Những giấc mơ trong vườn Bụt

Không ít lần tôi đã mơ về khu vườn ấy. Đó là thế giới tượng Phật của gia đình cố thi sĩ Anh Vũ (1943-2014) tại thôn Tân Mới (Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang). Lần này tôi trở lại khu vườn với bao ký ức buồn vui sau 10 năm xa cách. Tôi bỗng nhớ tới những câu thơ liêu trai của Anh Vũ từ dạo ấy: 'Đám mây thiếu nữ thành đôi bướm/ Câu hát nào rơi khuất góc vườn/ Nụ non còn dấu trong thinh lặng/ Khuya khoắt nhành trăng thơm môi thơm' (Gai Xanh).

Bất ngờ sau ngày trở lại

Nhà thơ Anh Vũ tên thật là Vũ Công Ứng khởi nghiệp chính bắt đầu bằng nghề vẽ tranh và làm tượng. Ông cùng vợ học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và đi dậy học. Quê gốc nhà thơ Anh Vũ ở Bắc Ninh nhưng đã sớm chọn thôn Tân Mới ngoại vi thành phố Bắc Giang làm nơi trú ngụ và dựng nghiệp. Mới đó mà đã hơn 60 năm trôi qua.

Ông say mê làm tượng và gốm ngoài giờ dậy học. Nhất là từ khi về làm việc tại sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang nhà thơ Anh Vũ tập trung vừa làm điêu khắc vừa làm thơ. Tôi rất nhớ thời gian ban đầu thuở hàn vi đó. Ông đã từng viết những câu thơ cho vợ trong khu vườn tình yêu này: "Những cơn mưa/ Cuốn anh đi về những đam mê/ Những vụng về của một thời gõ cửa/ Một thời ngọn lửa bừng cháy trái tim anh".

Tượng nhà văn Nguyên Hồng của Anh Vũ.

Khu vườn gia đình họa sĩ có tới hàng trăm tượng Phật các kiểu dáng cùng những tượng gốm lớn là kết quả của bao năm ông vọc đất mà nên. Sinh thời bà giáo Nguyễn Thị Phụng, vợ ông cũng đã từng nói với tôi rằng: "Ông ấy mê gốm như mê gái vậy, suốt ngày nghịch đất như trẻ con". Khu vườn rộng 400 mét vuông được sắp đặt hài hòa các tượng Phật cùng những bình gốm và cây cảnh. Một không gian thiền thâm u, trầm mặc hiện lên ở mọi góc độ. Hai vợ chồng nhà thơ đặt tên vườn tượng của mình là "Vườn Bụt".

Về lại thôn Tân Mới tôi bất ngờ hay tin con trai nhà thơ là nhà điêu khắc Vũ Công Trí vừa được nhận hai giải thưởng điêu khắc liền trong năm 2023. Tác phẩm "Vườn nhiệt đới" (điêu khắc gỗ) của anh đã đoạt giải A trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (gồm 15 tỉnh thuộc vùng Việt Bắc và Đông Bắc), lần thứ 28 vào tháng 9/2023. Đồng thời mới đây tác phẩm này còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng giải Ba (11/2023). Phải chăng "Vườn nhiệt đới" của Vũ Công Trí đã được ấp ủ và tạo dựng từ ý tưởng trong "Vườn Bụt" của cha anh. Tượng nghệ thuật của Vũ Công Trí đã hòa nhập cộng đồng với những cung bậc cảm xúc thời đại.

Nhà thơ Anh Vũ cũng đã để lại cho đời những tác phẩm lớn được bày ở quảng trường và không gian rộng lớn ở Bắc Giang. Tôi rất nhớ tới những bức tượng chân dung danh nhân của ông như: "Hoàng Hoa Thám", "Ngô Sĩ Liên", "Nguyễn Khắc Nhu". "Nguyên Hồng"… Và giờ đây Vũ Công Trí đã tiếp nối sự nghiệp của cha ở quê hương. Hiện nhà điêu khắc Vũ Công Trí là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Bắc Giang. Anh dậy vẽ và còn là tác giả hàng chục bức phù điêu (gốm và đồng) có giá trị nghệ thuật cao. Vũ Công Trí đã từng đoạt hơn mười giải thưởng điêu khắc trong suốt hai mươi năm qua. Tôi bồi hồi lắng nghe anh kể chuyện về gia đình bên bộ bàn ghế cổ cùng chiếc bát điếu đã sứt mẻ của cha anh để lại.

Nơi hội tụ những giấc mơ

Có thể nói khu "Vườn Bụt" đã hình thành một gia đình nghệ thuật đặc biệt. Vợ chồng họa sĩ, nhà thơ Anh Vũ có 6 người con (bốn gái, hai trai). Lần lượt ba cô con gái đầu đều say mê vẽ tranh và theo học hội họa. Tiếp theo là hai con trai Vũ Công Trí và Vũ Công Thiện cùng trở thành sinh viên Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Yết Kiêu, Hà Nội). Ai ngờ đến con gái út Vũ Thị Thịnh cũng theo học nghề của mẹ rồi về dậy vẽ ở một trường học thuộc quê nội tỉnh Bắc Ninh. Người sớm nổi tiếng về hội họa là họa sĩ Vũ Thị Thư (sinh năm 1964). Những ký ức về Vũ Thị Thư chợt hiện về trong tôi vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước. Khi đó ở tuổi lên mười Vũ Thị Thư nổi tiếng về kỷ lục vẽ tới hàng ngàn bức tranh. Cô tự mày mò lấy bút và màu của mẹ và âm thầm vẽ những bức tranh xinh xắn.

Bé Thư trở thành hiện tượng hội họa của đất Kinh Bắc ngày đó. Những nhà làm phim ở Hà Nội đã lên khu "Vườn Bụt" để quay cảnh bé Thư ngồi vẽ. Đó là hàng trăm tranh đồng quê, thế giới động vật cùng cây cỏ hoa lá. Thêm nữa đó còn là những hình ảnh cha mẹ bên ngôi nhà tranh vách đất. Sau đó bé Thư còn được mời về Hà Nội quay cảnh vẽ trực tiếp tháp Rùa bên hồ Gươm. Bộ phim đã được nhạc sĩ Hoàng Vân viết nhạc phụ họa. Vậy là ước mơ đầu tiên của họa sĩ Vũ Thị Thư trở thành hiện thực. Nay họa sĩ Vũ Thị Thư đã về hưu và trở lại khu vườn của cha mẹ để lại. Chị từng đoạt giải A của Hội Văn nghệ Bắc Giang với tác phẩm "Quan họ ngày xuân". Mới đây bức tranh sơn mài "Chợ miền núi" của chị cũng được trao giải C. Tiếp nối những giấc mơ của các em Vũ Thị Thư cũng bắt đầu từ khu "Vườn Bụt".

Góc vườn tượng Anh Vũ.

Sau này tôi có dịp làm việc và sớm quen con gái thứ ba của nhà thơ Anh Vũ là nhà báo Vũ Việt Tâm (biên tập viên Báo Bắc Ninh). Thật ra ít người biết nhà báo Việt Tâm đã từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Duyên trời như sắp đặt chị lại say mê làm thơ như bố và nhập vào làng báo lúc nào không hay. Sinh thời nhà thơ Vũ Từ Trang hay rủ tôi viết bài cho Báo cuối tuần Bắc Ninh. Tại đây Việt Tâm đã đón tiếp nhiệt tình. Có lẽ thêm một phần quen thân từ khi Việt Tâm biết tôi đã từng viết bài về đám cưới vàng của cha mẹ chị. Việt Tâm có những bài thơ rất ấn tượng mà tôi vẫn nhớ như "Mưa gầy", "Mùa xuân chín", "Không đề"… Đó những giai điệu của sắc màu tô điểm cho những câu thơ của Việt Tâm giầu sức liên tưởng: "Em của ngày hôm qua/ Đã là mùa xuân chín/ Ngược về miền ký ức/ Rất xưa và rất xa" (Mùa xuân chín)

Điều bất ngờ là cả sáu con của nhà thơ Anh Vũ đều yêu thơ và làm thơ như bố. Trong số này về văn thơ nổi bật là Vũ Thị Thanh (con gái thứ hai). Chị tốt nghiệp đại học Văn khoa tại Nga nhưng lại về làm việc cho một công ty nhà nước ở Quảng Ngãi. Tuy vậy nghiệp văn không rời xa Vũ Thị Thanh. Hiện chị là hội viên của Hội Văn nghệ Quảng Ngãi chuyên viết truyện và làm thơ với bút danh Khánh Vũ.

Truyện ngắn đầu tiên của Khánh Vũ xuất hiện cách đây hơn 20 năm, trên "Kiến thức ngày nay", số Tết (2002). Ở tận miền Trung Nam bộ xa xôi nhưng Vũ Thị Thanh luôn nhớ về khu vườn tràn đầy kỷ niệm của mình. Những ký ức sống dậy trong hồi tưởng: "Mẹ ngồi bên cửa chiều đông/ Cánh cò sắc sắc không không cánh cò". Rồi hình ảnh ứa tràn đau đáu nỗi nhớ quê: "Bao nhiêu nước mắt tự ngàn xưa/ Gửi theo sóng thành đôi dòng trong đục/ Ơi con sông của một miền ký ức/ Da diết hoài nên gọi tên Thương" (8/2023).

Thì xuân giã bạn

Tôi và nhà điêu khắc Vũ Công Trí đang trò chuyện thì bất ngờ họa sĩ Vũ Thị Thư vừa đi làm vườn về. Hai chị em khệ nệ vác tranh và tượng cho tôi chụp ảnh bên "Vườn Bụt". Tôi bồi hồi ngỡ như gặp lại thi sĩ Anh Vũ cùng trò chuyện với những người con nối nghiệp cha mẹ. Đây là gia đình có một không hai ở tỉnh Bắc Giang, hai thế hệ có tới 8 người cùng theo nghề hội họa, văn thơ. Họ đều sinh hoạt tích cực tại các hội văn nghệ địa phương. Riêng nhà thơ Anh Vũ còn là hội viên của hai hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà điêu khắc Vũ Công Trí cũng được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2005.

Đứng trước những tác phẩm của Vũ Công Trí và Vũ Thị Thư tôi bị cuốn hút bởi những sắc màu và khối hình tươi sáng trẻ trung. Bên cạnh tượng "Vườn nhiệt đới" cùng bức tranh "Quan họ ngày xuân" là những nụ hải đường đơm bông. Một cây hoa còn sót lại của nhà thơ Anh Vũ đã trồng từ mươi năm trước. Những câu thơ trong lời giã bạn mà ông đọc ngày nào lại vang vọng trong tâm hồn tôi: "Giã bạn cùng trong một xóm thôi/ Rồi mai gặp lại vẫn chia phôi/ Đồng áng bộn bề che chắn hội/ Còn mấy thì xuân trót một đời" (Thì xuân).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-giac-mo-trong-vuon-but-i715694/