Những hiện vật ghi dấu Cách mạng Tháng Tám tại Bảo tàng tỉnh

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ đất nước của dân tộc. 78 năm đã qua nhưng ý nghĩa và giá trị của cuộc cách mạng này vẫn hiện hữu thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh. Đó là những minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Quảng Trị để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Chỉ bằng các loại vũ khí thô sơ, Nhân dân các địa phương trong tỉnh sử dụng để tham gia cướp chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945- Ảnh: T.T

Bảo tàng Quảng Trị được khánh thành và mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/5/2008. Bảo tàng được xây dựng với diện tích trưng bày cố định hơn 2.350 m2 , cơ cấu theo 16 chuyên đề, được thể hiện thông qua 5.000 tài liệu hiện vật gốc, hàng ngàn tài liệu ảnh, hàng chục tổ hợp không gian hình, tác phẩm nghệ thuật và nhiều tài liệu khoa học phụ.

Phần trưng bày ngoài trời bao gồm các hiện vật thể khối về chiến tranh cách mạng như: máy bay, xe tăng, tên lửa, các loại súng pháo, tổ hợp bom đạn; các hiện vật thể khối lớn thuộc văn hóa Chăm Pa như: các khối đá thuộc đài thờ, bệ thờ, cột bia đá, các cấu kiện kiến trúc, các phù điêu lá nhĩ, yoni, linga…

Phần trưng bày trong nhà được bố trí 2 tầng, trong đó tại tầng 2 trưng bày toàn bộ lịch sử xã hội tỉnh Quảng Trị từ thời tiền sơ sử cho đến ngày nay theo các chuyên đề như: Quảng Trị thời kỳ thuộc Pháp và cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp; Nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước; Vĩnh Linh xây dựng CNXH và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ; Quảng Trị với đường mòn Hồ Chí Minh và hàng rào điện tử Mc. Namara; Chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971; Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và cuối cùng là Quảng Trị thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển.

Chiếm một phần trưng bày của tầng 2, những hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh ở chuyên đề Quảng Trị thời kỳ thuộc Pháp và cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Được đặt trang trọng ở chính giữa gian trưng bày này là tấm biển trích nội dung quan trọng mang tính hiệu triệu toàn dân của Nghị quyết Hội nghị Ban Thống nhất tỉnh Đảng bộ Quảng Trị ngày 18/8/1945: “Toàn dân Quảng Trị: già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, quyết dốc hết tính mạng, tài sản, tiến hành khởi nghĩa đánh đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim giành cho được chính quyền cách mạng về tay Nhân dân...”. Phía bên dưới là phần trưng bày các bản tài liệu viết tay có liên quan.

Lần giở lại lịch sử Đảng bộ tỉnh đã ghi rõ, sau Hội nghị lần thứ hai của Tỉnh ủy lâm thời (tháng 6/1945), phong trào quần chúng dấy lên mạnh mẽ. Nhiều cuộc mít tinh, hội họp của các hội cứu quốc được tổ chức để nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết, tố cáo tội ác của phát xít Nhật, vạch mặt chính phủ bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim, phát động phong trào toàn dân luyện tập quân sự, rèn đúc vũ khí, phát triển lực lượng quần chúng cách mạng. Không khí tiền khởi nghĩa khẩn trương và náo nhiệt, công tác chuẩn bị cho việc giành chính quyền được chuẩn bị đầy đủ. Ở nông thôn, một số nơi nông dân đã nổi dậy làm chủ.

Ngày 18/8/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại Phước Lễ (Triệu Phong). Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị, thảo luận sôi nổi về phong trào quần chúng, phân tích thái độ từng lực lượng đối lập, thống nhất những vấn đề còn tồn tại. Tại hội nghị, đồng chí Trần Hữu Dực truyền đạt lệnh khởi nghĩa của Trung ương.

Trong không khí vô cùng háo hức, sôi động, hội nghị quyết định trong tình thế nào cũng phải phát động quần chúng cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 9 giờ, ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng.

Bằng tất cả những vũ khí sẵn có như: giáo, rựa, cung, nỏ, đao, kiếm, mỏ xảy... Nhân dân các địa phương trong tỉnh sử dụng để tham gia cướp chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là những hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng như một minh chứng sinh động về sức mạnh đấu tranh của Nhân dân, dù chỉ với phương tiện vũ khí thô sơ. Các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện đều tiến hành nhanh chóng.

Các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đều giành chính quyền thắng lợi trong đêm 22/8, hoặc sáng 23/8. 5 giờ sáng ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trèo lên tầng trên dinh tỉnh trưởng (tức tòa công sứ Pháp) giật phăng lá cờ bù nhìn xuống, kéo lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Dưới đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với tinh thần độc lập, sáng tạo, tư tưởng quyết chiến, quyết thắng cao, ý thức chấp hành mệnh lệnh cấp trên triệt để, kịp thời, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo Nhân dân nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày, từ 23-25/8/1945.

Cũng tại gian trưng bày, người xem ấn tượng bởi chiếc hũ sành, sưu tập được của ông Lê Thiệp ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, một trong những vật sử dụng cất giấu tài liệu bí mật của Đảng năm 1938. Hay chiếc chăn của ông Nguyễn Văn Hảo, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, một trong những vật dụng của chiến sĩ cách mạng sử dụng trong những năm bị giam cầm tại nhà lao Quảng Trị (1932-1938)...

Những chiếc hũ gạo “diệt giặc đói” được Nhân dân Quảng Trị dùng đựng gạo tiết kiệm hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một nắm khi đói bằng một gói khi no” trong phong trào “diệt giặc đói” năm 1946-1947 nhắc nhớ về một phong trào nghĩa tình, một trong những biểu tượng về truyền thống tương thân, tương ái quý báu của dân tộc Việt Nam.

Hiện tại Bảo tàng Quảng Trị đang lưu giữ khoảng 30.000 tài liệu hiện vật gốc phong phú, đa dạng, có giá trị. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Bảo tàng Quảng Trị là một trong những bảo tàng lịch sử, văn hóa và chiến tranh cách mạng có quy mô lớn nhất miền Trung. Hằng năm, Bảo tàng tỉnh đón tiếp khoảng hơn 20.000 lượt khách đến nghiên cứu, tham quan, học tập.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/nhung-hien-vat-ghi-dau-cach-mang-thang-tam-tai-bao-tang-tinh/179138.htm