Những đứa trẻ của bà Merkel

Sau khi Thủ tướng Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2015, nước Đức giờ đây có một thế hệ những đứa trẻ được đặt tên theo vị lãnh đạo này.

Hibaja Maai hạ sinh một em bé chỉ 3 ngày sau khi cô đặt chân đến nước Đức.

Người phụ nữ này đã rời bỏ quê nhà ở Syria để chạy trốn khỏi cảnh đạn bom và khói lửa. Cô và 3 đứa con nhỏ cũng phải lênh đênh giữa Địa Trung Hải trên một chiếc thuyền nhỏ kín đặc người. Một vị bác sĩ ở địa điểm dừng chân của họ ở Hy Lạp đã khuyên rằng cô nên nghỉ ngơi để chuẩn bị sinh em bé.

Angela Al Abdi (ngồi trên cầu trượt) đang chơi đùa với các bạn trong trường mẫu giáo ở Wulfrath. Ảnh: New York Times.

"Câu chuyện cổ tích mùa thu"

Nhưng Hibaja Maai quyết định đi tiếp, qua Macedonia, Serbia, Hungary và Áo. Ngay khi bước qua biên giới và đặt chân đến bang Bavaria, cô mới có thể nghỉ ngơi và gần như ngay lập tức đi đến nhà hộ sinh.

"Là một bé gái", bác sĩ nói sau khi đưa em bé sơ sinh cho cô.

Vào lúc đó, Hibaja Maai biết chắc chắn cô sẽ đặt tên cho con gái của mình là gì.

"Chúng ta sẽ đặt tên bé là Angela", Maai nói với chồng của mình. Chồng cô đã rời khỏi Syria từ 6 tháng trước và chỉ mới đoàn tụ cùng gia đình 2 ngày trước khi em bé ra đời vào ngày 1/2/2016.

"Angela Merkel đã cứu sống chúng tôi. Bà ấy cho chúng tôi một mái nhà, và bà ấy cho những đứa trẻ của chúng tôi có một tương lai. Chúng tôi yêu bà ấy như mẹ của mình", Maai chia sẻ tại nơi ở mới của mình tại thị trấn Wulfrath, vùng tây bắc nước Đức.

Thủ tướng Merkel sẽ rời khỏi nhiệm sở sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới, chấm dứt quãng thời gian 16 năm lãnh đạo đất nước. Vào năm 2015, bà chính là người quyết định mở cửa biên giới cho hơn một triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất trong suốt 4 nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước của bà Merkel.

Quyết định này không chỉ thay đổi nước Đức, thay đổi châu Âu mà còn thay đổi số phận của hàng trăm nghìn gia đình tị nạn. Một ân huệ mà để đáp lại, nhiều người trong số họ đã quyết định đặt tên con mình theo tên bà.

Bà Merkel không có con, nhưng ở nhiều nơi trên nước Đức vào lúc này, có những bé gái 5, 6 tuổi và thậm chí là một số bé trai, có tên khai sinh là Angela, Angie, Merkel và cả Angela Merkel. Chưa có thống kê chính thức nào về số lượng trẻ em được đặt tên theo bà Merkel, nhưng các nhân viên trợ giúp người tị nạn khẳng định con số là không nhỏ.

"Con bé chỉ thích đồ ăn Đức thôi", cô Maai nói về bé Angela, giờ đã 5 tuổi.

Mùa thu năm 2015 là một khoảnh khắc đáng nhớ khi đất nước từng chịu trách nhiệm cho thảm họa diệt chủng người Do Thái quyết định mở cửa biên giới cho hơn một triệu người tị nạn. Nhiều người Đức gọi đó là "câu chuyện cổ tích mùa thu".

Tuy nhiên động thái của bà Merkel cũng làm khơi dậy một làn sóng bài nhập cư trên khắp châu Âu. Từ làn sóng này hình thành lên các lãnh đạo dân túy có xu hướng thiên hữu lan khắp lục địa già, tiêu biểu như Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Thêm vào đó, ngay chính trên nước Đức, quyết định của bà Merkel cũng là tiền đề cho đảng thiên hữu AfD lần đầu tiên trong lịch sử có chân trong Bundestag (Quốc hội Đức).

Vào lúc này, nhân viên tuần tra biên giới của các nước châu Âu vẫn dùng vũ lực để trấn áp người tị nạn tìm cách vượt biên. Trong khi đó, các trại tị nạn luôn trong tình trạng quá tải. Các chính phủ châu Âu cũng phải bơm tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ và Libya để giữ những người tị nạn ở nước họ.

Vào tháng trước, khi tình hình ở Afghanistan xấu đi, các lãnh đạo EU đã đồng thuận và khẳng định người tị nạn từ quốc gia này sẽ không được chào đón.

Người tị nạn Syria tập trung trong một cơ sở lưu trú tạm thời ở Berlin hồi năm 2015. Thủ tướng Angela Merkel khi đó đã quyết định mở cửa biên giới cho hơn một triệu người tị nạn. Ảnh: New York Times.

"Có hai câu chuyện ở đây: Một câu chuyện thành công, và một câu chuyện về sự thất bại thảm hại", ông Gerald Knaus, cố vấn về người tị nạn cho bà Merkel trong hơn một thập kỷ, nhận định. Ông Knaus là nhà sáng lập của Sáng kiến Ổn định châu Âu, một viện chính sách chuyên nghiên cứu về việc mở rộng địa giới của EU.

"Bà Merkel đã làm điều đúng đắn ở nước Đức, nhưng bà ấy đã thất bại trong vấn đề này ở châu Âu", ông Knaus nói thêm.

"Thần hộ mệnh của chúng tôi"

Sau khi rời bỏ sự hỗn loạn ở quê nhà Syria, vợ chồng Mhmad và Widad giờ đang sống ở thành phố Gelsenkirchen, phía tây nước Đức. Trong phòng khách của họ, nụ cười của bà Merkel là hình nền của chiếc TV.

"Bà Merkel là vị thần hộ mệnh của chúng tôi. Bà ấy đã làm một điều lớn lao, một điều đẹp đẽ, điều mà các lãnh đạo Arab đã không làm cho chúng tôi", cô Widad, người phụ nữ 35 tuổi với 6 đứa con, chia sẻ.

"Chúng tôi chẳng có gì để đáp lại điều đó, vì vậy chúng tôi đặt tên con gái mình theo bà ấy", cô Widad nói thêm.

Angie, con gái của họ, giờ đã 5 tuổi. Cô bé thích kể chuyện bằng tiếng Đức với 5 anh chị em của mình. Chị gái Haddia của cô bé năm nay 13 tuổi và muốn trở thành một nha sĩ. Fatima, người chị 11 tuổi, thì rất đam mê toán học.

"Không có sự phân biệt giữ bé trai và bé gái trong trường học ở đây, điều đó thật tốt. Tôi hy vọng Angie sẽ lớn lên trở thành người như bà Merkel - một phụ nữ mạnh mẽ và có trái tim nhân hậu", người mẹ chia sẻ.

Dù vậy, sự xuất hiện của một triệu người nhập cư đã khiến nước Đức rúng động, ngay cả khi Thủ tướng Merkel đã cố gắng trấn an người dân bằng một thông điệp đơn giản: "Chúng ta có thể làm được".

Cũng giống như nhiều gia đình nhập cư khác, Mhmad và Widad được chính phủ Đức cấp một khoản tiền chi tiêu hàng tháng. Họ cũng được phép ở lại nước Đức và làm việc. Sau 3 năm nữa, họ sẽ đủ điều kiện để trở thành công dân Đức.

Những thống kê mới nhất của chính phủ Đức cho thấy người tị nạn năm 2015 phần lớn đều hài lòng với cuộc sống hiện tại, và đang dần dần hòa nhập vào xã hội Đức. Một nửa trong số này có việc làm, và hơn 65.000 người đang theo học đại học hoặc các chương trình học nghề. Ba phần tư số người nhập cư được hỏi cho biết họ cảm thấy "được đón nhận" hoặc "rất được đón nhận".

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cộng đồng người tị nạn đã may khẩu trang và nhiều người trẻ tình nguyện đi chợ cho người Đức cao tuổi. Trong trận lũ lụt lịch sử cách đây 2 tháng, nhiều người đã lái xe đến khu vực bị ảnh hưởng để tình nguyện dọn dẹp.

Cô Widad là một giáo viên tiếng Anh ở Syria trước khi đến Đức. Cô vừa có bằng lái xe, đang học thêm tiếng Đức và hy vọng có thể quay lại dạy học ở đất nước mới. Chồng của cô, người từng là thợ sửa ống nước ở Syria, cũng đang cố gắng vượt qua bài kiểm tra tay nghề của chính phủ để có giấy phép hành nghề.

Người tị nạn giơ ảnh bà Merkel - nhân vật mà nhiều người ví như vị thần hộ mệnh của họ. Ảnh: AP.

Ở thị trấn Wulfrath, chồng của Hibaja Maai và là cha của bé Angela, đang làm việc cho một xưởng gia công kim loại ở địa phương. Anh đã đỗ bài kiểm tra tiếng Đức vào năm 2018 và vừa mở công việc kinh doanh riêng. Vợ của anh thì lên kế hoạch trở thành một thợ làm tóc.

Khi cô Maai mang bé Angela tới trường mẫu giáo lần đầu tiên, cô chưa thể nói nhiều tiếng Đức. Cô giáo ở trường khá bất ngờ khi biết tên em bé.

"Angela? Như là Angela Merkel hả?", cô giáo hỏi.

"Đúng thế!", cô Maai trả lời.

Quốc Thăng (Theo New York Times)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dua-tre-cua-ba-merkel-post1264832.html