Những hiểu biết của con người về bộ não là sai lầm?

Nghiên cứu mới cho thấy: khi bộ não nhớ lại, nó truy cập đến những mẩu kí ức phức tạp, sau đó mới quay trở về với những chi tiết mà nó nhận thấy trước tiên. Điều này khiến giới khoa học phải đặt lại vấn đề về cách bộ não người nhận thức và nhớ lại sự việc.

Bộ não ghi nhớ như thế nào?

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Học viện Zuckerman ở Trường Đại học Columbia đã chứng minh những hiểu biết của chúng ta về bộ não là sai lầm. Khi não quan sát một sự vật/hiện tượng, trước tiên nó xử lý các chi tiết để xây dựng thành những đối tượng phức tạp ở bên trong. Nhưng khi nhớ lại, bộ não không tái hiện lại những chi tiết trước, mà tập trung vào những “bức tranh” phức tạp hơn.

Nghiên cứu dựa trên định lý Bayes cùng các mô hình toán học khác. Nghiên cứu này được cho là có nhiều ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực: từ đánh giá lời khai trong phòng xử án cho đến điều trị những bệnh nhân có cách xử lý cảm giác khác biệt, như người tự kỉ. Hoặc, chúng ta có thể sử dụng nó để đánh giá độ tin cậy của các ứng cử viên tổng thống.

Đặc biệt, nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học máy tính nghiên cứu sự phát triển của các chip vi mạch trong tương quan với sức mạnh của bộ não con người.

Vì thiếu chứng cứ trực tiếp, nên các nhà khoa học luôn cho rằng quá trình nhận thức và giải mã đi theo chiều hướng: từ chi tiết đến đối tượng phức tạp. Nghiên cứu mới đã cho thấy giả định này không chính xác, vì quá trình giải mã diễn ra trong suốt quá trình nhớ lại.

Những khám phá mới về bộ não người (Ảnh: Internet)

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm để làm sáng tỏ hệ thống giải mã theo cấp bậc của bộ não người. Họ yêu cầu những chủ thể tham gia làm những bài tập đơn giản, có thể được quan sát và phân tích một cách dễ dàng.

Ở bài tập đầu tiên, các chủ thể có nửa giây để nhìn một đường thẳng nghiêng một góc 50 độ trên màn hình máy tính. Sau khi nó biến mất, họ tiếp tục quan sát hai chấm tròn và hình dung hai chấm đang tạo thành góc 50 độ như họ ghi nhớ. Bài tập này được lặp lại 50 lần.

Nhiệm vụ thứ hai giống hết nhiệm vụ thứ nhất, ngoại trừ góc nghiêng của đường thẳng là 53 độ. Ở bài tập thứ ba, các chủ thể nhìn thấy cả hai đường thẳng cùng một lúc, và họ phải cố gắng nối các chấm tròn lại với nhau sao cho gần đúng nhất với hai góc nghiêng mà họ thấy.

"Ký ức của người tham gia về những góc nghiêng của đoạn thẳng thường không chính xác, điều này chúng tôi đã xác nhận trong bài tập một đường thẳng đầu tiên. Trong bài tập có hai đường thẳng, những nghiên cứu trước đây dự đoán rằng, ở góc nghiêng 50 độ sẽ được nhớ lại tốt hơn góc nghiêng 53 độ”, ông Mortimer B. Zuckerman - nhà nghiên cứu thần kinh học thuộc Viện Nghiên cứu Hành vi của não bộ, và ông Ning Qian – người điều tra chủ yếu của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Tuy nhiên, đó không phải là những gì đã xảy ra, và một số phát hiện khác cũng hoàn toàn trái ngược với những dự đoán của các nhà nghiên cứu trước.

Đi tìm lời giải thích

Nhóm tác giả nói rằng trong cuộc sống hàng ngày, ngữ cảnh với con người quan trọng hơn các chi tiết – đây là lý do giúp chúng ta giải thích được quy trình giải mã ngược của bộ não.

Ví dụ: khi chúng ta nhìn thấy một khuôn mặt mới, biểu hiện của họ - chẳng hạn như tức giận hay thân thiện – mới là điều đầu tiên khiến chúng ta thực sự quan tâm. Những chi tiết như hình dạng, các đặc điểm trên khuôn mặt chỉ đến sau đó – nếu cần thiết. Và chúng ta làm điều đó bằng cách ước đoán.

Tiến sĩ Qian cho biết: "Thậm chí cả kinh nghiệm hàng ngày cũng cho thấy nhận thức của chúng ta đi từ mức độ cao đến thấp”. Để kiểm chứng giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình toán học bằng cách sử dụng suy luận Bayesian.

Nhóm nghiên cứu dùng mô hình thống kê để giải mã những đặc tính ở cấp thấp, thay vì tập trung vào các chi tiết vốn được sử dụng để giải mã hoặc nhớ lại bức tranh lớn hơn. Các dự đoán của mô hình hoàn toàn phù hợp với dữ liệu hành vi.

Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu dự định sẽ áp dụng những kết quả này vào trong nghiên cứu về trí nhớ dài hạn, chứ không chỉ tập trung vào những nhận thức đơn giản.

Viên Lâm (Futurism)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-hieu-biet-cua-con-nguoi-ve-bo-nao-la-sai-lam-c7a579871.html