọa dẫm (nhe răng), đã sợ hãi (cụp đuôi), đã ra đòn (cắn), đã làm em mệt mỏi đến kiệt sức (phờ phạc). Như thế cũng có nghĩa: Trong trường hợp xấu nhất, dù có thể không gặp nhau nữa, nhưng anh vẫn luôn trong em.

Nhà văn Như Bình.

Cá tính của một người viết cũng là cá tính của một ngòi bút và người làm thơ đáng quý nhất chính là cá tính sáng tạo.Tôi đã nghĩ vậy khi gần như là lần đầu tiên đọc và làm quen với thơ của Như Bình. Tôi chú ý đến thơ Như Bình từ đó. Đến khi đọc chùm thơ 7 bài: “Sự lãng quên trùng kiếp”, “Âm thanh cuối”, “Ảo giác”, “Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp”, “Trầm cảm 1”, “Viết về cái chết”, “Con thú” trong “Viết & Đọc” số chuyên đề mùa hạ ra mắt tháng 7/2023, thì tôi càng nhận ra một cách rõ rệt hơn về tạng thơ và chất thơ cá tính của Như Bình.

Trong “Sự lãng quên trùng kiếp”, sự trở về mái nhà xưa (ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế) khi đặt chân vào ngôi nhà văn chương, sự trở về với người tình văn chương như chị đã thổ lộ (hay là sự trở về anh hoặc sự trở về tình yêu) của em mới thật xúc động và ấn tượng làm sao! Hình như chính sự xa vắng (hoặc lãng quên) quá lâu đã làm cho cuộc gặp lại trở nên khác lạ, đến nỗi “những thớ gỗ trên bậc cầu thang” cũng “vặn mình hôn gót chân em cuống quít”, đến nỗi khi “em mở toang cửa sổ/ mặt trời ôm em/ gió quấn quít em/ ngôi nhà bừng cơn sốt.../ Em đứng yên như tan chảy”. Theo tôi, chỉ cần: “Ngôi nhà như bừng sốt/ Em đứng yên như tan chảy...” cũng đã đủ chất liệu làm nên một tứ thơ khác người rồi.

Trong “Âm thanh cuối”, một sự xa xót chân thành và có phần tự thân, như bật lên ra ở 4 câu trong khổ thứ hai:

Thành phố này đến cái cây cũng chẳng được tự do xanh
Cây đau đớn chịu hành hình để sống.
Em thương những cái cây trên phố chật đông người
Cây thương em như thương một tuyệt vọng.

Nhà văn Như Bình.

Người thương cây “chẳng được tự do xanh”. Cây thương người “như thương một tuyệt vọng”. Một sự chia sẻ mang màu sắc nhất thể, giữa người và vạn vật, giữa vạn vật và người đến mức ấy, cũng là hiếm hoi và không dễ gặp!

Tôi từng đọc “Tiếng cu gù” của nữ sĩ Blaga Đimitrôva và nhớ:

Em sẵn sàng đánh đổi chín quốc vương trần gian lấy một ánh đom đóm lập lòe trước ngõ
Đổi những đất nước xa xôi lấy phút giây lặng lẽ
Đổi những chiến công lấy một cái hôn
Đổi vinh quang lấy một đêm tình ái...

Người cần một nụ hôn, một đêm tình ái và khao khát một tình yêu dữ dội như Blaga Đimitrôva theo nghĩa dấn thân, chắc không ít. Nhưng được diễn đạt và biểu hiện thành thơ như bà, lại không nhiều. Đọc “Ảo giác” của Như Bình, xét về mặt trạng thái, vô tình, tôi bắt gặp một sự tương đồng nào đó. Đây là ví dụ thứ nhất: “Nỗi nhớ sẽ giày vò em nhiều đấy/ Trong bủa vây mùi em trên từng nốt rêu ẩm mốc”. Đây là ví dụ thứ hai: “Chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau”. Viết về nỗi nhớ và viết về nỗi cô đơn như thế, thì thật là mới và lạ. Đó là sự “đào sâu, xoáy mạnh” trong từng câu thơ, trong từng bài thơ và sự neo giữ ý thơ, tứ thơ theo quan niệm của nhà thơ Chế Lan Viên. Ở Như Bình tôi thấy chị cũng tràn ngập những khát khao mãnh liệt như vậy. Những con sóng khao khát đôi khi như nhấn chìm chị trong nỗi dày vò thật đẹp.

Riêng hai câu trong “Trầm cảm 1”: “Chúng ta đã chơi một trò chơi định mệnh/ Trò chơi của những kẻ thất bại ngay từ đầu” như đã gọi ra bản chất của tình yêu. Vâng, tình yêu là một hiện tượng đẹp và buồn. Tình yêu càng đẹp thì càng mong manh. Đọc hai câu thơ này, tôi lại nhớ một câu thơ khác, cũng nói về bản chất của tình yêu của một nhà thơ nước ngoài tiếc không còn nhớ tên: “Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau”.

7 bài thơ, dẫu chưa phải là tất cả, nhưng chúng đã kết nối thành một vệt thơ Như Bình với những chi tiết, những đơn vị thơ đắt, với nhiều hứa hẹn về một cá tính mạnh. Thơ ấy cũng là thơ của một người không chỉ hay ở cách nói, mà còn hay ở cách cảm, cách nghĩ. Đọc chùm thơ này, tôi càng tin: “Thơ chính là những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-khoanh-khac-bung-ro-cua-tam-trang-i700190/