Những đóng góp thầm lặng của nghề điều dưỡng

Trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân có những cống hiến thầm lặng của các điều dưỡng viên. Ghi nhận những đóng của đội ngũ điều dưỡng, ngành Y tế đã lấy ngày 26/10 là Ngày Điều dưỡng Việt Nam.

Công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân được thực hiện song song ở bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân được chăm sóc tốt là nhờ điều dưỡng viên. Họ là người đầu tiên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân từ khi đặt chân đến cho đến khi xuất viện.

Tại những khoa chăm sóc bệnh nhân nặng như Hồi sức tích cực chống độc, Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Phòng sinh, Đơn nguyên Sơ sinh, với chỉ định chăm sóc cấp 1 thì điều dưỡng chính là người chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ thể chất, tinh thần đến bữa ăn, giấc ngủ... Với bệnh nhân hôn mê thời gian dài, người điều dưỡng còn phải thực hiện chăm sóc chuyên sâu để phòng chống loét, hạn chế teo cơ, cứng khớp do nằm bất động lâu ngày.

Hay những bệnh nhân bị thiếu oxy não, tinh thần không ổn định, khi đau đớn họ la hét, chửi mắng vô cớ, thì người điều dưỡng vẫn kiên trì, nhẫn nại chăm sóc. Chị Trần Thị Nghi, ở huyện Đắk Song, có người nhà bị ngã gãy chân nhập viện, điều trị hơn 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chia sẻ, trong suốt thời gian nằm viện, các điều dưỡng viên thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc người nhà của chị rất chu đáo và cẩn thận.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Linh, khoa Lão-Tim mạch đo huyết áp cho bệnh nhân

Chia sẻ về công việc của mình, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Linh, Khoa Lão-Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho hay, nghề điều dưỡng là nghề “cho đi” và cũng “nhận lại” được rất nhiều. “Nhiều lúc đi trực rất vất vả nhưng lắng nghe những tâm sự của bệnh nhân, tôi cảm thấy như được truyền thêm động lực để cố gắng mỗi ngày”, chị Linh tâm sự.

Còn theo điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hương Trà, Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng mỗi ngày đi làm là ngày vui bởi chị được làm công việc yêu thích. "Ngày ngày được chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh hơn, đủ điều kiện để xuất viện là động lực giúp tôi cố gắng hơn nữa trong công việc".

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông hiện có 215 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, chiếm 50% tổng số cán bộ, công nhân viên. Trong đó, có gần 54% điều dưỡng viên và hơn 62% hộ sinh tại bệnh viện đạt trình độ đại học.

Với 120 bác sĩ thì số điều dưỡng hiện có, thiếu nhiều so với quy định của Bộ Y tế là từ 3-3,5 điều dưỡng/1 bác sĩ. Tuy còn thiếu, khó khăn nhưng đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn duy trì tốt hoạt động phục vụ bác sĩ, chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các điều dưỡng viên tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực hết mình nhằm bảo đảm công tác điều trị, công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân trên địa bàn tỉnh

Để nâng cao chuyên môn, kỹ năng và hiệu quả trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân bệnh viện triển khai mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện, làm việc theo ca, hay tổ chức hội thi kiểm tra tay nghề cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y dưới 5 năm công tác theo quy định...

Chị Trương Thị Mỹ Hồng, Trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị và công tác đào tạo cho đội ngũ điều dưỡng viên... Điều này phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả các hoạt động chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, mỗi điều dưỡng vẫn luôn tận tâm với nghề, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, đồng thời không ngừng nỗ lực để nâng cao chuyên môn nhằm cải thiện công tác điều trị, công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhung-dong-gop-tham-lang-cua-nghe-dieu-duong-183874.html