Những đòn trừng phạt 'chưa từng có' với Nga sẽ gồm những gì?

Lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể đưa ra nếu Nga tấn công Ukraine bao gồm biện pháp từ rộng tới hẹp: Từ cắt đứt Nga khỏi đồng USD cho tới áp lệnh trừng phạt với thân tín của ông Putin.

Hôm 31/1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Mỹ đang xây dựng “các lệnh trừng phạt cụ thể” để giáng đòn vào những nhân vật “nằm trong hoặc gần nhóm thân tín của Điện Kremlin” nếu Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh tấn công Ukraine.

“Rất nhiều trong số các cá nhân này là mục tiêu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng, vì họ có liên hệ tài chính sâu sắc với phương Tây”, bà Psaki nói.

Bà cũng xác nhận Tổng thống Joe Biden đã cho phép thực hiện những biện pháp vượt qua mức mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng phê duyệt khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014, theo New York Times.

Giáng đòn trừng phạt vào thân tín của ông Putin chỉ là một trong những lựa chọn đang được Mỹ và đồng minh phương Tây cân nhắc đưa ra nếu Nga tấn công Ukraine.

Ngoài mặt, Mỹ và đồng minh châu Âu trừng phạt kinh tế nghiêm trọng "chưa từng thấy" đối với Nga nếu Moscow phát động tấn công Ukraine. Nhưng tới nay, phương Tây vẫn ít đưa ra chi tiết cụ thể, vì cho rằng cách làm hiệu quả nhất là khiến ông Putin luôn phải suy đoán.

Sau nhiều tuần đàm phán, dường như Mỹ vẫn chưa thể đạt được đồng thuận chung với châu Âu về việc sẽ áp lệnh trừng phạt nào, cũng như động thái nào của Nga sẽ "châm ngòi" buộc họ hành động.

Lựa chọn SWIFT

Mỹ và đồng minh châu Âu có thể loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính SWIFT - cơ chế chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau trên khắp thế giới. Đây là một trong những biện pháp kinh tế nặng nề nhất mà phương Tây có thể thực hiện, gây thiệt hại lập tức và dài hạn cho nền kinh tế Nga.

Động thái này có thể khiến Nga mất khả năng tham gia hầu hết giao dịch tài chính quốc tế, bao gồm việc thu lợi nhuận từ sản xuất dầu mỏ và khí đốt - vốn chiếm hơn 40% thu nhập của xứ sở bạch dương.

 Bức ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng ở Soloti, Nga vào ngày 5/12/2021. Ảnh: Reuters.

Bức ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng ở Soloti, Nga vào ngày 5/12/2021. Ảnh: Reuters.

Phương Tây cũng từng cân nhắc lựa chọn SWIFT vào năm 2014, khi Nga sáp nhập vùng Crimea và hậu thuẫn các lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine. Nhưng sau khi Nga tuyên bố việc loại nước này ra khỏi SWIFT tương đương với lời tuyên chiến, phương Tây đã từ bỏ ý định này.

Từ đó, Nga cố gắng xây dựng hệ thống giao dịch tài chính của riêng mình nhưng chỉ đạt thành công ở mức hạn chế.

Washington cũng từng thành công thuyết phục hệ thống SWIFT khai trừ Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng việc khai trừ Nga ra khỏi SWIFT cũng sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác, bao gồm Mỹ cùng đồng minh chủ chốt là Đức.

Hồi tuần trước, các nhà lập pháp Mỹ cho biết chính quyền Biden vẫn đang phân tích đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của lựa chọn này. Trong khi đó, khi được hỏi về việc loại Nga khỏi SWIFT, Bộ trưởng Tài chính Đức Annalena Baerbock dường như có thái độ hoài nghi.

“Cây gậy cứng cáp nhất rốt cuộc không phải lúc nào cũng là thanh gươm thông minh nhất”, bà Baerbock nói.

Cấm dùng USD

Trong tay Mỹ lúc này đã có sẵn một trong những vũ khí tiền tệ mạnh mẽ nhất để giáng đòn vào ông Putin nếu Nga tấn công Ukraine: Ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường tiền USD - đồng tiền vẫn thống trị các giao dịch tài chính quốc tế với khối lượng giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.

Những giao dịch bằng USD xét cho cùng vẫn cần được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hoặc các tổ chức tài chính Mỹ chấp thuận. Đối với ông Putin, điều này có nghĩa các ngân hàng ngoài Nga sẽ phải tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ để thực hiện các giao dịch bằng USD.

 Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển trên cao tốc tại Crimea trong tháng 1. Ảnh: AP.

Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển trên cao tốc tại Crimea trong tháng 1. Ảnh: AP.

Khả năng chặn đường tiếp cận nói trên khiến lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ có thể vươn xa khỏi phạm vi đường biên giới của nước này.

Trước đó, Mỹ từng tạm dừng chấp thuận giao dịch USD của các tổ chức tài chính vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran, Sudan và những nước khác.

Trả lời báo chí, ông Biden từng nói việc chặn Nga giao dịch bằng USD là một trong những lựa chọn mà Mỹ đang nghiên cứu. Đây là động thái mà Mỹ có thể tự mình thực hiện, khác với lựa chọn SWIFT và các biện pháp tài chính khác.

Nhiều người Nga và công ty Nga sẽ bị cản trở khi thực hiện cả những giao dịch thông thường nhất như trả lương hoặc mua sắm vì họ sẽ không thể tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ.

Kiểm soát xuất khẩu

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng xác nhận Mỹ đang xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, từ đó ngăn Nga tiếp cận các loại công nghệ cao được ứng dụng trong tiêm kích, smartphone, cùng các phần mềm và thiết bị tiên tiến khác trong thế giới hiện đại.

Biện pháp này có thể bao gồm việc đưa Nga vào danh sách các nước đang bị kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt nhất, bên cạnh Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria, giới chức Mỹ cho biết.

 Ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Nga gặp nhau tại Geneva vào tháng 1. Ảnh: New York Times.

Ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Nga gặp nhau tại Geneva vào tháng 1. Ảnh: New York Times.

Như vậy, Nga sẽ chịu hạn chế nghiêm trọng khi muốn mua các mạch tích hợp cùng các sản phẩm chứa mạch tích hợp vì mức độ thống trị của Mỹ trên lĩnh vực công nghệ, phần mềm và thiết bị. Các mảng khác cũng có thể chịu tác động là thiết bị điện tử hàng không, máy cơ khí, smartphone, tablet và tivi.

Lệnh kiểm soát xuất khẩu còn có thể nhắm tới các ngành mũi nhọn của Nga, bao gồm hàng không dân dụng và quốc phòng, từ đó giáng đòn vào tham vọng công nghệ cao của nước này trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay điện toán lượng tử.

Cũng như một số lệnh trừng phạt khác đang được xem xét, biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có nguy cơ thúc đẩy giới doanh nghiệp tìm kiếm các lựa chọn thay thế ở các nước khác, bao gồm Trung Quốc.

Trái phiếu, đường ống dẫn khí và thân tín

Chính quyền Biden trong năm 2021 đã hạn chế khả năng vay tiền của Moscow bằng cách cấm các tổ chức tài chính Mỹ trực tiếp mua trái phiếu chính phủ Nga từ cơ quan nhà nước.

Nhưng biện pháp trừng phạt này chưa nhắm vào thị trường thứ cấp nên đây có thể là bước tiếp theo cho Mỹ.

 Một công trường xây dựng đường ống Nord Stream 2 gần thị trấn Kingisepp, Leningrad của Nga vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Một công trường xây dựng đường ống Nord Stream 2 gần thị trấn Kingisepp, Leningrad của Nga vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã phản đối Nord Stream 2 - dự án đường ống dẫn khí thiên nhiên chạy từ Nga đến Đức. Họ cho rằng dự án này sẽ giúp Nga dùng quyền kiểm soát nguồn cung khí đốt làm đòn bẩy để đạt được mục tiêu ở châu Âu.

Một số dự luật đã được trình lên Quốc hội Mỹ với mục tiêu trừng phạt phía công ty vận hành đường ống. Nhưng trong khi đảng Cộng hòa muốn áp các biện pháp trừng phạt ngay lập tức, đảng Dân chủ chỉ muốn ra tay nếu Nga tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Biden trước đây từng trì hoãn lệnh trừng phạt trên để tránh làm phát sinh vướng mắc với đồng minh Đức.

Giới chức Đức từng nói việc ngăn chặn đường ống vận hành sẽ được “đặt lên bàn cân” nếu Nga tấn công Ukraine. Nhưng những tuyên bố công khai của Đức cũng chỉ dừng lại ở đó.

Một trong những chiến thuật được Mỹ sử dụng nhiều nhất là trừng phạt những nhân vật thân cận của lãnh đạo một nước như gia đình hoặc thân tín trong và ngoài quân đội.

Ông Putin và bạn bè, người thân cũng có thể sẽ gặp phải đòn trừng phạt này, cùng những nhà tài phiệt quyền lực và các ngân hàng của Nga.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-don-trung-phat-chua-tung-co-voi-nga-se-gom-nhung-gi-post1292211.html